Chủ Nhật, 13/03/2022, 10:08 (GMT+7)
.

Quyết liệt, kịp thời hỗ trợ người Việt Nam ở Ukraine bằng nhiều hình thức

Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam dành ưu tiên cao nhất cho công tác bảo hộ công dân, bảo vệ công dân và pháp nhân Việt Nam, trụ sở và thành viên cơ quan đại diện tại Ukraine.

Phát huy truyền thống “máu chảy ruột mềm” của dân tộc, từ khi chiến sự giữa Nga và Ukraine nổ ra (ngày 24/2/2022), Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời, Chính phủ, Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ, ngành, một số doanh nghiệp trong nước, Đại sứ quán Việt Nam ở Đông, Trung Âu và cộng đồng người Việt tại các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) để có nhiều hoạt động hỗ trợ bà con người Việt đang sinh sống ở Ukraine, nhanh chóng thoát khỏi vùng bom đạn, trở về nước hay tạm ổn định cuộc sống ở những nước thứ ba.

Mỗi cơ quan, tổ chức, đoàn thể có những phương thức hành động khác nhau, nhưng đều chung mục đích là giúp đỡ một cách thiết thực nhất đối với bà con người Việt đang gặp hoạn nạn theo đúng nguyện vọng chính đáng của họ và phù hợp với luật pháp Việt Nam cũng như các quốc gia có liên quan.

Quyết liệt, khẩn trương đưa người Việt khỏi vùng chiến sự

b

Đại sứ Việt Nam tại Romania Đặng Trần Phong (phải) thăm hỏi bà con ở sân bay thủ đô Bucharest, Romania. Ảnh: Mạnh Hùng/P/v TTXVN từ Bucharest, Romania

Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam dành ưu tiên cao nhất cho công tác bảo hộ công dân, bảo vệ công dân và pháp nhân Việt Nam, trụ sở và thành viên cơ quan đại diện tại Ukraine.

Cụ thể, ngày 24/2, Thường trực Ban Bí thư đã có văn bản chỉ đạo, trong đó có yêu cầu về việc bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt giải quyết các vấn đề có liên quan tới tình hình Ukraine do Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện về việc bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam và một số vấn đề cần lưu ý trước tình hình tại Ukraine; chỉ đạo bảo đảm an ninh và an toàn cao nhất về tính mạng, tài sản, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công dân và pháp nhân Việt Nam ở Ukraine và các nơi có liên quan; đồng thời xây dựng phương án sơ tán công dân và thành viên cơ quan đại diện khi cần thiết,  triển khai hỗ trợ về nơi ở, lương thực, thực phẩm thiết yếu và các điều kiện cần thiết khác.

Tiếp đến, ngày 3/3, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gọi điện cho Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch để kiểm tra công tác bảo hộ công dân theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Đại sứ cho biết, trước khi xảy ra cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine có khoảng 7.000 người Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập tại Ukraine.

Còn tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao vào chiều 3/3, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết, Tổ công tác bảo hộ công dân cùng các đơn vị liên quan của Bộ Ngoại giao cũng như các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với cơ quan đại diện Việt Nam tại Ukraine và các nước lân cận như Hungary, Ba Lan, Romania, Slovakia để ưu tiên đưa bà con ra khỏi vùng chiến sự tại Ukraine sang các nước lân cận.

Tính đến trưa 3/3 (giờ Việt Nam), hầu hết bà con ở Kiev và Odessa, hàng trăm người ở Kharkov đã được sơ tán khỏi vùng chiến sự và được bố trí sang các nước lân cận; hơn 400 người đã tới Moldova để di chuyển sang Romania; 600 người đã từ Ukraine sang Ba Lan; 70 người đã sang Romania; hơn 30 người đã tới Slovakia; khoảng 50 người đã tới Hungary.

b

Đại sứ quán, cộng đồng tại Hungary đón, hỗ trợ bà con từ Ukraine. Ảnh: TTXVN phát

Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch ngày 7/3 đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Đông Âu, cho biết những nỗ lực của Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine trong việc sơ tán cộng đồng người Việt, đặc biệt là tại 3 thành phố lớn là Kiev, Kharkov và Odessa.

