Tướng soái lừng danh Nguyễn Huệ và trận chiến muôn đời oai linh
Nguyễn Huệ đã có công đầu làm nên Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, là một trong những trận quyết chiến chiến lược tuyệt vời của lịch sử dân tộc, làm phong phú thêm kho tàng khoa học quân sự của tổ tiên ta. Cũng từ đây, phong trào Tây Sơn chuyển hẳn sang giai đoạn mới - giai đoạn đồng thời thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược: Vừa không ngừng mở rộng quy mô và phạm vi của cuộc đấu tranh chống giai cấp thống trị tàn bạo trong cả nước, vừa đảm nhiệm sứ mệnh bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Tượng đài kỷ niệm Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: DUY NHỰT |
Nhân cớ nhận được sự cầu viện của Nguyễn Phúc Ánh, mùa hạ năm Giáp Thìn 1784, vua Xiêm sai 2 tướng Chiêu Tăng và Chiêu Sương thống lĩnh 2 vạn thủy quân và 300 chiến thuyền vượt biển sang xâm lược nước ta.
“DỒN ĐỊCH MÀ ĐÁNH, CHIA ĐỊCH RA MÀ DIỆT”
Trước sự tiến công xâm lược của giặc, tướng Tây Sơn ở Gia Định là Trương Văn Đa một mặt đem thủy quân từ Gia Định tiến xuống Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long ngày nay) ngăn chặn giặc; mặt khác, sai Đô úy Đặng Văn Trấn về Quy Nhơn báo cáo rõ tình hình. Tuy không đủ sức đánh bại cuộc tiến công của liên quân Xiêm - Nguyễn bởi sự chênh lệch quá lớn về lực lượng, nhưng quân Tây Sơn luôn bám sát giặc, kiên quyết cố thủ, giữ vững Long Hồ - đối diện với căn cứ quân Xiêm - Nguyễn ở Sa Đéc, án ngữ đường tiến quân của Nguyễn Ánh và các tướng Xiêm.
Tại Quy Nhơn, sau khi nhận được tin cấp báo từ Gia Định, Nguyễn Huệ cùng các tướng: Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân thống lĩnh 2 vạn quân Tây Sơn thiện chiến lập tức khởi binh. Khoảng đầu năm 1785, quân Tây Sơn đổ bộ và đóng quân ở Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang).
Tại đây, cùng với việc tổ chức lực lượng, nắm tình hình địch, Nguyễn Huệ còn đặc biệt quan tâm nghiên cứu về địa hình, vị trí đóng quân của địch, cũng như những thuận lợi, khó khăn khi nghĩa quân thực hành tác chiến ở địa bàn sông nước đoạn từ Rạch Gầm đến Xoài Mút để quyết chiến với địch.
Đây chính là những cơ sở khoa học quan trọng để Bộ Chỉ huy quân Tây Sơn, đứng đầu là Nguyễn Huệ, quyết định không tiến công thẳng vào đại bản doanh thủy quân giặc ở Sa Đéc, mà kéo chúng ra khỏi căn cứ, dẫn dụ chúng đến khu vực đã lựa chọn, có lợi cho ta, bất lợi cho giặc, bí mật tập trung lực lượng “dồn địch mà đánh, chia địch ra mà diệt”, đánh địch cả phía trước, bên sườn, phía sau, khiến địch không biết đâu mà chống đỡ, đẩy địch vào thế bị động, tinh thần hoang mang, bị tiêu diệt toàn bộ thủy quân Xiêm - Nguyễn.
DÙNG KẾ “ĐIỆU HỔ LY SƠN” ĐỂ TIÊU DIỆT ĐỊCH
Xét về tương quan so sánh lực lượng (với 2 vạn quân Xiêm, 300 chiến thuyền, cùng mấy ngàn quân Nguyễn) chỉ tập trung chiếm giữ khu vực Sa Đéc thì không thể đánh thắng dễ dàng; vả lại, địa điểm chiếm đóng của chúng ở đoạn đầu sông Tiền, nên có ưu thế về dòng chảy, giúp tốc độ vận động trong triển khai thực hành tác chiến của thủy quân Xiêm càng thuận lợi, là điều bất lợi cho quân Tây Sơn nếu đánh thẳng vào Sa Đéc.
