Thứ Ba, 04/01/2022, 20:58 (GMT+7)
.
Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang:

Đóng góp nhiều ý kiến cho Nghị quyết về chính sách tài khóa, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế

 (ABO) Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp bất thường Quốc hội khóa XV, chiều 4-1, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ đóng góp ý kiến đối với Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Tiền Giang đã có nhiều ý kiến đóng góp đối với Nghị quyết này.

KHÔNG ĐỂ LỠ NHỊP VỚI ĐÀ PHỤC HỒI KINH TẾ KHU VỰC VÀ THẾ GIỚI

Tại phiên thảo luận tổ, các ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang cho rằng, trước tác động của đại dịch Covid-19 thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế của Việt Nam, tăng trưởng kinh tế liên tiếp giảm ở mức thấp, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm 2021 - 2025.

Tình hình sản xuất, kinh doanh, du lịch, dịch vụ gặp nhiều khó khăn; nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức về ổn định vĩ mô, lạm phát; chi phí đầu vào gia tăng; chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa bị đứt gãy; nảy sinh các vấn đề về lao động, việc làm, an sinh, an ninh và trật tự an toàn xã hội...

Nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ đã được triển khai, đạt nhiều kết quả tích cực. Tính riêng năm 2021, đã huy động và sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước, các quỹ ngoài ngân sách với tổng quy mô đạt trên 269,5 ngàn tỷ đồng, tương đương 3,2% GDP; triển khai quyết liệt các giải pháp tiền tệ - tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, duy trì thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dồi dào nhưng không làm tăng lạm phát.

Đại biểu Nguyễn Kim tuyến phát biểu tại buổi thảo luận tổ
Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến phát biểu đóng góp ý kiến đối với chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại buổi thảo luận tổ.

Các chính sách hỗ trợ đã được ban hành kịp thời, triển khai nhanh, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, người dân chịu ảnh hưởng nặng nề, trực tiếp từ dịch bệnh, kết hợp lồng ghép, thúc đẩy một số ngành, lĩnh vực ưu tiên, như miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay, phí dịch vụ, thanh toán, giảm tiền điện, nước, cước viễn thông...

Tuy nhiên, trước những khó khăn, tác động sâu rộng của dịch bệnh, cần phải có giải pháp, chính sách tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các giải pháp, chính sách phải nhanh chóng hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu hằng năm, 5 năm, 10 năm đã đề ra, không để lỡ nhịp với đà phục hồi kinh tế của khu vực và thế giới.

Do vậy, việc xây dựng Chương trình, cùng với các chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ thực hiện Chương trình tại thời điểm hiện nay là phù hợp, cấp thiết, sẽ giúp nước ta sớm phục hồi nền kinh tế, không để Việt Nam rơi vào suy thoái kinh tế và suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn, tạo nền tảng cho sự phát triển cả giai đoạn 2021 - 2025 cũng như các năm tiếp theo; đồng thời, khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong hỗ trợ và cải cách, tăng niềm tin của người dân, doanh nghiệp và tín nhiệm của quốc gia với cộng đồng quốc tế.

Song, theo các ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang, việc triển khai thực hiện Chương trình cần đưa ra các tiêu chí, nguyên tắc rõ ràng, có các ưu tiên, phân nhóm cụ thể nội dung cần làm ngay, nội dung cần triển khai từng bước để bảo đảm khả thi. Các chính sách hỗ trợ cần rà soát để có sự tiếp nối, kế thừa các chính sách đã triển khai trước đây; cần chú trọng khâu thanh tra, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn để không xảy ra sai sót, vi phạm, nhất là trong bối cảnh bố trí nguồn lực rất lớn trong khoảng thời gian ngắn.

Đại biểu Nguyễn Thị Uyên Trang phát biểu tại buổi thảo luận tổ
Đại biểu Nguyễn Thị Uyên Trang phát biểu tại buổi thảo luận tổ.

