Công tác dân vận cần hướng về cơ sở, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân
(ABO) Sáng 13-1, Ban Dân vận Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để tổng kết công tác dân vận và đánh giá kết quả thực hiện “Đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ cơ sở” năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng đã dự và phát biểu chỉ đạo tại diểm cầu Trung ương. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang có các đồng chí: Đỗ Tấn Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Thái Ngọc Bảo Trâm, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh...
Đồng chí Đỗ Tấn Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Tiền Giang dự tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang. |
Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác dân vận tiếp tục có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức.
Các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt, triển khai thực hiện nội dung công tác dân vận theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và đại hội đảng các cấp gắn với thực hiện Quyết định 23 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.
Tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đạt kết quả cao. Hệ thống dân vận có nhiều cách làm hay, sáng tạo, hình thành nhiều mô hình phòng, chống dịch thiết thực.
Chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận chính quyền, nhất là triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; tăng cường thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; đối thoại với nhân dân và đầy mạnh cải cách hành chính.
Các chủ trương, chính sách về công tác dân tộc, tôn giáo được các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Lực lượng vũ trang phát huy tốt vai trò nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền đất nước, là lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang. |
MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phát động nhiều phong trào thi đua, các cuộc vận động, góp phần củng cố sức đại đoàn kết toàn dân tộc. Công tác dân vận của hệ thống chính trị đã góp phần quan trọng trong việc phát huy dân chủ, tăng cường sự đồng thuận trong nhân dân, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Thực hiện năm “Đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cở sở”, cấp ủy, tổ chức đảng tập trung quán triệt, tuyên truyền sâu rộng chủ trương của Đảng về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân.
Chính phủ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất xây dựng thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; tăng cường hoạt động của các cơ quan dân cử; xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp trên cơ sở minh bạch, công khai với sự giám sát của người dân.
Tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, trong đó có kiểm tra, giám sát trách nhiệm của người đứng đầu; gắn đánh giá 5 năm thực hiện Kết luận 120 với sơ kết, tổng kết văn bản của cấp ủy.
Việc thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn ngày càng nền nếp, phát huy dân chủ trực tiếp, nhất là trong bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập có nhiều chuyển biến tích cực, phát huy tốt hơn quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm giải trình; công khai, minh bạch trong hoạt động, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang. |
Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc được chú trọng, hoạt động đối thoại có chất lượng hơn góp phần quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, bảo đảm đời sống người lao và hoạt động của doanh nghiệp.
Năm 2022, trong bối cảnh mới, công tác dân vận sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng tham mưu với cấp ủy về công tác dân vận; triển khai thực hiện tốt quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, tạo sự chuyển biến mạnh trong nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị về công tác dân vận.
Phát huy vai trò của nhân dân trong tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, đẩy mạnh các phong trào thi đua thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, gắn với học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng ghi nhận, biểu dương những kết quả mà hệ thống dân vận đạt được trong năm 2021. Để khắc phục những hạn chế, tồn tại, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2022, đồng chí Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng đề nghị công tác dân vận của Đảng cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng và cả hệ thống chính trị theo hướng thiết thực, hiệu quả.
Mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phải thật sự là các quyết sách lòng dân, xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; đồng thời, phải động viên nhân dân tham gia tích cực vào quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách. Cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội là nòng cốt, nhân dân làm chủ gắn với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Đổi mới mạnh mẽ công tác dân vận theo hướng nâng cao năng lực dự báo, tầm nhìn chiến lược phù hợp với tình hình mới. Thực hiện tốt việc nắm tình hình nhân dân, vận động nhân dân thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, tích cực phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện nghiêm việc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc trong nhân dân ngay từ cơ sở, những vụ việc khiếu kiện kéo dài nhân dân quan tâm.
Công tác dân vận cần hướng mạnh về cơ sở, nắm chắc địa bàn, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xem xét, giải quyết, nhất là các vấn đề liên quan đến đời sống, việc làm, thu nhập của người dân. Tuyên truyền, biểu dương nhân rộng các điển hình tiên tiến về công tác dân vận, vận động nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, lãnh phí, đấu tranh với âm mưu chống phá của các thế lực thù địch.
Công tác dân vận là công việc gian nan, kết quả khó định lượng, liên quan trực tiếp đến tâm tư, tình cảm của nhân dân. Vì vậy, người cán bộ dân vận phải kiên trì, không nóng vội, chủ quan, mà phải nhiệt tình, trách nhiệm, có kiến thức, phương pháp làm việc khoa học. Các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể phải quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ làm công tác dân vận để thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả cao nhất.
THỦY HÀ