.

Diễn biến và ý nghĩa lịch sử Chiến thắng Đắc Tô - Tân Cảnh

Cập nhật: 12:44, 22/04/2022 (GMT+7)

Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh đã làm thay đổi cục diện chiến trường ở Tây Nguyên, góp phần làm nên thắng lợi tại Hội nghị Pari buộc đế quốc Mỹ phải ký hiệp định Pari, chấp nhận thất bại rút quân về nước; tạo bước đà cho Đại thắng Mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

b
Hình ảnh quân ta đánh chiếm sân bay Phượng Hoàng (4-1972) và hình ảnh cờ giải phóng tung bay trên căn cứ địa của địch tại Đăk Tô-Tân Cảnh

Cách đây 50 năm về trước, khi mà cuộc chiến tranh giữa ta và Mỹ-ngụy đang dần bước vào hồi kết, chúng ta liên tục giành những chiến thắng quan trọng trên các chiến trường, tương quan lực lượng ngày một nghiêng về phía cách mạng, tạo thuận lợi cho ta mở cuộc tiến công chiến lược trong năm 1972 nhằm đánh bại chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, giành thắng lợi quyết định, buộc Mỹ chấm dứt chiến tranh. Cũng thời điểm này, đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn vẫn tiếp tục tăng cường lực lượng, củng cố các tuyến phòng ngự, mở các cuộc tiến công ngăn chặn lực lượng của ta hòng kéo dài chiến tranh.

Ở tỉnh Kon Tum, Đăk Tô - Tân Cảnh là cứ địa hết sức quan trọng của cả ta và địch. Địch chọn nơi đây làm căn cứ quân sự then chốt án ngữ phía Bắc Tây Nguyên, ta chọn làm mục tiêu tiến công chủ yếu trong chiến dịch. Tại đây, tổng số lực lượng địch bố trí khu vực này lên tới 28 tiểu đoàn bộ binh, 6 tiểu đoàn pháo binh, 4 tiểu đoàn thiết giáp. Địch quyết tâm tập trung lực lượng tạo thành tuyến phòng ngự vững chắc, ngăn chặn quân giải phóng đánh chiếm vùng đất Tây Nguyên.

Chấp hành chủ trương của Khu uỷ, Đảng bộ tỉnh Kon Tum đã huy động tối đa lực lượng bộ đội địa phương, du kích, dân công phối hợp cùng bộ đội chủ lực B3 và Khu V tham gia chiến dịch.  Lực lượng địa phương được huy động gồm: Tiểu đoàn Bộ binh 304, Tiểu đoàn Đặc công 406, hai đại đội bộ binh độc lập, một đại đội công binh và đại đội cối 81-ĐKZ, sáu đại đội huyện và 1.500 du kích.

Toàn đảng, toàn quân và toàn dân đã khẩn trương tập trung cho công tác chuẩn bị với quyết tâm “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng”, cả mặt trận bừng bừng khí thế “Trường Sơn chuyển mình, Pô Cô dậy sóng, quét sạch quân thù, giải phóng Nhân dân”.

Ngày 31-3-1972, khi tiếng súng vang dội trên chiến trường miền Nam, tại Kon Tum, ta tấn công địch ở dãy điểm cao phía Tây bờ sông Pô Cô nhằm tiêu diệt các căn cứ trọng yếu của địch là Đen Ta (điểm cao 1049), Sạc Ly (điểm cao 1015).

Rạng sáng ngày 12-4 đến ngày 15-4-1972, quân chủ lực ta (nòng cốt là Trung đoàn Bộ binh 64 do Trung tá Khuất Duy Tiến chỉ huy) đã phối hợp với quân và dân tỉnh Kon Tum kiên cường chiến đấu, tấn công địch tại căn cứ phòng ngự Sạc Ly (điểm cao 1015) của chúng, diệt gọn Tiểu đoàn 11 thuộc Lữ đoàn Dù 2 của quân lực Việt Nam Cộng hòa, kiểm soát hoàn toàn điểm cao 1015.