Bên cạnh đó, cho ý kiến đối với Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến cho rằng, dư địa về chính sách tài khóa của nước ta vẫn còn rất khả quan và rất đồng tình với chủ trương của Chính phủ về các giải pháp thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề chi trực tiếp cho đầu tư phát triển, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến cho rằng quá trình triển khai thực hiện phải xem xét thận trọng về tính khả thi. Bởi theo báo cáo của Chính phủ, tổng kinh phí đầu tư cho các công trình theo nhu cầu bổ sung là 183 ngàn tỷ đồng (số làm tròn), dự kiến sẽ bổ sung thêm gói 136 ngàn tỷ đồng trong 2 năm (2022 và năm 2023), liệu năng lực của chủ đầu tư có đảm bảo quản lý tốt số vốn này hay không, khi năng lực không đảm bảo thì sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Bởi thực tế, nhiều năm liền giải ngân đầu tư công được các bộ, ngành trung ương đánh giá là rất thấp, chưa có năm nào tỷ lệ giải ngân đạt dự toán đã được giao. Do đó, đề nghị xem xét năng lực của chủ đầu tư, năng lực quản lý dự án để đảm bảo tiến độ giải ngân đối với gói 136 ngàn tỷ đồng này.

QUAN TÂM PHÂN BỔ NGUỒN LỰC CHO LĨNH VỰC Y TẾ

Liên quan đến việc phân bổ nguồn lực cho lĩnh vực y tế và phòng, chống dịch bệnh, nhất là hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, các trung tâm kiểm soát bệnh tật được nêu trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang cho rằng, việc này có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo tiền đề cho các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường mới và phục hồi dần hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, cần rà soát, ưu tiên nguồn lực cho các dự án đã có đầy đủ thủ tục đầu tư, có thể thực hiện và giải ngân ngay; việc mua sắm trang thiết bị phải đồng bộ với năng lực sử dụng của đội ngũ cán bộ y tế, nhất là hệ thống y tế cơ sở, do vậy cần bổ sung giải pháp đầu tư phát triển con người (nâng cao năng lực y, bác sĩ, nhân viên y tế) trong Chương trình.

Đồng thời, Chính phủ cần rà soát lại các quy định để có cơ chế huy động sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân vào hoạt động đầu tư nâng cao năng lực y tế, cung cấp thuốc, vắc xin, trang thiết bị cho phòng, chống dịch bệnh.

Mặt khác, với nguồn lực hạn chế như hiện nay, đề nghị trước mắt cần tập trung đầu tư cho y tế dự phòng và y tế cơ sở, cân nhắc thêm việc đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa bệnh viện cấp trung ương nhằm bảo đảm hiệu quả đầu tư và hiệu quả của công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trường hợp cần thiết phải đầu tư, xây dựng thì tổng hợp vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và phân bổ theo quy định của Luật Đầu tư công cũng như các luật liên quan.

Đại biểu Nguyễn Văn Dương phát biểu ý kiến đối với dự án luật SHTT
Đại biểu Nguyễn Văn Dương đóng góp ý kiến liên quan đến việc phân bổ nguồn lực cho lĩnh vực y tế.

Ngoài ra, các ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang đề nghị bổ sung giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh, vận tải, trường học trong việc xây dựng và tổ chức kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh và học tập, trong đó có các giải pháp hỗ trợ thuốc điều trị Covid-19 và chi phí xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19 cho doanh nghiệp, người lao động, học sinh, giáo viên. Cần có chương trình tuyên truyền, vận động xã hội (tiến tới nghiên cứu ban hành quy định pháp lý) về việc bảo vệ, xóa bỏ các định kiến, phân biệt đối xử trong việc làm, nghề nghiệp và trong cộng đồng về mắc Covid-19.

Quang cảnh tại điểm cầu Tiền Giang
Quang cảnh ngày làm việc đầu tiên Kỳ họp bất thường của Quốc hội tại điểm cầu Tiền Giang.

Đại biểu Nguyễn Văn Dương thống nhất cao các giải pháp tài khóa, tiền tệ cũng như giải pháp thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, cho rằng, chi đầu tư phát triển tối đa 176 ngàn tỷ đồng, bao gồm: Xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng... đã thể hiện sự quan tâm của Quốc hội đến y tế cơ sở, y tế dự phòng. Chúng ta có thể tin tưởng sẽ đủ năng lực để phòng, chống dịch trong thời gian tới. Đây cũng là phương án chủ động khi có dịch bệnh xảy ra, chủ động từ tuyến cơ sở, phát hiện sớm điều trị sớm, không để dịch lan rộng…

THU HOÀI

 

.
.
.