Thứ Ba, 01/02/2022, 22:39 (GMT+7)
.
KỶ NIỆM 54 NĂM CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY XUÂN MẬU THÂN 1968:

Tạo bước ngoặt chiến lược

(ABO) Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 nổ ra đúng đêm Giao thừa Tết Mậu Thân 1968 trên toàn chiến trường miền Nam, đã làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, tạo bước ngoặt chiến lược, có ý nghĩa quyết định trong toàn bộ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị (tháng 12-1967) và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 (tháng 1-1968) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trung ương Cục Miền Nam, Tỉnh ủy Mỹ Tho, Thành ủy Mỹ Tho, Phân ban Cán sự Gò Công mở cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.

TP. MỸ THO - ĐỊA BÀN TRỌNG ĐIỂM

TP. Mỹ Tho được Khu ủy Khu 8 chọn làm trọng điểm chính trong cuộc tiến công và nổi dậy của Khu 8, với phương châm vừa xây dựng lực lượng, vừa tấn công địch để tạo lực, tạo thế mới. Mục tiêu chính là TP. Mỹ Tho và TX. Gò Công; các huyện tự lực tiến công và nổi dậy giải phóng.

Quân giải phóng chiếm xe tăng địch gữa nội ô TP. Mỹ Tho. Ảnh: Vũ Hoài Nam
Quân giải phóng chiếm xe tăng địch giữa nội ô TP. Mỹ Tho. Ảnh: Vũ Hoài Nam

Thắng lợi của quân và dân ta trong năm 1967 đã đẩy quân địch vào thế bị động, nhưng lực lượng của chúng vẫn còn đông. Tỉnh ủy Mỹ Tho và Thành ủy Mỹ Tho gấp rút xây dựng lực lượng, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tiến công và nổi dậy. Đảng bộ chú trọng xây dựng và phát triển lực lượng 3 thứ quân, bao gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích; đồng thời, ra sức xây dựng lực lượng chính trị của quần chúng.

Phân ban Tỉnh ủy Gò Công tập trung phát động quần chúng xây dựng tổ chức Đảng, nhất là chi bộ; phát triển các ban, ngành, đoàn thể và lực lượng vũ trang nhằm tấn công tiêu diệt, tiêu hao quân địch, phá rã thế kềm kẹp, bình định của địch.

Ban An ninh tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công và TP. Mỹ Tho chỉ đạo lực lượng trinh sát an ninh thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức trấn áp, bóc gỡ nhiều mạng lưới bí mật của địch. Lực lượng trinh sát vũ trang nắm chắc tình hình địch, tổ chức nhiều cuộc đột kích ra vùng địch tạm chiếm, bắt sống và trừ diệt nhiều tên tình báo, gián điệp; đồng thời, tổ chức tước vũ khí một số tên phòng vệ dân sự, diệt ác, phá kềm, phối hợp du kích xã bao vây bức hàng, bức rút nhiều đồn bót địch, góp phần giải phóng vùng nông thôn rộng lớn…

Xác xe tăng M113 Mỹ bị ta bắn cháy, bỏ xác dài theo đường Nguyễn Tri Phương, nay là đường Ấp Bắc. Ảnh: Vũ Hoài Nam
Xác xe tăng M.113 Mỹ bị ta bắn cháy, bỏ xác dài theo đường Nguyễn Tri Phương, nay là đường Ấp Bắc. Ảnh: Vũ Hoài Nam

Mặt khác, Ban An ninh tỉnh Mỹ Tho và lực lượng an ninh các cấp trong tỉnh làm tốt công tác bảo vệ các kho vũ khí, thực hiện chiến thuật không để vũ khí tập trung ở một nơi, mà tổ chức phân tán nhiều điểm nhỏ, có bảo vệ cẩn thận, bảo đảm an toàn, bí mật, sẵn sàng phục vụ yêu cầu chiến đấu; hệ thống liên lạc từ cơ quan chỉ huy đến các cụm điểm, các đơn vị được tổ chức tốt, liên lạc từ tiền phương đến hậu phương được thông suốt, đường liên lạc công khai, hợp pháp cũng được chuẩn bị sẵn sàng, bảo đảm thực hiện ngay khi cấp trên phát lệnh tổng tiến công.

