Thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. |
Sáng 27-4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp thứ hai của Ủy ban.
Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ rất quan trọng, gắn với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, nền kinh tế và xã hội số. Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm tới công tác chuyển đổi số, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số. Nhân dân cũng rất quan tâm vấn đề này vì chuyển đổi số tác động toàn dân.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia với 3 mục tiêu chính là: (i) Đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia; (ii) Nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; (iii) Thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
Quang cảnh phiên họp. |
Nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số là rất nặng nề; chúng ta phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam. Chuyển đổi số gắn với sự phát triển, sự phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
Chúng ta cần rà soát lại thể chế vì đây là 1 trong 3 đột phá; cụ thể hóa thể chế; bổ sung, hoàn thiện thể chế. Phải có hạ tầng công nghệ, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển công nghệ số, ứng dụng công nghệ số; phải huy động được nguồn lực; tăng cường hợp tác công tư, huy động sự đóng góp của người dân.
Vấn đề là phải quản trị như thế nào để chuyển đổi số vừa hiện đại, vừa phù hợp tình hình, nền kinh tế, năng lực; đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Có Chính phủ số, chính quyền số mà không có công dân số thì không thành công. Trong quá trình này, chúng ta cần kiểm tra, giám sát thường xuyên, tránh những tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.
Từ nền tảng chung đó, chúng ta có điều kiện phát triển chuyển đổi số. Do đó, chúng ta phải có kế thừa, vừa có sự ổn định, đổi mới và phát triển thì mới đúng quy luật, không bị tụt hậu. Vấn đề là chúng ta phải chọn trọng tâm, trọng điểm, chọn vấn đề ưu tiên, có sức lan tỏa, hiệu quả, làm việc nào dứt điểm việc đó, không giàn trải, manh mún... Quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận đi thẳng vào vấn đề, có trọng tâm, trọng điểm, chẳng hạn tập trung vào lĩnh vực cải cách thuế, cải cách hành chính, đào tạo công dân số. Nhưng thời gian, công sức, nguồn lực có hạn, cho nên, chuyển đổi số là một trong những động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển nền kinh tế số hiện đại.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ đã công bố công khai Cẩm nang Chuyển đổi số, 55 bài toán chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương và 21 câu chuyện về chuyển đổi số của Việt Nam năm 2021, bao gồm các câu chuyện thành công đã được thực tiễn kiểm chứng là hiệu quả có thể tham khảo nhân rộng và các câu chuyện chia sẻ kinh nghiệm khác. 22/22 bộ, ngành và 63/63 địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số.
Trong đó, 21/22 bộ, ngành có Trưởng ban là Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành; 57/63 tỉnh, thành phố có Trưởng ban là Chủ tịch UBND tỉnh; 6/63 tỉnh, thành phố có Trưởng ban là Bí thư Tỉnh ủy. 6 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số theo Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS.
16/22 bộ, ngành đã ban hành kế hoạch hành động năm 2022; trong đó 4/22 bộ, cơ quan ban hành kế hoạch chuyển đổi số; 1/22 bộ, cơ quan ban hành kế hoạch chuyển đổi số lồng ghép với kế hoạch phát triển Chính phủ số; 10/22 bộ, cơ quan chỉ ban hành kế hoạch phát triển Chính phủ số; 41/63 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch hành động năm 2022; trong đó 11/63 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch chuyển đổi số; 6/63 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch chuyển đổi số lồng ghép với kế hoạch phát triển chính quyền số; 24/63 tỉnh, thành phố chỉ ban hành kế hoạch phát triển chính quyền số.
Việt Nam hiện nay có khoảng hơn 240 trường đại học, trong đó gần 160 trường có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật: công nghệ thông tin, điện tử-viễn thông, an toàn thông tin. Hằng năm, số lượng sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành này vào khoảng hơn 50.000. Nếu tính cả đào tạo nghề ở bậc cao đẳng, trung cấp thì con số này vào khoảng hơn 62.000. Trong cơ cấu nguồn nhân lực, tỷ lệ nhân lực kỹ thuật/tổng lao động của nền kinh tế Việt Nam đạt hơn 1%. Đây là tỷ lệ tương đối thấp so một số quốc gia như: Mỹ (4%), Hàn Quốc (2,5%), Ấn Độ (1,78%).
Để nâng tỷ lệ lên tối thiểu 2%, Việt Nam cần đào tạo được tối thiểu 70.000 sinh viên đại học chuyên ngành kỹ thuật mỗi năm, tăng khoảng 40% so hiện nay. Không chỉ là vấn đề số lượng, chất lượng nhân lực cũng là thách thức lớn. Các công nghệ số đang có tốc độ phát triển nhanh, trong khi đó, chương trình đào tạo đang chưa theo kịp...
Theo nhandan.vn