Thứ Sáu, 04/03/2022, 15:14 (GMT+7)
.

Tô Hiệu - Người cộng sản kiên trung

Đồng chí Tô Hiệu - Người chiến sỹ cộng sản thuộc thế hệ đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã có những đóng góp lớn lao trong việc khôi phục, củng cố các tổ chức đảng và phong trào cách mạng. Đồng chí là tấm gương sáng về tinh thần “Biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”.

Hình ảnh Tô Hiệu với cây đào được ươm mầm tại Nhà ngục Sơn La đã trở thành biểu tượng không chỉ cho tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường của các chiến sĩ cộng sản mà còn là biểu tượng của sức sống cách mạng vươn lên và mãi nở hoa, kết trái.

b

Chương trình tọa đàm "Tô Hiệu - người cộng sản kiên trung".

Những ngày này, cùng với nhiều địa phương trên cả nước, tỉnh Sơn La đã long trọng tổ chức các hoạt động kỷ niệm 110 năm ngày sinh của nhà cách mạng, liệt sỹ Tô Hiệu. Trong đó, Chương trình tọa đàm “Tô Hiệu - Người cộng sản kiên trung” với sự tham gia của các vị khách mời là những nhà nghiên cứu của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Hội Khoa học lịch sử tỉnh Sơn La và đại diện thân nhân gia đình liệt sỹ Tô Hiệu đã khắc họa rõ nét chân dung con người, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của liệt sỹ Tô Hiệu.

PGS-TS Phạm Hồng Chương, nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), dành khá nhiều thời gian nghiên cứu chuyên sâu về những đóng góp của liệt sỹ Tô Hiệu đối với cách mạng Việt Nam, thông tin:

Trong quá trình viết tiểu sử đồng chí Tô Hiệu, tôi đã có nhiều chuyến đi lên Sơn La và được thấy sự thay đổi không ngừng của tỉnh. Vai trò của đồng chí Tô Hiệu là thành lập ra chi bộ đầu tiên ở Nhà tù Sơn La, từ đó tiến hành đấu tranh bảo vệ sinh mạng của người tù, huấn luyện, đào tạo những chiến sĩ cách mạng. Nhiều đảng viên cộng sản sau này đã trở thành những người lãnh đạo ưu tú mang tinh thần Tô Hiệu trong cuộc Cách mạng tháng 8 và cách mạng của dân tộc trong thế kỷ XX.

Còn ông Tô Quyết Tiến, cháu ruột liệt sỹ Tô Hiệu, xúc động cho biết: Tôi đã có nhiều lần đến Sơn La để viếng mộ chú Tô Hiệu và thăm các đơn vị mang tên ông. Mỗi lần về Sơn La, tôi luôn có cảm giác như được về nhà. Lần này có cảm xúc đặc biệt hơn bởi đúng dịp tổ chức Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của chú tôi và được thấy nhân dân tỉnh Sơn La dành nhiều tình cảm, sự ngưỡng mộ đối với cuộc đời hoạt động của ông.

Đồng chí Tô Hiệu sinh năm 1912 tại thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, là con út trong một gia đình nho học nghèo, dòng họ Tô yêu nước, nhiều đời khoa bảng của tỉnh Hưng Yên. Ngay từ nhỏ, ông đã học giỏi, thông minh, khiến bạn bè và anh em trong gia đình, dòng họ khâm phục. Mùa thu năm 1923, Tô Hiệu được gia đình cho xuống Hải Dương học trường tỉnh.

Tiếp nối truyền thống yêu nước của gia đình, dòng họ, quê hương, khi mới 14 tuổi, Tô Hiệu đã tham gia các phong trào bãi khóa, để tang cụ Phan Châu Trinh nên đã bị nhà trường thực dân đuổi học. Sau đó, Tô Hiệu chuyển lên Hà Nội học. Trong thời gian này, ông tiếp tục tham gia các hoạt động đấu tranh cách mạng. Qua thử thách, được kết nạp vào Học sinh Đoàn, một đoàn thể do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Hà Nội tổ chức. 32 tuổi đời, trong đó có 18 năm tham gia cách mạng, với nhiều năm bị giam cầm ở các nhà tù, trong đó có Nhà tù Sơn La và nơi đây, ông đã hi sinh.