Theo Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch, cho đến thời điểm hiện nay, trừ 2 thành phố Kherson và thành phố Mariupol ở gần bán đảo Crimea đang bị phong tỏa, bà con người Việt nào có nguyện vọng đều đã sơ tán hết. Một số bà con quyết định ở lại để trông coi tài sản cho cộng đồng. Một số khác tìm cách sơ tán đến vùng nông thôn. Một số nữa ở lại vì những lý do cá nhân.

Tại thành phố Kherson có 80 người Việt và tại thành phố Mariupol có 100 người Việt. Đại sứ quán đã nhiều lần làm việc với Ukraine và Nga cùng Phái bộ Giám sát Đặc biệt của Tổ chức An ninh và Hơp tác châu Âu (OSCE) để tìm cách đưa bà con ra khỏi hai nơi đó, song vẫn chưa có kết quả. Tuy nhiên, bà con ở đây vẫn an toàn. Việc mở hành lang an toàn cho bà con người Việt di chuyển đến nơi an toàn vẫn đang được các bên liên quan tìm giải pháp để đi đến thống nhất trong những ngày tới.

Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch xác nhận, mặc dù đã có những cảnh bảo, song cuộc chiến giữa Nga và Ukraine với hầu hết mọi người ở ngay tại Ukraine vẫn là chuyện rất bất ngờ.

Khi giao tranh nổ ra, tâm lý chung của người Việt là không muốn sơ tán vì công đồng ở đây hầu hết có nhà cửa, cơ ngơi, gia đình. Chính vì thế, tâm lý của bà con là chờ xem diễn biến tiếp theo rồi mới quyết định, nhất là khi Nga tuyên bố không tấn công vào các điểm dân cư.

Tuy nhiên, sau 2 ngày giao tranh, đặc biệt là khi ngôi nhà của một gia đình người Việt ở ngoại ô Thủ đô Kiev bị trúng tên lửa thì Đại sứ quán quyết liệt vào cuộc cùng với các tổ chức, hội đoàn người Việt để cộng đồng tản cư càng sớm càng tốt.

Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch đã yêu cầu các hội đoàn người Việt tổ chức các chuyến xe con thoi đưa bà con ra ga xe lửa để thoát khỏi vùng chiến sự, đi lánh nạn ở các nước láng giềng. Hơn bao giờ hết, đây là thời điểm mà các tổ chức của cộng đồng người Việt ở Ukraine cần thể hiện vai trò quan trọng của mình đối với đồng bào, với đất nước.

Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch bày tỏ: “Tôi rất mừng là sau các nỗ lực quyết liệt, đến giờ này những ai muốn sơ tán đã sơ tán hết. Bà con đã ra được nơi an toàn dù rất vất vả và cũng là thành công. Nếu không vất vả thì không phải là chiến tranh”.

Hỗ trợ pháp lý để bà con tạm trú ở nước thứ ba

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) đã có thư ngỏ gửi cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine và các hội đoàn người Việt Nam tại Ukraine.

Ủy ban cũng có thông tin hướng dẫn bà con đã nhập cảnh vào Ba Lan có thể lưu trú tại đây trong vòng 15 ngày - thời điểm mà bà con có thể hồi hương hoặc làm đơn xin tị nạn theo quy chế tị nạn chiến tranh.

Trong những ngày này, Ba Lan - một trong những quốc gia có đường biên giới dài với Ukraine, trở thành điểm đến chính của dòng người Việt Nam sơ tán khỏi vùng chiến sự.

Tại Vacsava, người Việt từ Ukraine sang lánh nạn đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan và cộng đồng người Việt tại đây.

b

Bà con xếp hàng làm thủ tục xuất cảnh tại sân bay thủ đô Bucharest, Romania. Ảnh: Mạnh Hùng - P/v TTXVN tại châu Âu.

Đại sứ quán Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại cũng như với Hội Người Việt Nam và các tổ chức, hội đoàn người Việt để kịp thời hỗ trợ bà con từ Ukraine sang lánh nạn, thực hiện nhiệm vụ bảo hộ công dân.

Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Nguyễn Hùng cho biết, Đại sứ quán ưu tiên trước hết cho việc bảo vệ tính mạng, tài sản, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân và pháp nhân Việt Nam ở Ukraine.

Đại sứ quán đã tích cực làm việc và đề nghị Bộ Ngoại giao Ba Lan, Cơ quan Biên phòng và Ủy ban về Người nước ngoài của Ba Lan hỗ trợ công dân Việt Nam được nhập cảnh, quá cảnh và lưu trú tạm thời, được bảo đảm chỗ ăn, ở và nhu yếu phẩm cần thiết trong thời gian cư trú 15 ngày theo quy định dành cho công dân nước thứ ba.