Ngày 21-4-1972, quân chủ lục tiếp tục làm nòng cốt, phối hợp với lực lượng Kon Tum tấn công tiêu diệt Tiểu đoàn Dù 2 và các lực lượng đến ứng cứu tại căn cứ Đen Ta, phá vỡ hoàn toàn tuyến phòng ngự Tây Pô Cô của địch. Địch hoàn toàn nằm trong thế bị bao vây cô lập.

Đêm 23 rạng 24-4-1972, Sư đoàn 2 của ta được tăng cường thêm Trung đoàn 66, Tiểu đoàn 37 đặc công cùng Tiểu đoàn 304 của Kon Tum và một bộ phận pháo binh, pháo cao xạ, xe tăng do Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn và Chính ủy Lê Đình Yên chỉ huy, từ phía Đông đột phá trận địa phòng ngự của địch. Địch phản công quyết liệt song bị tấn công bất ngờ với sự hợp lực của một lực lượng bộ binh lớn cùng xe tăng và tên lửa chống tăng nên sức chống cự của chúng nhanh chóng bị đè bẹp, bọn cố vấn Mỹ và chỉ huy địch một số tháo chạy còn một số bị bắt sống và tiêu diệt.

Đập tan mục tiêu then chốt ở Tân Cảnh, Trung đoàn 1 (Sư 2) và xe tăng của ta tiếp tục tấn công căn cứ Đăk Tô II, đập tan căn cứ của Trung đoàn 47, Sư đoàn 22 của địch. Ta tiếp tục tập kích tiến công căn cứ Diên Bình, diệt 2 liên đội bảo an, thu 6 pháo, 7 ô tô và 2 máy bay lên thẳng. Thừa thắng, ta tiếp tục phát triển thế tấn công phá tan thế trận phòng ngự của địch ở phía Bắc Kon Tum, làm cho lực lượng còn lại của địch ở các căn cứ Ngok Ring Rua, Ngok Bờ Biêng phải co cụm ở Plei Kần. Quân địch ở Tri Lễ, quận lỵ Đăk Tô, phía Tây sông Pô Cô hốt hoảng phải rút về thị xã Kon Tum.

Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh là khúc ca hùng tráng về tinh thần chiến đấu dũng cảm và kiên cường, đoàn kết một lòng, hợp đồng chặt chẽ giữa các binh chủng, giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích.

Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh đã làm thay đổi cục diện chiến trường ở Tây Nguyên, góp phần làm nên thắng lợi tại Hội nghị Pari buộc đế quốc Mỹ phải ký hiệp định Pari, chấp nhận thất bại rút quân về nước; tạo bước đà cho Đại thắng Mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

50 năm đã trôi qua, kể từ ngày trận đánh lịch sử Đăk Tô - Tân Cảnh chiến thắng vang dội, trong những năm qua được sự quan tâm, tạo điều kiện của Trung ương, và các bộ ngành có liên quan, di tích Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh cùng với các điểm cao 1015, 1049 đã từng bước được bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị bằng các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, sự quan tâm tu bổ của Ban liên lạc Truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng Sư đoàn 320.

Nơi đây dần trở thành điểm đến ý nghĩa của du khách trong nước và quốc tế muốn khám phá và tìm hiểu về chiến trường xưa; nơi tổ chức nhiều sự kiện về nguồn cho các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum, nhằm tuyên truyền giáo dục cho các thế hệ sau về những chiến công vang dội của quân và dân Tây Nguyên, cũng như tri ân biết bao tấm gương hy sinh anh dũng của chiến sĩ cách mạng.

Ngày 23-4-2022, tỉnh Kon Tum sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh và đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt di tích lịch sử Điểm cao 1015 và Điểm cao 1049. Đây là niềm vinh dự, tự hào, cũng là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, để nơi đây xứng đáng là nơi lưu giữ hồn thiêng sông núi, thực sự trở thành “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, hun đúc ý chí, khát vọng xây dựng đất nước hưng vượng, hùng cường cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Kon Tum

.
.
.