Ông Nguyễn Vũ Điền, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Sơn La cho biết: Đồng chí Tô Hiệu được chuyển đến nhà ngục Sơn La vào tháng 2/1940, ngay sau đó, tháng 5/1940, đồng chí đã được bầu là Bí thư chi bộ nhà ngục Sơn La. Với cương vị là Bí thư chi bộ nhà tù, vượt lên gông cùm, đồng chí Tô Hiệu cùng những người tù cộng sản làm nên điều vô cùng lớn lao và ý nghĩa, vượt ra khỏi sự kiểm soát của kẻ thù, đó là biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng.

Từ những căn cứ lịch sử, đặc biệt ý nghĩa về quá trình thành lập Chi bộ nhà tù Sơn La, năm 2021, Đảng bộ tỉnh đã lựa chọn ngày 26/12/1939 là ngày truyền thống của Đảng bộ tỉnh Sơn La. Đây là việc làm hết sức quan trọng và đáp ứng nguyện vọng đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La. Từ các đảng viên ở chi bộ đầu tiên này, đã hình thành lên Đảng bộ lớn mạnh như ngày hôm nay.

b

Các đại biểu tham quan triển lãm ảnh "Tinh thần Tô Hiệu" tại di tích Nhà tù Sơn La.

Trong cuộc đời hoạt động vẻ vang của mình, liệt sỹ Tô Hiệu đã rất quan tâm đến công tác đào tạo và giáo dục. Từ những năm 1938, ông đã vận động làng Xuân Cầu, quê hương của ông xây dựng trường tiểu học đầu tiên của cả vùng để mở mang dân trí, tập hợp giác ngộ bà con tham gia phong trào cách mạng, rồi đến những năm tháng ở nhà tù Sơn La đồng chí đã góp phần bồi dưỡng, đào tạo nhiều cán bộ ưu tú cho Đảng.

Lan tỏa tinh thần của người gieo mầm cách mạng trên quê hương Sơn La, từ năm 2019, tỉnh Sơn La đã thành lập quỹ học bổng mang tên Tô Hiệu. Quỹ được xây dựng từ những tấm lòng tự nguyện ủng hộ của các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh Sơn La giàu tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng và truyền thống hiếu học cho mọi người, mọi nhà, nhất là thế hệ trẻ Sơn La. 

Em Quàng Thị Linh Chi, học sinh lớp 8A, trường TH&THCS Tô Hiệu, cho biết: Em rất xúc động, tự hào khi được nhận học bổng mang tên Người chiến sỹ cộng sản Tô Hiệu. Đây là động lực để em tiếp tục phấn đấu học tập tốt hơn nữa, tích lũy nhiều kiến thức để sau này góp sức xây dựng quê hương, đất nước.

Đồng chí Tô Hiệu - người gieo ươm hạt giống đỏ Cách mạng từ bóng tối của nhà ngục Sơn La, lan toả vùng Tây Bắc và nhiều vùng khác trong cả nước, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân năm 1945. Cả cuộc đời cống hiến cho cách mạng, cho dân tộc, bản lĩnh kiên cường, bất khuất, tinh thần lạc quan cách mạng của Tô Hiệu đã trở thành di sản quý báu trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng và lịch sử dân tộc Việt Nam.

Quê hương Sơn La sẽ mãi tri ân một người con trung hiếu của vùng đất văn hiến, đã gieo lên những mầm xanh cách mạng, để Sơn La hôm nay luôn thắm mãi sắc hoa đào và tinh thần cộng sản bất diệt.

Theo Báo Sơn La

.
.
.