Để thăm dò phản ứng của dịch, chuẩn bị cho tổng tiến công Tết Mậu Thân, đêm 22-12-1967, ta tổ chức trận tập kích vào căn cứ thiết đoàn 6 của vùng 4 chiến thuật thuộc xã Tân Mỹ Chánh, trên tỉnh lộ 24, ngay cửa ngõ TP. Mỹ Tho; đồng thời, phát động quần chúng đánh trống, gõ mõ nổi dậy. Ta dùng chiến thuật tập kích bằng hỏa lực, diệt và làm bị thương hơn 100 tên, bắn cháy 2 xe M.113. Lực lượng ta sau 20 phút tấn công đã rút về căn cứ an toàn, địch bị động không kịp phản ứng.

BẮN 39 TRÁI PHÁO CỐI LÀM PHÁO LỆNH TẤN CÔNG

Chiều 30-1-1968, 10 cán bộ, chiến sĩ biệt động cùng 3 đồng chí đội săn tàu, 2 đồng chí công binh Quân khu từ ngoài vào, trang bị B40, B41, AK, AR15, cùng lực lượng bí mật tại chỗ tập kết ở khu vực xóm Cá, khu 2 (phường 2) chờ lệnh. Khi có pháo lệnh, lực lượng biệt động nhanh chóng tiêu diệt gọn đồn cảnh sát ở cầu Quây, phát triển làm chủ cầu Quây, đường Trưng Trắc và chiếm cửa khám đường địch.

Giằng co với địch 15 phút, ta vẫn chưa mở được cửa khám đường thì địch cho 2 xe V.100 và 1 xe Jeep từ chợ Cũ lên phản kích. Ta bắn cháy 1 chiếc V.100 và xe Jeep, diệt 10 tên cảnh sát và quân cảnh. Đại đội biệt động bên ngoài bị địch chặn không tiến vào được nội ô. Tiểu đoàn 261A và 261B vượt sông Bảo Định đánh vào khu trung tâm, 7 giờ sáng mới chiếm được phường 4, ngã tư Phan Hiến Đạo, Hùng Vương, chợ Vòng Nhỏ.

Đài tưởng niệm đồng bào và chiến sĩ anh dũng hi sinh trong Cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.
Đài tưởng niệm đồng bào và chiến sĩ anh dũng hy sinh trong Cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 trong Công viên Tết Mậu Thân tại phường 4, TP. Mỹ Tho.

Ngày 31-1-1968 (mùng 2 Tết), địch từ căn cứ Hùng Vương kéo vào phản kích, bị ta đánh bật ra. Tiểu đoàn 261A và 261B tiến theo đường Chu Văn Tiếp; Tiểu đoàn 514A tiến lên khu 4. Ta dự kiến tối mùng 2 Tết sẽ đánh vào khu trung tâm và giao cho lực lượng biệt động đánh mở khám đường nhưng không thành. Lực lượng quần chúng phối hợp với các mũi tiến công quân sự nổi dậy áp đảo bọn lính đồn ven thành phố.

Ngày 29-1-1968, Tỉnh ủy và Thành ủy Mỹ Tho nhận được lệnh Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa. Các Tiểu đoàn 514A, 261A, 261B, 263, 265 và 504 Kiến Tường cấp tốc hành quân đến vị trí tập kết trước giờ quy định. Các cơ sở binh vận, lực lượng biệt động, du kích, lực lượng quần chúng tập trung được thông báo nhiệm vụ và chuẩn bị sẵn sàng. Đúng giờ “G” ngày “N”, giờ tổng tiến công tổng khởi nghĩa đã đến, nhưng dân công chưa đưa đạn pháo đến kịp. Đơn vị Quân khu chỉ có Chiến đoàn 1. Đơn vị Thành đội Mỹ Tho chỉ có Đại đội 1, Đại đội 2, Đại đội 3 và Đội Biệt động, nhưng cũng không đảm bảo được quân số. Thế nhưng, nhiệm vụ của các đơn vị vẫn không thay đổi. Tiểu đoàn 514A tập kích tiểu đoàn 32 biệt động quân. 2 giờ sáng 31-1-1968, Bộ Chỉ huy Tiền phương lệnh dùng pháo cối 82 ly của Thành đội Mỹ Tho bắn 39 trái làm pháo lệnh tấn công.

