Chỉ rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân để giải quyết dứt điểm những vụ việc nổi cộm, kéo dài
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp. (Ảnh: Duy Linh) |
Sáng 17-2, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành bế mạc Phiên họp thứ 8 sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, hoàn thành toàn bộ kế hoạch, chương trình đề ra.
Trong những nội dung quan trọng, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 1-2022 của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, Báo cáo công tác dân nguyện trình Phiên họp tháng 3-2022 cần bám sát với Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1-7-2016 đến ngày 1-7-2021”, trong đó, chú ý những nội dung đã và đang được nhân dân và cử tri đặc biệt quan tâm.
Trên cơ sở hơn 1.000 vụ việc khiếu nại, tố cáo do Thanh tra Chính phủ đã đề xuất và hơn 500 vụ việc có liên quan trật tự, an toàn do Bộ Công an thống kê, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ban Dân nguyện làm đầu mối, phối hợp các cơ quan hữu quan để thống kê, lập hồ sơ, đề xuất với Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kiến nghị Quốc hội đưa vào diện theo dõi của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giám sát việc thực hiện trong nhiệm kỳ này.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nguyên tắc là cố gắng cá thể hóa trách nhiệm để giải quyết dứt điểm những vụ việc nổi cộm, tồn đọng kéo dài, nhất là các vụ việc phức tạp có liên quan đất đai, tài nguyên và môi trường và khiếu nại đông người, không để xảy ra vụ việc mới.
Về công tác giám sát, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả bước đầu về việc triển khai chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”; cho ý kiến về việc lựa chọn bộ, ngành, địa phương để tiến hành giám sát trong thời gian tới.
Nhấn mạnh đây là chuyên đề giám sát đầu tiên của Quốc hội khóa XV và đề cập vấn đề hết sức quan trọng là công tác quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương chưa gửi các báo cáo hoặc đã gửi báo cáo nhưng chưa đạt.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tập trung những vấn đề quan trọng, để làm rõ tiến độ và chất lượng công tác quy hoạch, xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan; có kiến nghị, đề xuất cụ thể.
Về công tác lập pháp tại phiên họp lần này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Cảnh sát cơ động; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Lưu ý cơ quan trình và cơ quan thẩm tra tiếp tục phối hợp chặt chẽ để nâng cao chất lượng 2 dự án luật này trước khi trình Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan khẩn trương chuẩn bị các tài liệu bổ sung để thảo luận tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách sắp tới.
Quang cảnh bế mạc phiên họp thứ 8 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Duy Linh) |
Hôm qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu và dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Công tác đại biểu nghiên cứu kỹ lưỡng và tiếp thu tối đa ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra để tiếp thu, giải trình đầy đủ, làm rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban; chế độ làm việc của Ban; nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban…
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp Ban Công tác đại biểu tiếp thu các ý kiến thảo luận để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua.
Về dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sửa đổi), xác định đây là một vấn đề rất quan trọng, nằm trong danh mục 107 đề án và các nhiệm vụ lớn thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 161/2021/QH14 của Quốc hội khóa XIV; Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và các đơn vị liên quan tiếp thu tối đa để hoàn thiện nghị quyết này với chất lượng cao nhất.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua đã thông qua dự thảo Nghị quyết về việc thành lập các phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc thông qua Nghị quyết này cũng có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết chuyên đề về việc quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị bền vững của Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn dài hạn đến năm 2045.
Ngay sau Phiên họp thứ 8, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phối hợp với Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan hữu quan khẩn trương ban hành kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp sáng nay nhất trí với đề nghị của Chính phủ bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, thông qua tại Kỳ họp thứ 4.
Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần bảo đảm chất lượng, Chính phủ cần tập trung làm rõ những vấn đề được cơ quan thẩm tra nêu ra và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này để tiếp tục hoàn thiện dự án luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 3 tới.
Theo nhandan.vn