Tiền Giang: Ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại hóa nền hành chính
Được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, những năm qua, công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, cập nhật, tích hợp TTHC trên cơ sở dữ liệu quốc gia, cổng dịch vụ công của tỉnh... được triển khai thực hiện thông suốt, toàn diện và đạt nhiều kết quả tích cực, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm trung tâm để phục vụ.
Sàn giao dịch điện tử Tiền Giang ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia. |
Tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong việc giải quyết TTHC được cá nhân, tổ chức đến giao dịch đánh giá rất cao, mức độ hài lòng trên 98%.
XÂY DỰNG HẠ TẦNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
Cải cách hành chính (CCHC) được tỉnh Tiền Giang xem là yếu tố then chốt trong chiến lược đổi mới và xây dựng tỉnh trở nên năng động hơn, phát triển toàn diện hơn; trong đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hiện đại hóa nền hành chính là điểm đột phá, làm thay đổi căn bản phương thức, lề lối và hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, ngay từ đầu năm 2021, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định 605 phê duyệt Đề án Chính quyền số tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030. Từ đó, các chương trình, dự án đầu tư ứng dụng CNTT hằng năm trong cơ quan nhà nước được quan tâm, tập trung đầu tư, nhanh chóng kết nối liên thông đảm bảo môi trường chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp và quản lý trực tuyến trên mạng từ cấp xã, phường đến cấp tỉnh.
Nhờ triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đề ra đã giúp cho nền hành chính Tiền Giang thay đổi rõ nét, nhất là trong việc ứng dụng và xử lý các văn bản hành chính. Đặc biệt, đối với phần mềm Một cửa điện tử tỉnh, có 100% cơ quan sử dụng phần mềm để tiếp nhận, xử lý và trả kết quả; hơn 94% cơ quan thực hiện tốt việc cập nhật và xử lý hồ sơ trên phần mềm, từ đó số lượng hồ sơ trễ hẹn giảm so với năm 2020.
So với năm 2020, việc ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được thực hiện tương đối tốt, mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp tăng, tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 được cải thiện; 100% cơ quan đã thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến với tiêu chí 100% mức độ 2; 100% cơ quan đạt tiêu chí 70% mức độ 3 và hơn 89% cơ quan đạt tiêu chí 40% mức độ 4.
Đến nay, 100% cán bộ, công chức tại các cơ quan nhà nước cấp tỉnh được trang bị máy tính; 100% các sở, ban, ngành đã xây dựng hệ thống mạng nội bộ LAN, 100% máy tính của các đơn vị kết nối Internet đường truyền tốc độ cao, 100% cơ quan thực hiện tốt việc tiếp nhận và xử lý văn bản đi, văn bản đến trên phần mềm; 100% cơ quan thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử có ký số liên thông trên phần mềm.
Đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT, lãnh đạo từ cấp tỉnh đến cấp xã, phường bảo đảm theo tiêu chuẩn nghiệp vụ, năng lực chuyên môn, được tập huấn bồi dưỡng hằng năm và được hưởng chính sách đặc thù riêng cho cán bộ chuyên trách CNTT. Hệ thống văn bản từ Trung ương đến tỉnh được cập nhật kịp thời; hạ tầng truyền dẫn bảo đảm kết nối cáp quang đến 100% xã, phường; hệ thống mạng LAN, Internet và trang thiết bị CNTT được đầu tư.
Thực tế vừa qua cho thấy, nhiều sở, ngành đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, như: Cơ sở dữ liệu người có công, cơ sở dữ liệu quản lý doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã, cơ sở dữ liệu quản lý thông tin truyền thông, nội vụ, quản lý thuế, quản lý cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý lý lịch tư pháp, quản lý khoa học… Chưa kể, hạ tầng kỹ thuật CNTT tại các cơ quan cấp huyện có sự đầu tư đáp ứng việc triển khai ứng dụng CNTT phục vụ công việc chuyên môn của cán bộ, công chức tại các cơ quan.
ĐẨY MẠNH GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ
Quy trình đăng sản phẩm, dịch vụ lên sàn giao dịch điện tử Tiền Giang Bước 2: Thực hiện đăng ký tài khoản bằng cách: - Click vào menu Đăng ký để hiện form đăng ký - Điền thông tin vào form đăng ký và click Đăng ký Bước 3: Thực hiện Đăng ký cơ sở sản xuất, kinh doanh bằng cách: - Click chọn vào tên cá nhân sau khi đăng nhập - chọn “Trang Cá Nhân”. - Tại trang cá nhân click chọn “Đăng ký cơ sở sản xuất, kinh doanh”. - Điền đầy đủ thông tin vào những trường có dấu (*) sau đó click vào nút Lưu thông tin để hoàn thành đăng ký cơ sở sản xuất, kinh doanh. Bước 4: Thực hiện đăng sản phẩm lên hệ thống: - Tại trang quản lý cơ sở -> bấm chọn “Thông Tin Cơ Sở” -> “ Danh sách sản phẩm”. Sau khi bấm chọn hệ thống sẽ hiển thị danh sách sản phẩm đang có trên hệ thống. Tại Giao diện này người dùng tiếp tục bấm vào nút Thêm tin mới để thực hiện thêm mới 1 sản phầm vào hệ thống. Tại giao diện này - bước tiếp theo người dùng cần chọn đúng lĩnh vực muốn đăng tin và nhập đầy đủ thông tin sản phẩm và bấm nút Lưu sản phẩm để tiến hành lưu lại thông tin đã nhập. - Đến bước này, sản phẩm đã được lưu lại và hiển thị lên trang chủ, doanh nghiệp có thể vào trang chủ để kiểm tra. |
Để tạo bước đột phá, phát huy cao độ vai trò động lực của CNTT trong CCHC, đưa dịch vụ công trực tuyến mức độ cao ở hầu hết các lĩnh vực đến với mọi người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư, giảm thiểu chí phí khi giải quyết TTHC, góp phần thay đổi diện mạo và vị thế của tỉnh trong quá trình hội nhập.
Trong giai đoạn tới, Tiền Giang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp; trong đó, phát huy cao nhất vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu ở mỗi cơ quan, đơn vị đối với việc ứng dụng CNTT trong hoạt động CCHC. Đặc biệt chú trọng việc cung cấp và giải quyết thủ tục hành chính qua mạng. Tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chương trình ứng dụng CNTT, tránh chồng chéo, trùng lắp. Nâng cao vai trò, năng lực của cơ quan chuyên trách CNTT của tỉnh.
Đồng thời, Tiền Giang cũng tăng cường và không ngừng đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho nhân dân và doanh nghiệp. Cần có các chương trình cụ thể về đào tạo kỹ năng khai thác Internet và TTHC qua mạng. Đẩy mạnh cung cấp thông tin, công khai các hoạt động của cơ quan nhà nước trên các trang/cổng thông tin điện tử.
Đặc biệt, tỉnh Tiền Giang đã và đang đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, không ngừng nâng cấp, phát triển và liên kết sàn giao dịch điện tử của tỉnh với các sàn lớn trong và ngoài nước để mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường cho các sản phẩm của tỉnh. Bên cạnh đó, Tiền Giang cũng tiếp tục xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư ứng dụng CNTT nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong các khu kinh tế, các cụm công nghiệp và dịch vụ logistics nhằm tạo động lực cho phát triển…
LÊ PHƯƠNG