.
KỶ NIỆM NGÀY GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG

Tưởng nhớ và biết ơn công đức các Vua Hùng

Cập nhật: 09:05, 08/04/2022 (GMT+7)

Trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam, Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 (âm lịch) hằng năm là ngày lễ trọng đại, mang bản sắc văn hóa sâu sắc và độc đáo của dân tộc Việt Nam, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tưởng nhớ và biết ơn công đức các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước.

Đây cũng là dịp quan trọng để quảng bá ra thế giới về một di sản vô cùng giá trị, độc đáo đã tồn tại hàng ngàn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý, truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài; là ngày để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Năm nay vừa tròn 10 năm Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, được thế giới vinh danh.

KHẮC SÂU GỐC TÍCH, CỘI NGUỒN CỦA DÂN TỘC

Từ thời đại Hùng Vương, trải qua hàng ngàn năm, dân tộc ta vượt qua bao thăng trầm lịch sử với nhiều gian khổ, hy sinh, nhưng đầy khí phách anh hùng; có những lúc bị nô dịch, lầm than tủi cực, nhưng cuối cùng đã giành được vinh quang chói lọi, với những thắng lợi vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử.

Lễ hội Đền Hùng tại Phú Thọ (năm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19).                                                                                                                                                                              Ảnh: TL
Lễ hội Đền Hùng tại Phú Thọ (diễn ra vào năm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19). Ảnh: TL

Đây là thời kỳ đã hình thành từ những truyền thuyết về cội nguồn và những truyền thống tốt đẹp: Truyền thuyết Mẹ Âu Cơ về cội nguồn đoàn kết, nghĩa đồng bào; truyền thuyết Phù Đổng Thiên Vương nêu cao ý chí, quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược; truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh về tinh thần đấu tranh chống thiên tai bão lũ; truyền thuyết Chử Đồng Tử về lòng hiếu nghĩa; truyền thuyết Bà Chúa kho Liễu Hạnh về tấm lòng yêu thương nhân dân…

Trong mỗi ngôi nhà người Việt đều có bàn thờ tổ tiên và anh linh các bậc tiền hiền, cùng các bậc sinh thành đã đi xa. Mỗi làng, xã ở nước ta đều có đình thờ các vị thần hoàng là những người có công với nước, với dân. Cả dân tộc Việt Nam có chung một Quốc Tổ, cùng chung ngày giỗ Quốc Tổ và trên khắp mọi miền đất nước đâu đâu cũng đều thờ Quốc Tổ.

Đồng bào ta từ ngàn xưa, hôm nay và mãi mãi mai sau luôn khắc sâu gốc tích, cội nguồn của dân tộc mình. Đó là cơ sở để dân tộc ta tiếp tục xây dựng, phát huy truyền thống, đạo lý nhân nghĩa, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, đoàn kết, cùng nhau xây dựng và bảo vệ non sông, đất nước.

Nhiều hoạt động nhân Giỗ Tổ Hùng Vương tại Bảo tàng Tiền Giang

Năm nay, Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương tại Bảo tàng Tiền Giang gồm phần lễ và phần hội: Nghi thức chính giỗ được tổ chức trước bàn thờ các Vua Hùng vào lúc 16 giờ 30 phút ngày 8-4 (nhằm ngày thứ Sáu, mùng 8 tháng 3 âm lịch).

Về phần hội, gồm các hoạt động: Tổ chức gói và nấu bánh ít; Chưng nghi và làm cổng nghệ thuật; Hội thi Hoa lan và trưng bày Bonsai; Triển lãm ảnh chuyên đề “Di sản văn hóa Việt Nam”; Trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa Tiền Giang” và “Sưu tập tiền giấy”; Chương trình Đờn ca tài tử được tiến hành sau thời gian dâng hương, dâng hoa… Các hoạt động trên diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 8 đến 10-4.

Mỗi năm, vào ngày Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương là dịp khắc sâu thêm vào tâm khảm mỗi chúng ta sự nghiệp to lớn và truyền thống tốt đẹp, quý báu của tổ tiên, của thời đại các Vua Hùng đã có công dựng nước.

Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, ông cha ta luôn nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, dũng cảm, đấu tranh ngoan cường chống lại mọi kẻ thù xâm lược để giữ gìn và bảo vệ đất nước.

NHỚ VỀ LỄ GIỖ ĐẦU TIÊN NĂM 1946

Theo sử sách ghi lại, cách đây 76 năm, trong tình thế vận nước “ngàn cân treo sợi tóc”, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào ngày 11-4-1946 (tức ngày mùng 10 tháng 3 năm Bính Tuất), không chỉ ở Đền Hùng trên Đất Tổ, mà còn được chính quyền cách mạng non trẻ tổ chức trọng thể ngay trong lòng thủ đô Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Việt Nam học xá, nay là khu vực Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được Sở VH-TT&DL Tiền Giang tổ chức thường niên tại Bảo tàng Tiền Giang.                     Ảnh: VĂN THẢO
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được Sở VH-TT&DL Tiền Giang tổ chức thường niên tại Bảo tàng Tiền Giang. Ảnh: VĂN THẢO

Cùng lúc đó, đoàn đại biểu Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng cùng các đại biểu Nguyễn Xiển, Trần Đăng Khoa... về dự lễ dâng hương tại Đền Hùng. Cụ Huỳnh Thúc Kháng thay mặt đoàn đại biểu dâng hương cùng một tấm bản đồ và một thanh gươm quý để cáo tế với tổ tiên lòng quyết tâm bảo vệ nền tự chủ quốc gia của dân tộc Việt Nam.

76 năm qua từ Lễ Giỗ Tổ Vua Hùng đầu tiên của chính quyền cách mạng Việt Nam, mỗi người dân Việt Nam đều tự hào về truyền thống lịch sử dân tộc từ thời các Vua Hùng, thể hiện tình đoàn kết keo sơn, khẳng định lòng yêu nước nồng nàn - sức mạnh của cội nguồn, góp phần tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, làm nên chiến thắng vang dội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu kết nối trực tuyến đến hơn
40 quốc gia


Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu 2022 - Lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu sẽ được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến vào ngày 10-3 âm lịch (tức ngày 10-4 dương lịch). Đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa đặc biệt không chỉ đối với cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập, nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài, mà còn đối với bạn bè quốc tế yêu mến Việt Nam.

Theo Ban Dự án, Lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu năm nay  sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến và trực tiếp trên hệ thống truyền thông của Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu (https://www.facebook.com/quoctovietnamtoancau).

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.