Hàng trăm bà con người Việt từ Ukraine sang Ba Lan lánh nạn đã được đội ngũ “taxi 0 đồng” do các tình nguyện viên trong cộng đồng thành lập, đón về chùa Nhân Hòa, tức Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam ở Thủ đô Vacsava. Tại đây, bà con được hỗ trợ sắp xếp nơi ăn nghỉ, được động viên để ổn định tinh thần sau nhiều ngày di chuyển vất vả.

Theo ông Bùi Văn Dư, Chủ tịch Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam tại Ba Lan, chỉ tính đến tối 5/3, chùa Nhân Hòa đã hỗ trợ bố trí ăn nghỉ cho khoảng 1.000 người Việt Nam từ Ukraine sang lánh nạn.

Các cơ quan đại diện Việt Nam ở các nước Đông Âu khác cũng đã và đang tích cực hỗ trợ các thủ tục, giấy tờ cần thiết cho bà con nhập cảnh, quá cảnh và phối hợp với nhà chức trách địa phương, các hội đoàn người Việt ở sở tại đón và thu xếp chỗ ăn, ở tạm thời, cung cấp vật dụng thiết yếu cho bà con.

Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Slovakia, đến sáng 8/3 đã có trên 100 công dân Việt Nam sơ tán từ Ukraine sang Slovakia, tuy nhiên phần lớn trong số này lại tiếp tục di chuyển tới một nước khác ở châu Âu.

Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Slovakia đã nhanh chóng triển khai các công tác bảo hộ công dân, như trực tiếp làm việc với chính quyền sở tại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập cảnh, quá cảnh và lưu trú tạm thời cho người Việt Nam sơ tán, đồng thời thiết lập kênh liên lạc trực tiếp với ông Vụ trưởng Vụ châu Á (Bộ Ngoại giao Slovakia). Các cán bộ trực bảo hộ công dân thường xuyên nắm bắt thông tin kịp thời, trực tiếp thăm hỏi, động viên, hỗ trợ người Việt từ Ukraine sang.

Đối với những người từ Ukraine sang lánh nạn bị thất lạc giấy tờ, Đại sứ quán lập hồ sơ, xác minh với Cục Lãnh sự để cấp giấy tờ cần thiết sớm nhất, để bà con có thể đi lại, di chuyển tại Slovakia.

Đại sứ Nguyễn Tuấn đánh giá rất cao tinh thần chủ động, nhiệt tình chia sẻ, giúp đỡ đồng hương từ phía cộng đồng Việt Nam tại Slovakia, biểu tượng đẹp đẽ về tình làng nghĩa xóm, tình đồng bào của người Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu.

Sau khi EU mở cửa biên giới cho người tị nạn từ Ukraine, ga Keleti (phía Đông Thủ đô Budapest - Hungary) đã trở thành điểm dừng chân của nhiều công dân Việt Nam sơ tán qua đường Moldova và Romania.

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã thông báo cho bà con biết rằng những người Việt đang cư trú hợp pháp tại Ukraine được phép vào Hungary tạm lánh nhưng không được đi tiếp sang các nước EU khác. Đối với các trường hợp không có giấy tờ cư trú hợp pháp ở Ukraine thì người có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị và nếu có vé máy bay (thương mại hoặc giải cứu, hoặc ít nhất là kế hoạch chuyến bay) để đi tiếp thì được cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary đón ở cửa khẩu.

Đại sứ Việt Nam tại Hungary Nguyễn Thị Bích Thảo cho biết, Đại sứ quán đã nhanh chóng chỉ đạo và triển khai công tác bảo hộ công dân với quyết tâm cao nhất, tránh để xảy ra những sai sót đáng tiếc.

Ngoài việc lập Ban Hỗ trợ bà con lánh nạn từ Ukraine, gồm cán bộ của Đại sứ quán và cán bộ các tổ chức của cộng đồng Việt Nam tại Hungary, Đại sứ quán Việt Nam thành lập 2 nhóm gồm Nhóm Thông tin pháp lý và Nhóm Hậu cần.

