Thứ Sáu, 11/02/2022, 09:12 (GMT+7)
.
TIỀN GIANG THỰC HIỆN CHỈ THỊ 10 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ:

Những kết quả đáng ghi nhận

Công tác phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học (GDTH) và trung học cơ sở (THCS), tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ (XMC) cho người lớn là những nội dung chủ yếu trong Chỉ thị 10, ngày 5-12-2011 của Bộ Chính trị khóa X (viết tắt Chỉ thị 10). Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 10, Tiền Giang đạt được những kết quả đáng ghi nhận; và đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

NHỮNG KẾT QUẢ ĐÁNG GHI NHẬN

Được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp; đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các thành viên Ban Chỉ đạo, các sở, ngành có liên quan và trách nhiệm của cộng đồng, Tiền Giang đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: Đạt chuẩn phổ cập GDTH và XMC tháng 12-1996, đạt chuẩn phổ cập GDTH đúng độ tuổi tháng 12-2014, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS tháng 12-2006, đạt chuẩn GDMN cho trẻ 5 tuổi tháng 12-2014. Huy động tốt các đối tượng từ 35 - 60 tuổi ra học các lớp XMC người lớn, kết quả 100% huyện, thành, thị và 100% xã, phường, thị trấn đều đạt chuẩn XMC mức độ 2.

Công tác duy trì sĩ số hằng năm được thực hiện tốt, hạn chế tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học. Đối tượng mù chữ trong độ tuổi đã thu hẹp, tỷ lệ phổ cập tiểu học được củng cố và phát triển vững chắc với 100% trẻ trong độ tuổi phổ cập ra lớp. Việc bổ nhiệm ngạch, thay đổi chức danh nghề nghiệp đảm bảo phù hợp với vị trí việc làm. Các chế độ, chính sách, kinh phí hỗ trợ cho giáo viên tham gia thực hiện công tác phổ cập giáo dục, XMC kịp thời.

Tiền Giang đạt chuẩn GDMN cho trẻ 5 tuổi vào tháng 12-2014.                                                Ảnh: LẬP ĐỨC
Tiền Giang đạt chuẩn GDMN cho trẻ 5 tuổi vào tháng 12-2014. Ảnh: LẬP ĐỨC

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục và Đào tạo từng bước quy hoạch hợp lý mạng lưới trường lớp, giảm nhiều điểm trường lẻ đối với bậc GDTH, cơ sở vật chất phục vụ dạy và học các cấp học được tăng cường, quy mô trường lớp đủ đáp ứng nhu cầu học tập. Công tác triển khai, tổ chức thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường lớp học, đầu tư, bổ sung các hạng mục thiếu về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được thực hiện, nhằm mục tiêu góp phần đạt chuẩn quốc gia các trường mầm non, phổ thông. 

Đến nay, toàn tỉnh có 180 cơ sở GDMN, 331 trường phổ thông, 1 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật, 1 trường chuyên biệt giáo dục trẻ em khuyết tật, 1 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, 6 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện, 1 trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân, 3 trường trung cấp nghề, 2 trường cao đẳng, 1 trường đại học và 172 trung tâm học tập cộng đồng.

Hằng năm, các trung tâm học tập cộng đồng được thiết lập và củng cố, nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ địa phương đẩy mạnh công tác XMC cho những người trong độ tuổi lao động, trong đó có việc vận động, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân học tập thường xuyên, học tập suốt đời, giảm tỷ lệ tái mù chữ người lớn. Công tác tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh học sinh THCS được triển khai thực hiện trong các trường phổ thông có lớp THCS bằng nhiều biện pháp khác nhau, nhằm tuyển sinh các em học các trường trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề.

NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác phổ cập giáo dục, nhất là giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19. Để bảo đảm nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục cần có sự phối hợp liên ngành, phát huy kết quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị gắn với thanh tra, kiểm tra, giám sát. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, làm thay đổi nhận thức của cộng đồng trong thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục, XMC, giúp mỗi cá nhân hiểu rõ mục đích và ý nghĩa công tác này.

Thứ hai, thực hiện tốt hơn nữa Cuộc vận động “Ngày toàn dân đưa trẻ em đến trường”, đảm bảo 100% số trẻ 5 tuổi ra trường mầm non; tạo điều kiện, tâm lý tốt nhất cho trẻ đến trường; có biện pháp giúp đỡ học sinh yếu kém, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn; hạn chế đến mức thấp nhất, tiến tới xóa bỏ tình trạng bỏ học giữa chừng.

Thứ ba, thực hiện tốt công tác quản lý hồ sơ phổ cập giáo dục, XMC; thường xuyên cập nhật bổ sung số liệu, đảm bảo tính chính xác, khoa học. Mở rộng mạng lưới trường lớp đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ. Huy động mọi nguồn lực trong xã hội phát triển mạng lưới trường lớp mầm non, thực hiện Chương trình Kiên cố hóa trường lớp, mua sắm đủ trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, học liệu cần thiết cho các nhóm, lớp nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ.

Thứ tư, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ cho trẻ em, như tiền ăn trưa, chi phí học tập, miễn, giảm, cấp bù học phí cho trẻ thuộc đối tượng được hưởng chế độ chính sách... Người lao động được hưởng các chế độ đúng quy định, hỗ trợ đời sống giáo viên mầm non tại các địa bàn khó tuyển dụng của tỉnh.

Thứ năm, triển khai thực hiện Chương trình GDMN cho 100% nhóm, lớp. Đổi mới hoạt động, chăm sóc giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm và tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Nâng cao chất lượng công tác nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an toàn thể chất và tinh thần cho trẻ.

Thứ sáu, tiếp tục thực hiện công tác chống lưu ban, bỏ học trong nhà trường. Phối hợp các ban, ngành, đoàn thể huy động 100% học sinh bỏ học trở lại lớp. Đẩy mạnh thực hiện đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, hiệu quả đào tạo từng năm học và toàn khóa học, cấp học.

Thứ bảy, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS theo hướng tăng nhanh tỷ lệ học sinh vào học các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề. Tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học nghề. Hỗ trợ các trung tâm giáo dục thường xuyên dạy bổ túc văn hóa THPT gắn với dạy nghề; có cơ chế khuyến khích các cơ sở tuyển dụng học sinh sau THCS qua đào tạo nghề; tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học liên thông lên các cấp học cao hơn.

Thứ tám, đổi mới hoạt động các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và trung tâm học tập cộng đồng theo hướng mở rộng dạy văn hóa kết hợp dạy nghề với nội dung đa dạng, phong phú, phù hợp nhu cầu thực tế người dân, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời. Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Đề án Xây dựng xã hội học tập, Đề án XMC và hoạt động các trung tâm học tập cộng đồng tại địa phương.

Thứ chín, huy động mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển mạng lưới trường lớp, nâng cao cơ sở vật chất, bổ sung đồ dùng, thiết bị dạy và học theo hướng chuẩn hóa, phục vụ thiết thực công tác phổ cập giáo dục; đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nghề; đồng thời, tăng đầu tư từ ngân sách cho công tác XMC và phổ cập giáo dục. Tập trung phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, giảm tỷ lệ lưu ban và bỏ học. Hoàn thiện chế độ, chính sách đãi ngộ đối với giáo viên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

KIM TRUYỆN

.
.
.