Thứ Tư, 06/04/2022, 15:48 (GMT+7)
.

Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 6/4, Thường trực HĐND tỉnh An Giang phối hợp Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đăng cai tổ chức Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội dự và chỉ đạo hội nghị.

a
Quang cảnh hội nghị

Phát biểu khai mạc, đồng chí Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang cho biết, những năm qua, An Giang không ngừng đổi mới, phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương, đưa kinh tế-xã hội phát triển khá toàn diện. Năm 2021, mặc dù đại dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống xã hội nhưng tỉnh đã triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp đưa kinh tế-xã hội đạt nhiều kết quả tích cực.

Đồng thời khẳng định, hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2021-2026 với chủ đề “Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Thường trực HĐND” là cơ hội để HĐND tỉnh học tập cách làm hay, kinh nghiệm quý báu của các tỉnh, thành phố trong khu vực để áp dụng vào thực tiễn An Giang, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của HĐND và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Công tác đại biểu thông tin, từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, để ứng phó với những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách kịp thời nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, sớm ổn định sản xuất để phục hồi và phát triển kinh tế.

Với vai trò là cơ quan có chức năng hướng dẫn, giám sát hoạt động của HĐND, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành một số văn bản liên quan đến hoạt động của HĐND, đồng thời tăng cường hoạt động giám sát để cùng với HĐND các cấp chủ động thực hiện tốt chức năng, vai trò là cơ quan đại diện cho nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, góp phần hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm phòng chống dịch an toàn hiệu quả, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống và an toàn cho người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như hoạt động giám sát, chất vấn ở một số nơi còn hình thức, chất lượng các câu hỏi chất vấn và trả lời chất vấn chưa phản ánh đúng tính chất của hoạt động chất vấn. Việc thực hiện cam kết sau chất vấn và kết luận sau giám sát của một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế...

Hội nghị đã tập trung thảo luận các nội dung vai trò, trách nhiệm của Thường trực HĐND trong việc chuẩn bị kỳ họp HĐND; công tác giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật tại địa phương; những kinh nghiệm quý, cách làm sáng tạo, đổi mới, đột phá để nâng cao hơn nữa việc thực hiện thẩm quyền của Thường trực HĐND giữa hai kỳ họp, bảo đảm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, kịp thời tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương...

a
 Đồng chí Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu kết thúc hội nghị, đồng chí Trần Thanh Mẫn thông tin, trong 2 năm qua, tuy tình hình thế giới, khu vực vẫn có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ; sự giám sát, đồng hành, chia sẻ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng các doanh nghiệp và sự ủng hộ của nhân dân, nước ta tiếp tục đạt được những thành quả đáng mừng.

Năm 2021 tăng trưởng kinh tế đạt 2,58%, quy mô nền kinh tế  khoảng 363 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người 3.680 USD, thu ngân sách nhà nước hơn 1,523 triệu tỷ đồng, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 668,5 tỷ USD (tăng 22,6% so với năm 2020), xuất siêu ước đạt 4 tỷ USD; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,52%.

Chương trình xây dựng nông thôn mới hoàn thành vượt mức tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2021. Quốc phòng an ninh được bảo đảm, đối ngoại được tăng cường, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục đạt kết quả quan trọng. Trong 3 tháng đầu năm 2022, cả nước tiếp tục đạt được nhiều kết quả đáng mừng về phát triển kinh tế-xã hội, nhất là các lĩnh vực về thu hút đầu tư, xuất nhập khẩu, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn cho biết, trong thành tựu chung đó, có sự đóng góp của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các tỉnh, thành phố ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thu ngân sách của 13 tỉnh, thành phố khoảng 152.729 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% của cả nước, trong đó thu nội địa 80.955 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người của vùng khoảng 53,3 triệu đồng/năm, các tỉnh, thành phố đều thấp hơn so với bình quân cả nước. Tuy nhiên về thu hút đầu tư, kim ngạch xuất nhập khẩu, xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ giảm nghèo cũng có những kết quả đáng ghi nhận như Tiền Giang, Bến Tre, Long An...

Đồng thời đánh giá cao tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp đã và đang có nhiều đổi mới rõ rệt, chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND được chú trọng; nhiều tỉnh đã ban hành đề án “nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp”; hoạt động của HĐND ngày càng chủ động, thực chất, phát huy trí tuệ của tập thể, sự đóng góp của các chuyên gia; tăng cường sự phối hợp công tác với các cơ quan, tổ chức hữu quan trên tất cả các mặt công tác...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn những hạn chế cần quan tâm, khắc phục từ cơ chế, chính sách đến việc tổ chức thực hiện như hoạt động chất vấn ở một số nơi vẫn còn hình thức, công tác giám sát hiệu quả chưa cao, trong đó giám sát chuyên đề còn ít. Việc thực hiện cam kết sau chất vấn và kết luận sau giám sát của một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế. Hoạt động giải trình tại các phiên họp của Thường trực HĐND có nơi, có lúc còn hình thức. Việc đôn đốc, theo dõi kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị cử tri của một số địa phương có lúc, có việc còn chậm.

Để hoạt động HĐND sâu sắc hơn, đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị 5 năm vấn đề cụ thể như, thứ nhất, về căn cứ tham mưu, tổ chức thực hiện, phải luôn bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng, Nghị quyết Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết đảng bộ tỉnh, thành phố và pháp luật của Nhà nước.

Thứ hai, về nội dung, yêu cầu triển khai, thực hiện, HĐND các cấp chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động, nhất là định hướng chương trình xây dựng Nghị quyết của HĐND trong nhiệm kỳ, trên cơ sở đó, ban hành Nghị quyết về chương trình xây dựng nghị quyết và giám sát hằng năm; đề xuất với cấp ủy các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp.

Thứ ba, về công tác tuyên truyền, phải rất coi trọng, nhất là các phiên thảo luận tại Hội trường, các phiên chất vấn; tiến tới thực hiện hoạt động phát thanh, truyền hình trực tiếp đối với các phiên giải trình của Thường trực HĐND.

Thứ tư, về nguồn lực thực hiện: cần bố trí đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu để triển khai hoạt động có hiệu quả. Mỗi vị đại biểu HĐND  không ngừng nâng cao trình độ, tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động; gắn bó mật thiết với cử tri, nhân dân.

Thứ năm, đối với việc thực hiện phát triển kinh tế-xã hội của đồng bằng sông Cửu Long, như các đồng chí đã biết: giá trị gia tăng tổng sản phẩm ngành nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long chiếm 31,3% cả nước; đứng đầu cả nước về sản lượng gạo, tôm nước lợ, cá tra và trái cây: thóc chiếm 55,4% cả nước, tôm chiếm 83,5%, cá tra chiếm 98% và trái cây chiếm 60%.

Kết thúc Hội nghị, Thường trực HĐND tỉnh An Giang đã chuyển giao công tác đăng cai tổ chức Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long tiếp theo cho Thường trực HĐND tỉnh Tiền Giang. Dịp này, đồng chí Trần Thanh Mẫn đã tặng Quỹ khuyến học tỉnh An Giang 100 triệu đồng.

(Theo nhandan.vn)


 

.
.
.