3 gương sáng trong học tập và làm theo Bác ở Sư đoàn 8
Những năm qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở Sư đoàn 8, Quân khu 9 (doanh trại đóng quân trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) luôn sôi nổi, rộng khắp, mang lại hiệu quả tích cực, thông qua những việc làm, hành động cụ thể của mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, trong đó có 3 cá nhân đã tạo dấu ấn rõ nét, là những tấm gương sáng cho đồng đội noi theo.
HỌC BÁC ĐỨC TÍNH TỈ MỈ
Hơn 17 năm gắn bó với bản đồ, Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên, nhân viên Bản đồ, Ban Tác huấn (Phòng Tham mưu) cho rằng, khó nhất là xây dựng kế hoạch chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) cấp Sư đoàn, bởi nhiều ký hiệu, màu sắc phải thể hiện đủ, đúng hệ số chiến thuật trên bản đồ theo quy định, sát với ngoài thực địa. Ngoài ra, các bảng kẽ, chữ viết không chồng đè lên ký hiệu. Vì vậy, Thiếu tá Kiên nỗ lực học Bác ở đức tính tỉ mỉ, cẩn trọng trong từng nét vẽ bản đồ.
“Ban đầu, tôi viết ghi chú chưa được đẹp, độ chính xác các ký hiệu trên bản đồ còn sai lệch với địa hình, nên khi thông qua chỉ huy phải chỉnh sửa tốn nhiều bản đồ và công sức. Khắc phục nhược điểm đó, tôi tranh thủ tập vẽ trên những tờ bản đồ cũ, luyện vẽ ký hiệu không dùng thước, sau đó viết chữ; đồng thời, nghiên cứu từng loại địa hình để áp dụng phù hợp từng kế hoạch. Qua nhiều lần tham gia diễn tập, tôi vẽ bản đồ rút ngắn thời gian so với trước, ví như kế hoạch chuyển trạng thái SSCĐ viết vẽ hai ngày, giờ chỉ còn một ngày” - đồng chí Kiên chia sẻ.
Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên tác nghiệp trên bản đồ. |
Năm 2021, đồng chí nhận nhiệm vụ cùng cơ quan xây dựng kế hoạch diễn tập phòng ngự cấp Sư đoàn có “Tiểu đoàn bộ binh phòng ngự bờ biển bắn đạn thật”, thế nhưng đến phút cuối thay đổi địa điểm bắn sang địa hình trung du.
“Tôi xây dựng hai kế hoạch trên hai bản đồ, địa hình khác nhau, nhưng hình thái chiến thuật, bố trí đội hình phải tương đối trùng khớp. Mặt khác, các ký hiệu rõ ràng, sắc nét và thể hiện màu đệm từng giai đoạn theo ý định của người chỉ huy, giúp thủ trưởng dễ quan sát trên bản đồ từng vấn đề huấn luyện khi gắn với địa điểm thực tế. Sau hai ngày đêm tích cực thực hiện, kế hoạch thông qua được phê duyệt” - đồng chí Kiên phấn khởi nói.
Thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2021, Sư đoàn tổ chức 48 hội nghị cấp cơ sở và trên cơ sở; khen thưởng 91 tập thể, 284 cá nhân. Bên cạnh đó, xây dựng 49 tập thể, 125 cá nhân điển hình tiên tiến; công nhận 27 mô hình, 132 sáng kiến, tiêu biểu, như các mô hình: “4 xây, 3 chống” (Phòng Kỹ thuật), “2 trước, 2 sau” (Trung đoàn 9), “Thiết bị rút đầu đạn nhọn các loại súng bộ binh”, “Hộp đựng dụng cụ vật chất bảo quản”, “Hộp tạo khói thể hiện địch tập kích hóa học”, “Giá để vật chất cổ động thao trường”, “Cụm phát hỏa pháo chống tăng SPG-9”… |
Cùng với tác nghiệp bản đồ, đồng chí Kiên còn quản lý các trang thiết bị in ấn bản đồ phục vụ huấn luyện, diễn tập. Mỗi năm, đơn vị thực hiện hàng chục bản đồ, trong khi các máy in cũ, chưa bảo đảm hoạt động lên tục.
Có lần, một đầu phun màu mực đen, đỏ bị xước làm mực in không đều, phải cần thợ sửa chữa, đồng chí Kiên mày mò nghiên cứu hướng dẫn, tham khảo trên mạng, làm đi làm lại chỉ vài ngày là xong. Nhờ đó, công việc không bị gián đoạn và tiết kiệm kinh phí cho đơn vị.
“Từ việc học và làm theo đức tính tỉ mỉ của Bác, mỗi khi giao nhiệm vụ cho đồng chí Kiên, tôi rất yên tâm. Đặc biệt, đồng chí Kiên có 2 lần được nâng lương và phiên quân hàm trước niên hạn” - Thiếu tá Nguyễn Văn Bé Hai, Trưởng Ban Tác huấn cho biết.
HỌC BÁC ĐỨC TÍNH TỰ LỰC
Đại úy Lê Văn Nhân, Trợ lý Quân khí (Phòng Kỹ thuật) học và làm theo Bác ở sự chuyên cần, trách nhiệm, nhất là tinh thần tự lực trước những vấn đề khó. Năm 2021, đồng chí nghiên cứu thực hiện, hoàn chỉnh sáng kiến “Thiết bị thử tỷ lệ nổ cháy đồ dùng gây nổ và thử uy lực của kíp nổ”, đoạt giải III cấp Sư đoàn và được chọn tham gia Giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo” Quân khu.
