Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang Nguyễn Văn Danh: Các cấp, các ngành cần quyết liệt hơn để thực hiện thành công "mục tiêu kép"
(ABO) Chiều 1-4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang tổ chức Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị quý I và những nhiệm vụ trọng tâm quý II-2022.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Danh chỉ đạo những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo thực hiện trong quý II-2022. |
Hội nghị do đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang; đồng chí Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Hội nghị có đại diện các Ban đảng của Trung ương tham dự.
Đồng chí Võ Văn Bình gợi ý thảo luận. |
Theo gợi ý của đồng chí Võ Văn Bình, hội nghị đã tập trung thảo luận về: Thuận lợi, khó khăn, các giải pháp thực hiện để đạt các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội năm 2022 trong điều kiện vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa đảm bảo phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân; thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai xây dựng các xã đạt chuẩn nông thôn mới, chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2022.
Các giải pháp tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thủy sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp; công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại - dịch vụ; thu hút đầu tư, du lịch, hoạt động xúc tiến thương mại, xuất - nhập khẩu; công tác hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, thuận lợi, khó khăn, giải pháp.
Thuận lợi, khó khăn trong tổ chức cho học sinh học trực tiếp. Việc thực hiện các gói hỗ trợ của Chính phủ đối với các trường hợp bị ảnh hưởng, tác động của dịch bệnh Covid-19 như gia đình chính sách, gia đình có công, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các doanh nghiệp, nhằm đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi sản xuất...
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội quý I-2022. |
Quý I-2022, với sự đoàn kết, quyết tâm chính trị cao, tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI sát với tình hình thực tế, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các giải pháp ứng phó tình hình xâm nhập mặn, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân
Quang cảnh hội nghị. |
Qua 3 tháng triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022, hầu hết các chỉ tiêu thực hiện đều đạt so với kế hoạch và tăng so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu là 837,7 triệu USD, đạt 25% kế hoạch, tăng 11,9% so cùng kỳ; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 6.862,7 tỷ đồng, đạt 18,7% kế hoạch, tăng 2,9% so cùng kỳ; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 226 doanh nghiệp, tăng 83 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2021.
Tiền Giang có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đến nay toàn tỉnh có 131/143 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 26 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 3 đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 3 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh trật tự được giữ vững; các chính sách đối với người có công và an sinh xã hội được thực hiện tốt. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể luôn được chú trọng; công tác dân vận có chuyển biến tích cực.
Tình hình tư tưởng và tâm trạng của nhân dân cơ bản ổn định, tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng và hoạt động của hệ thống chính trị, tích cực lao động, sản xuất, kinh doanh, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động. Tội phạm về trật tự xã hội giảm 58,1% số vụ; tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí: Giảm 41,1% số vụ, giảm 6,2% số người chết, giảm 64,1% số người bị thương.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 nên tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn được 2.465,5 tỷ đồng, đạt 27,9% kế hoạch, giảm 16% so cùng kỳ; giá nông sản nhiều biến động; giá vật tư nông nghiệp, xăng, dầu tăng mạnh đã tác động đến giá hàng hóa, dịch vụ tăng theo, ảnh hưởng thị trường cung cầu hàng hóa; giá nhiều mặt hàng xuất khẩu giảm, hoạt động du lịch còn khó khăn; số ca nhiễm Covid-19 gia tăng làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và cuộc sống của người dân...
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Danh chỉ đạo những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo thực hiện trong quý II-2022. Trong đó, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh các cấp, các ngành cần phải quyết liệt hơn để thực hiện thành công “mục tiêu kép”.
Cụ thể về phòng, chống dịch bệnh, tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn, các giải pháp về phòng, chống, về điều trị bệnh Covid-19, hạn chế thấp nhất số ca chuyển nặng và tử vong; phải bảo đảm đủ nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và các điều kiện phục vụ công tác phòng, chống, điều trị trên địa bàn tương ứng với các kịch bản của dịch bệnh; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân trong việc ứng phó với chủng vi rút mới Omicron; tiếp tục thực hiện tốt việc tiêm ngừa vắc xin theo chỉ đạo của Trung ương và chuẩn bị chu đáo các điều kiện tiêm ngừa cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ngay khi được tiếp nhận nguồn vắc xin.
Tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trong trường học; theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, cấp độ dịch bệnh để có biện pháp ngăn ngừa sự lây lan trong học sinh, giáo viên. Ngành Giáo dục và đào tạo cần kiểm soát và xử lý kịp thời các ca nhiễm, giữ mức độ an toàn cao nhất cho học sinh, giáo viên; phải thường xuyên cập nhật kịp thời thông tin, quy định về phòng, chống dịch trong trường học; tổ chức dạy và học trực tiếp kết hợp với trực tuyến cho học sinh bị F0, F1 và những học sinh chưa có điều kiện đến trường nhằm đảm bảo duy trì chất lượng giáo dục; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với gia đình học sinh và nhà trường trong việc theo dõi sức khỏe, tư vấn tâm lý, thông tin tình hình dịch bệnh để phụ huynh an tâm cho con em mình đến trường.
Về kinh tế, phải cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế phát triển của vùng, của mỗi địa phương để phục hồi và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Các cấp, các ngành, các địa phương, cơ sở cần có phương án cụ thể, phù hợp trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển; cần rà soát lại tất cả các công trình, các dự án để có sự sắp xếp hợp lý, phù hợp tình hình thực tế theo trình tự trước sau, thứ tự ưu tiên trong đầu tư và trong quá trình triển khai thực hiện.
Cấp ủy các cấp cần kiểm tra, rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện các khâu đột phá về tập trung đầu tư, hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực, vùng động lực; về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ ở đô thị và nông thôn.
Về phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách hành chính và các mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025, Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, tự cân đối ngân sách, đạt chuẩn nông thôn mới, gắn với việc triển khai các công trình trọng điểm, dự án có tính liên kết phát triển tiểu vùng, nội vùng, liên vùng trong và ngoài tỉnh để có sự tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện tốt các dự án giao thông, thủy lợi trọng điểm trên địa bàn tỉnh, nhất là Dự án Đường cao tốc Trung ương - Mỹ Thuận. Đẩy nhanh tiến độ triển khai, thi công các dự án quy mô lớn, sử dụng vốn ngân sách Trung ương; thường xuyên theo dõi, kiểm tra để đảm bảo tiến độ thi công các Dự án Cầu Vàm Cái Thia, Cầu qua sông Mỹ Đức Tây, Đường tỉnh 873 từ cầu Bình Xuân đến Quốc lộ 50 đã được khởi công ngay từ đầu năm. Theo dõi, kiểm tra chặt chẽ tiến độ hoàn thành xây dựng cơ bản, lắp đặt thiết bị y tế và việc di dời từ cơ sở cũ sang cơ sở mới của Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang.
Về an ninh trật tự, đồng chí Nguyễn Văn Danh chỉ đạo Công an tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, các lực lượng nghiệp vụ chủ động có kế hoạch, phương án phòng ngừa, kịp thời đấu tranh, ngăn chặn tội phạm hoạt động lộng hành theo kiểu “xã hội đen”, tội phạm sử dụng hung khí, súng để giải quyết mâu thuẫn, tội phạm về ma túy và tệ nạn cờ bạc, đá gà...
Đồng thời, phải thực hiện tốt công tác phối hợp điều tiết không để xảy ra ùn tắc giao thông, kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông, trước mắt là trong dịp Lễ giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ 30-4, 1-5. Chủ động phối hợp với lực lượng Quân sự, Biên phòng duy trì nghiêm lực lượng thường trực, chuẩn bị tốt các phương án ứng phó với các tình huống xấu về an ninh, trật tự.
Đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Danh yêu cầu các cấp ủy đảng, các ngành phải tăng cường nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm trạng; mức độ hài lòng hoặc phản ứng đối với các công trình, dự án đã thực hiện và các dự án chuẩn bị triển khai để kịp thời định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và trong nhân dân.
Quan tâm hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; công tác phát triển đảng viên mới; triển khai thực hiện nghiêm túc chuyên đề năm 2022 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, có đạo đức cách mạng trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay”.
Đối với công tác cán bộ, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo tiếp tục thực hiện việc rà soát bổ sung quy hoạch gắn với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo chức danh đã quy hoạch; thực hiện công tác điều động, luân chuyển, sắp xếp cán bộ để thử thách, rèn luyện, chuẩn bị về nhân sự cho nhiệm kỳ tới; bổ sung cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đảm bảo về tiêu chuẩn, số lượng theo quy định.
THỦY HÀ