Thống kê đầy đủ, chính xác số F0 phát hiện qua PCR và test nhanh để theo dõi sức khỏe và điều trị
(ABO) Chiều 11-12, đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Tiền Giang; đồng chí Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh, nhằm đánh giá và đề ra các giải pháp cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.
Quang cảnh cuộc họp. |
Theo Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc gia tăng ở tất cả các huyện, thị, thành trong tỉnh và phần lớn các ổ dịch không xác định được nguồn lây.
Riêng trong 2 tuần từ ngày 26-11 đến 9-12, số ca nhập viện điều trị giảm, số ca điều trị tại nhà tăng gấp đôi. Số ca tử vong trong 2 tuần là 128 ca, hơn 70% các trường họp tử vong có bệnh nền, 18 ca tử vong đã tiêm 1 mũi vắc xin, 7 ca tử vong đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19.
Sở Y tế cũng đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới; trong đó, tập trung vào 2 giải pháp nhằm giảm tỷ lệ mắc. Đó là đến ngày 31-12, toàn bộ 100% người dân có chỉ định tiêm được tiêm đủ 2 mũi vắc xin và xây dựng mạng lưới tư vấn điều trị F0 tại nhà.
Đối với nhóm giải pháp giảm tỷ lệ tử vong, sẽ tập trung nâng cao năng lực điều trị và tăng thêm trang thiết bị y tế tuyến cơ sở trong điều trị F0 tại nhà; thành lập Trung tâm Lọc thận định kỳ bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm Y tế huyện Chợ Gạo để lọc thận cho bệnh nhân bị suy thận mãn bị nhiễm Covid-19, nhằm giảm tải cho Trung tâm Hồi sức cấp cứu.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh giao Bí thư và Chủ tịch UBND cấp huyện phải thường xuyên kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác quản lý, điều trị F0 tại nhà. |
Cũng theo Sở Y tế, trên cơ sở cấp độ dịch Covid-19 quy mô cấp xã, huyện và tỉnh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, từ ngày 2-12 đến ngày 8-12, Tiền Giang tiếp tục duy trì ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình). Toàn tỉnh có 8 huyện, thị ở cấp độ 2 và 3 đơn vị cấp độ 3 (nguy cơ cao) gồm TP. Mỹ Tho, huyện Châu Thành và huyện Gò Công Đông.
Thực hiện Công điện 1988 của Bộ Y tế, UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trước biến chủng mới Omicron của vi rút SARS-CoV-2.
Trên cơ sở tình hình dịch Covid-19 trong 2 tuần qua, các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành tỉnh đã nêu những giải pháp cụ thể, để ngăn chặn tỷ lệ gia tăng số ca mắc và ca tử vong. Đặc biệt, các địa phương cũng nêu lên những khó khăn trong công tác quản lý, điều trị F0 tại nhà cần được tháo gỡ, trong đó có tình trạng thiếu hụt oxy và thiết bị y tế, thuốc đặc trị cho F0 điều trị tại nhà và tại tuyến y tế cơ sở.
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh chỉ đạo cần xốc lại tinh thần và trách nhiệm của lực lượng phòng, chống dịch. |
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh chỉ đạo cần xốc lại tinh thần và trách nhiệm của lực lượng phòng, chống dịch; duy trì hoạt động Ban Chỉ đạo và Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch các cấp.
Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng hiện tại mầm bệnh trong cộng đồng hết sức phức tạp, do đó các phương tiện thông tin đại chúng, các hội, đoàn thể cần tăng cường tuyên truyền để người dân không lơ là, chủ quan đối với Covid-19.
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Danh giao Bí thư và Chủ tịch UBND cấp huyện phải thường xuyên kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác quản lý, điều trị F0 tại nhà; trong đó, phải thống kê đầy đủ, chính xác con số F0 phát hiện qua PCR và test nhanh, rà soát lại số ca F0 đã thống kê, nhất là quản lý con số trên 16.000 ca dương tính phát hiện qua test nhanh trong 2 tuần qua mà không được Bộ Y tế gắn mã số; thực hiện tốt việc theo dõi sức khỏe và điều trị đối với F0 điều trị tại nhà.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh cũng yêu cầu tăng cường phối hợp giám sát F0 ở các doanh nghiệp, ngăn chặn thực trạng công nhân nhiễm F0 không khai báo y tế mà tự điều trị, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh diễn tiến nặng, lây nhiễm trong cộng đồng.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị lãnh đạo các huyện, thành phố, thị xã có giải pháp hoàn thành tiêm vắc xin Covid-19 đủ liều cho 100% người từ 12 tuổi trở lên; yêu cầu ngành Y tế xây dựng kế hoạch sẵn sàng tiêm vắc xin cho nhóm đối tượng từ 5 đến dưới 12 tuổi; xây dựng kế hoạch tiêm bổ sung và tiêm nhắc mũi 3 cho người dân, trong điều kiện vắc xin chưa đủ thì thực hiện theo quy định ưu tiên trước cho nhóm đối tượng là lực lượng tuyến đầu chống dịch, người cao tuổi và người có bệnh nền…
Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý ngành Y tế nhanh chóng đánh giá lại công tác điều trị F0, điều trị F0 nặng, để hạn chế thấp nhất tử vong; đồng thời, dự báo tình hình dịch bệnh trong thời gian từ nay đến cuối năm, để có giải pháp ngăn chặn lây nhiễm trong cộng đồng, bảo vệ sức khỏe người dân.
THỦY HÀ