Nhóm Thông tin pháp lý liên tục cập nhật thông tin từ chính quyền Ukraine và EU để hỗ trợ bà con trong trường hợp gặp khó khăn về thủ tục pháp lý. Trong khi đó, Nhóm Hậu cần lo chỗ ăn ở và nhu yếu phẩm cho bà con.

Đồng thời, cộng đồng người Việt Nam ở Hungary đã tổ chức quyên góp để ủng hộ thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết cho bà con từ Ukraine sang lánh nạn.

Chỉ tính đến ngày 6/3, Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary đã tiếp nhận 290 người Việt từ  Ukraine sang lánh nạn, trong đó có khoảng 170 trường hợp đã được bố trí chỗ ăn ở tại chỗ, số còn lại được hướng dẫn làm thủ tục sang nước thứ ba theo nguyện vọng.

Theo Đại sứ Bích Thảo, bà con người Việt từ Ukraine tới Hungary chủ yếu muốn tạm trú để chờ quay trở lại khi cuộc chiến kết thúc, bởi vì họ đã sinh sống và làm ăn ổn định ở Ukraine trong một thời gian dài. Chỉ một số ít muốn đến một nước khác trong EU như Đức, Hà Lan, Séc…

Tính đến sáng 8/3, đã có gần 200 người Việt Nam sơ tán từ Ukraine sang Séc. Tuy nhiên, khoảng hơn một nửa số này sau khi được trợ giúp, hướng dẫn về pháp lý và hỗ trợ đưa đón, đã trở lại các nước xuất phát sau khi rời Ukraine, trong đó chủ yếu là Ba Lan. Đây là cách để họ có thể hồi hương về Việt Nam hoặc thực hiện đúng các quy định nhằm hưởng quy chế tị nạn của nước là điểm đến đầu tiên sau khi rời Ukraine.

Số người Việt từ Ukraine sang lánh nạn và ở lại Séc thì đều được cộng đồng người Việt bố trí chỗ ăn, ở tương đối chu đáo trong thời gian tạm trú.

Phát biểu tại phiên họp trực tuyến sáng 8/3 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam tại nước ngoài tổ chức, liên quan đến tình hình cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine, Đại sứ Thái Xuân Dũng nhấn mạnh: Cộng hòa Séc không giáp Ukraine nên số người Việt Nam sơ tán từ Ukraine sang không đông. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng những quy định về nhập cảnh, nhập cư của Séc hết sức ngặt nghèo, những người không đủ giấy tờ hợp lệ sẽ bị đưa vào các trại tị nạn chờ trục xuất ra khỏi lãnh thổ Séc.

b

Kiều bào sơ tán từ Ukraine chờ lên máy bay về Việt Nam. Ảnh: Hồng Kỳ/Phóng viên TTXVN tại Trung và Đông Âu

Trên cơ sở đánh giá như vậy, Đại sứ quán Việt Nam tập trung ưu tiên cho công tác hỗ trợ pháp lý cho đồng bào, qua đó kịp thời xử lý, hỗ trợ đối với hàng chục trường hợp không có đầy đủ giấy tờ tùy thân.

Đồng thời, Ban Hỗ trợ người Việt Nam sơ tán từ Ukraine sang Séc cũng nhanh chóng chuyển số tiền quyên góp được từ các nhà hảo tâm tại Séc sang hai địa bàn Ba Lan và Romania, để mua nước uống, chăn ấm và các nhu yếu phẩm cần thiết nhất cho bà con.

Ban Hỗ trợ người Việt Nam sơ tán từ Ukraine đến Séc do Đại sứ Thái Xuân Dũng làm Trưởng ban.

Về mặt hỗ trợ pháp lý, Đại sứ quán và lãnh đạo Hội người Việt Nam tại Séc đã thường xuyên trao đổi, bám nắm chính quyền sở tại để cập nhật những quy định, hướng dẫn mới nhất của chính phủ Séc, các nước lân cận và EU liên quan đến việc tiếp nhận người sơ tán từ Ukraine.

Ban đã phát đi các thông báo trên trang thông tin chính thức của Đại sứ quán, trang mạng xã hội của Hội Người Việt Nam, Hội Thanh niên-Sinh viên Việt Nam và các hội đoàn tại Séc, nhằm hướng dẫn bà con người Việt đã sang tới Séc chấp hành đúng các quy định của chính quyền sở tại.