Trước tình hình đó, với tài thao lược sắc sảo, chủ tướng Nguyễn Huệ đã thực hiện mưu kế “điệu hổ ly sơn”, dụ địch rời khỏi căn cứ đến nơi ta chuẩn bị sẵn để tiêu diệt, vậy mà các tướng Xiêm - Nguyễn ngỡ rằng đó chính là kế hoạch tiến quân tiếp theo của chúng.
Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, nhân dân Nam bộ, trong đó có nhân dân Tiền Giang, cùng với quân Tây Sơn, dưới sự lãnh đạo tài ba của Tướng soái Nguyễn Huệ, đã đánh bại sự xâm lược hung hãn của bọn phong kiến Xiêm và trừng trị đích đáng hành động bán nước của Nguyễn Ánh, bảo vệ thành quả khai hoang của nhân dân Nam bộ, giữ vững nền độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. |
Sau khi xem xét địa hình, Nguyễn Huệ chọn đoạn sông Tiền từ Rạch Gầm đến Xoài Mút làm địa bàn tác chiến chiến lược, rất thuận lợi cho việc ém quân, giấu pháo và tiện cho việc cơ động lực lượng tiêu diệt địch khi chúng lọt vào trận địa phục kích của mình.
Không những vậy, Nguyễn Huệ và nghĩa quân còn giỏi trong nghi binh, tạo thời cơ và chọn thời điểm tiến công thích hợp. Lúc đầu, Nguyễn Huệ mở một vài trận tập kích nhỏ, vừa để thăm dò, vừa khiến quân giặc tưởng lầm rằng lực lượng của Tây Sơn nhỏ yếu đã chủ quan.
Nguyễn Huệ còn giả vờ sai sứ đến gặp Chiêu Tăng và Chiêu Sương xin hàng phục chúng, vừa gây thêm sự chủ quan, vừa gây thêm mâu thuẫn giữa tướng Xiêm với bọn Nguyễn Ánh.
Vào đêm 18 rạng ngày 19-1, nhân lúc thủy triều lên, Nguyễn Huệ cho chiến thuyền tấn công khiêu khích địch. Sau một hồi chiến đấu, một số chiến thuyền của quân Tây Sơn giả thua, rút dần về phía Rạch Gầm - Xoài Mút nhằm dụ địch vào trận địa mai phục. Quân Xiêm tưởng ta yếu, thúc quân đuổi theo, trúng kế của Nguyễn Huệ.
Thời điểm tác chiến lúc đó cũng đúng vào giai đoạn nước triều bắt đầu lên, càng tạo thêm thế mạnh cho sự tiến công của quân Tây Sơn. Ngay lúc đó, quân thủy, quân bộ của Nguyễn Huệ từ các vị trí mai phục nhất tề xông ra chia cắt đội hình địch để tiêu diệt, toàn bộ chiến thuyền địch bị đánh đắm vì trúng đạn đại bác, hầu hết quân địch bị giết chết tại trận, một số cố bơi vào bờ đã bị bộ binh Tây Sơn tiêu diệt. Quân Xiêm bị thiệt hại gần 4 vạn trong số 5 vạn quân sang nước ta. Đội quân của Nguyễn Ánh cũng bị đánh cho tan tác.
Thật ra, Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút “Bần gie đóm đậu sáng ngời / Rạch Gầm - Xoài Mút muôn đời oai linh” không chỉ do quân Tây Sơn khéo lợi dụng địa hình hiểm trở để đánh, mà chính là lòng dân nơi đây một lòng theo Tây Sơn, biểu hiện qua việc hướng dẫn quân Tây Sơn đi trinh sát địa bàn, cung cấp về tình hình sông nước, thủy triều để thiết lập trận địa mai phục và lên phương án tác chiến; đồng thời, nhân dân đã giữ bí mật trận địa mai phục đến phút chót, khiến quân địch không mảy may nghi ngờ. Bên cạnh đó, nhân dân còn đóng góp lương thực, thực phẩm và các vật dụng thiết yếu để nghĩa quân chiến đấu tiêu diệt giặc Xiêm.
HỒNG LÊ (tổng hợp)