Đồng chí Nhân kể: “Thông thường, lực lượng kỹ thuật các đơn vị dùng cọc tre đóng chéo xuống đất, sau đó dùng dây kẽm buộc chặt, bố trí bộ phận gây nổ đã tra lắp lên thanh tre tiến hành giật nụ xùy và xác định tỷ lệ nổ cháy đạn dược. Tuy phương pháp này hiệu quả, nhưng trong quá trình thực hiện độ chính xác chưa tuyệt đối, mất nhiều thời gian, nhất là tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn còn cao.
Sáng kiến của tôi sau khi áp dụng thực tiễn đã khắc phục hạn chế đó; đồng thời, tăng năng suất, cải thiện điều kiện lao động. Mặt khác, có thể nhân rộng, sản xuất đại trà với chi phí thấp, dễ sử dụng, áp dụng cho tất cả các đơn vị làm nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật”.
Đại úy Lê Văn Nhân bên sáng kiến “Thiết bị thử tỷ lệ nổ cháy đồ dùng gây nổ và thử uy lực của kíp nổ”. |
Trước đó, năm 2018, khi còn làm Phó Đại đội trưởng Đại đội 26 (Phòng Kỹ thuật), đồng chí Nhân đoạt giải I cấp Sư đoàn với sáng kiến “Bình khí nén mi ni cơ động” dựa trên cấu tạo và nguyên lý hoạt động của máy nén khí 3 pha, sử dụng dòng điện 12V trên ắc quy mỗi phương tiện.
“Để hoàn chỉnh sản phẩm này, khó nhất là linh kiện, đặc biệt là bộ phận chứa khí nén phải đạt độ an toàn tuyệt đối. Trong một lần huấn luyện phòng, chống cháy nổ, tôi lóe lên ý tưởng dùng thân bình chữa cháy cũ làm bộ phận chứa khí nén.
Sau 20 ngày lắp ráp, bổ sung chi tiết, sáng kiến hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng, giải quyết những hư hỏng cần máy nén khí làm sạch các bộ phận mà không cần kéo xe về trạm sửa chữa. Ngoài ra, không cần hệ thống dây điện hoặc xe không hoạt động vẫn có thể sử dụng máy nén khí này. Giá thành sản phẩm chỉ khoảng 700 ngàn đồng” - đồng chí Nhân chia sẻ.
Bên cạnh đó, tại Hội thi “Tuổi trẻ sáng tạo” Sư đoàn 8, đồng chí Nhân từng đoạt giải II với sáng kiến “Thiết bị rút đầu đạn nhọn”, giải III “Mặt nạ hàn điện tử”...
Trung tá Lê Quốc Vũ, Chủ nhiệm Kỹ thuật Sư đoàn 8 cho biết: “Trong điều kiện kinh phí hạn hẹp, vật tư thay thế khan hiếm, nhiều sáng kiến của đồng chí Nhân góp phần bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa vũ khí, thiết bị kỹ thuật cho Lực lượng vũ trang Quân khu 9…”.
HỌC BÁC ĐỨC TÍNH TIẾT KIỆM
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi thực hành tiết kiệm là một quy luật đi lên của đất nước. Theo Bác, không phải nước nghèo mới thực hành tiết kiệm, mà cả nước giàu cũng phải tiết kiệm. Học và làm theo Bác, Trung úy Lâm Trọng Nghĩa, Trung đội trưởng Trung đội 8, Đại đội 11, Tiểu đoàn 6 là một trong những tấm gương tiêu biểu của Trung đoàn 9.
Đồng chí Nghĩa chia sẻ: “Quê tôi ở xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Cha đã mất, mẹ tuổi cao sức yếu thường xuyên bệnh tật nên không có thu nhập. Do không có điều kiện trực tiếp chăm sóc mẹ, mỗi tháng tôi dành một phần lương (4 triệu đồng) gửi về cho mẹ. Lần đầu tiên nhận tiền, mẹ tôi khóc…”.
Trung úy Lâm Trọng Nghĩa (Áo trắng) cùng các chiến sĩ chăm sóc hoa tết 2022. |
Bên cạnh đó, Nghĩa hết lòng yêu thương, giúp đỡ các cán bộ, chiến sĩ gặp khó khăn. Cụ thể như, Binh nhất Lê Thanh Tiền, chiến sĩ Tiểu đội 5, thường xuyên ngồi một mình, ít tiếp xúc đồng đội. Qua tìm hiểu, biết cha Tiền mất sớm, mình mẹ vất vả nuôi Tiền ăn học.
Từ ngày nhập ngũ, Tiền không biết mẹ xoay xở như thế nào, nhất là khi dịch Covid-19 bùng phát. Từ đó Nghĩa thường xuyên động viên Tiền, trích 1 triệu đồng từ lương và vận động cán bộ, chiến sĩ được gần 1 triệu đồng hỗ trợ gia đình chiến sĩ Tiền…
Từ tấm gương của Nghĩa, nhiều chiến sĩ trong trung đội học và làm theo người cán bộ của mình. Ba mẹ Binh nhất Lê Quảng Đông làm công nhân nên thu nhập tương đối thấp, mỗi tháng Đông gửi về phụ giúp gia đình 300 ngàn đồng. Hay Trung sĩ Hồ Công Sơn, tuy gia đình khá giả, nhưng hằng tháng vẫn dành dụm để sau này lập thân lập nghiệp. Hiện nay, trung đội của Nghĩa có trên 50% chiến sĩ tiết kiệm phụ cấp.
HUỲNH PHONG - PHƯƠNG NHẬT