Ngày 1-2-1968, địch cho lữ đoàn 3 của sư đoàn 9 Mỹ cùng với 3 tiểu đoàn của sư đoàn 7 ngụy và 2 chi đoàn thiết giáp phản kích. Ta chặn đánh, diệt 1 tiểu đoàn Mỹ, 1 tiểu đoàn ngụy và 20 xe M.113. Đến 16 giờ, địch dùng máy bay ném bom hủy diệt nơi lực lượng ta chiếm giữ. Mặt khác, địch cho máy bay rải xăng đặc đốt cháy khu Giếng nước và ven rạch Bảo Định làm 272 người chết và hàng trăm người khác bị thương; lực lượng ta rút ra các xã ven tổ chức đánh địch phản kích.

Mùng 3 Tết, ta huy động 3.000 người tại chỗ nổi dậy diệt ác phá kềm, bắt trên 120 tên cảnh sát, mật vụ và ác ôn. Ở xã Trung An, quần chúng nổi dậy kết hợp với du kích bao vây, bức hàng, bức rút 6 đồn, thu 23 súng, phá toàn bộ hệ thống ấp chiến lược trong xã. Tại xã Đạo Thạnh và xã Tân Mỹ Chánh, quần chúng nổi dậy, phối hợp cùng lực lượng vũ trang diệt ác phá kềm, quét sạch hệ thống ấp chiến lược xung quanh thành phố…

Ở Gò Công, đêm 1-2-1968, ta mở đợt tấn công vào thị xã. Lực lượng ta gồm có Tiểu đoàn 514B, Đại đội 206, Trung đội Biệt động thị xã phối hợp cùng lực lượng quần chúng nổi dậy tiến công địch, phá nhà tù giải thoát cho hơn 200 đồng chí đang bị địch giam giữ; tiến công vào dinh tỉnh trưởng, tên tỉnh trưởng bỏ chạy; lực lượng ta phát triển chiếm thêm một số điểm trong thị xã.

Từ 17 đến 21-2-1968, ta liên tiếp tấn công và cắt đứt lộ 4 làm gián đoạn giao thông địch. Kết quả cao điểm 1, riêng mặt trận TP. Mỹ Tho, ta diệt trên 2.300 tên địch, tiêu hao nặng 3 tiểu đoàn, 2 chi đoàn thiết vận xa, bắn cháy 80 xe quân sự, diệt 25 đồn, bức rút 20 đồn, thu 300 súng các loại. Sau khi rút ra các xã ven đứng chân, ta củng cố lại lực lượng, chuẩn bị tấn công vào TP. Mỹ Tho lần thứ 2, nhưng đến giờ chót địch thay đổi thế bố trí và tăng cường lực lượng phòng thủ thành phố nên ta không thực hiện được kế hoạch.

Cuộc tiến công và nổi dậy của quân, dân 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công trong Tết Mậu Thân năm 1968 góp phần vào thắng lợi chung của cả nước. Ta tiêu diệt, tiêu hao nhiều sinh lực địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, đánh vào các cơ quan đầu não của địch ở thị xã, thị trấn và hệ thống ấp chiến lược trong tỉnh, giải phóng một vùng nông thôn rộng lớn, mở ra bước ngoặt mới cho cách mạng miền Nam.

(1) Giờ G (nổ súng), ngày N (mở màn) trên toàn miền Nam được quy định là 0 giờ đến 2 giờ ngày 31-1-1968 (đêm mùng 1 rạng mùng 2 Tết). Tư lệnh các Quân khu, chỉ huy các cụm biệt động được phổ biến 48 tiếng trước giờ G.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.