Về mặt hỗ trợ thực tế, Ban đã vận động, kêu gọi cộng đồng người Việt Nam tại Séc quyên góp ủng hộ về vật chất để giúp đỡ những người Việt Nam di tản khỏi Ukraine. Tính đến ngày 8/3, tổng số tiền quyên góp được là gần 600.000 kuron (gần 600 triệu đồng).

Đón bà con về nước 

b

Niềm vui khôn xiết của những người đón được người thân trở về. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Chiều 6/3, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp, nghe báo cáo về công tác bảo hộ công dân và đưa công dân Việt Nam từ Ukraine về nước.

Chủ tịch nước đánh giá cao công tác nắm bắt tình hình và tinh thần chủ động chuẩn bị các phương án, tổ chức thực hiện bảo hộ công dân từ phía Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành có liên quan, hỗ trợ công dân Việt Nam tại Ukraine về nước. Chủ tịch nước nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm đến công tác bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine. "Tinh thần nhân đạo, trách nhiệm là việc rất cấp thiết hiện nay", "máu chảy ruột mềm", Chủ tịch nước yêu cầu phải thực hiện tốt Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành cần dành ưu tiên cao nhất cho công tác này; nhất là trong lúc chiến sự đang diễn ra.

Cũng trong ngày 6/3, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã giao Bộ Giao thông Vận tải tổ chức các chuyến bay đưa người Việt tại Ukraine và thành viên gia đình về nước vào các ngày 7 và 9/3/2022. Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính giải quyết về kinh phí thực hiện các chuyến bay theo quy định.

Tiếp đó, tại Văn bản số 1529/VPCP-QHQT ngày 11/3/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan khẩn trương tổ chức các chuyến bay đón người Việt Nam và thành viên gia đình từ Ukraine về nước do các doanh nghiệp tài trợ (Tập đoàn Sun Group và các doanh nghiệp khác), một cách công khai, minh bạch, đúng quy định.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ: Ngoại giao, Công an và các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tại văn bản số 645/VPCP-QHQT ngày 9/3/2022 của Văn phòng Chính phủ về việc tổ chức các chuyến bay đưa người Việt và thành viên gia đình về nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Đến nay, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan và các hãng hàng không đã tổ chức 2 chuyến bay đưa hơn 500 người Việt đã rời khỏi Ukarine về nước.

Thông tin từ các cơ quan đại diện Việt Nam ở các nước châu Âu cho biết, hiện tại gần 600 bà con tại Romania và khoảng 400 bà con đang có mặt tại Ba Lan đã đăng ký nguyện vọng về nước.

Trong một diễn biến khác có liên quan, chiều 10/3, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, Tập đoàn Sun Group và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) chính thức ký kết Thỏa thuận hợp tác đồng hành hỗ trợ vận chuyển công dân Việt Nam và thành viên gia đình từ vùng chiến sự Ukraine về nước.

Theo đó, Sun Group và Vietnam Airlines sẽ ký hợp đồng vận chuyển, phối hợp tổ chức các chuyến bay an toàn, nhanh chóng, hiệu quả đưa người Việt Nam tại Ukraine (hiện đã di chuyển tới Ba Lan, Romania) về Việt Nam, dưới sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng. Công dân Việt Nam và thành viên gia đình tại Ukraine có nhu cầu hồi hương sẽ được vận chuyển về Việt Nam miễn phí, không phải trả bất cứ chi phí nào.

Dự kiến, các chuyến bay sẽ được thực hiện cho tới khi hết nhu cầu công dân Việt Nam và thành viên gia đình trở về nước. Theo kế hoạch, chuyến bay đầu tiên cất cánh từ sân bay Nội Bài (Hà Nội) vào ngày 12/3 đến Vacsava (Ba Lan) đón người Việt Nam từ Ukraine và trở về vào ngày 13/3.

Ông Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết: “Từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và triển khai hiệu quả công tác bảo hộ quyền và lợi ích của công dân, pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài, khẳng định đây là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Việc cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia với Chính phủ trong nhiệm vụ giúp đỡ, bảo hộ bà con người Việt ở nước ngoài thể hiện tinh thần đoàn kết cao quý của dân tộc ta, tạo nguồn lực quan trọng để triển khai công tác bảo hộ nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả hơn, nhất là khi xảy ra các cuộc khủng hoảng lớn, ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng nghìn người như ở Ukraine hiện nay”.

Theo Báo Tin Tức (TTXVN)

.
.
.