Chuyện về nữ biệt động Trần Thị Loan
“Ít người biết cô từng là chiến sĩ biệt động trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bây giờ, ký ức thời chiến tranh trong cô có lúc nhớ, lúc quên, có lẽ do đã lớn tuổi...” - cô Trần Thị Loan, hiện ngụ ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang tâm sự.
18 TUỔI THAM GIA ĐỘI BIỆT ĐỘNG
Xuất thân trong một gia đình truyền thống cách mạng, từ nhỏ cô Loan đã nung nấu ý định nối tiếp cha anh mình làm cách mạng. Năm 1968, lúc đó cô 18 tuổi, xin tham gia lực lượng Biệt động, đóng quân tại xã Tân Mỹ Chánh, nhận nhiệm vụ đưa thư từ, tải thương…
Cô Loan vinh dự nhận Huân chương Kháng chiến hạng Ba năm 1988 và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2019. |
Cô Loan chia sẻ: “Mẹ cô từng nuôi giấu cách mạng. Các anh, chị tham gia kháng chiến. Hơn 10 tuổi, cô tình nguyện tổ chức nấu cơm tại nhà phục vụ bộ đội. Năm 1969, cô nhận nhiệm vụ đưa thư và đi mua thuốc trị bệnh cho đơn vị, nếu bị địch phát hiện thì bản thân và gia đình sẽ “không yên” với chúng. Cô “chống đỡ” chúng bằng cách dự kiến tình huống xấu xảy ra và cách xử lý.
Một hôm, khoảng 4 giờ sáng, trên đường đi đưa thư và mua thuốc, đến địa bàn xã Đạo Thạnh chẳng may cô bị địch phục kích chặn lại. Chúng hỏi: “Mầy đi giao liên hả?”. Nhanh trí, cô đáp trả: “Tui đi bán đồ cho bà chị”, rồi nhanh tay ném thư và tiền vào bụi cây ven đường, do trời tối nên chúng không phát hiện. Dẫu không có “tang chứng”, chúng vẫn bắt cô giải về tiểu khu tra tấn, nhưng chẳng lấy được thông tin gì. 10 ngày sau chúng thả cô về.
Sau đó, nhiều lần cô bị địch bắt, tra khảo. Cũng như những lần trước, chúng không có chứng cứ buộc tội do cô nhanh trí cất giấu tài liệu nên thả cô ra.
Mới 18 tuổi, cô nhận nhiệm vụ tải thương. “Trong một lần địch càn, anh Bảy Oanh, chung đơn vị Biệt động, bị địch bắn trúng, chạy núp dưới ao. Lúc đó cô không biết sợ là gì, đã gắng sức kéo anh lên bờ đưa đến nơi an toàn” - cô cho biết.
Lần khác, bị chúng đánh biệt kích, đơn vị phân tán, chỉ còn cô với mấy thùng thuốc trị bệnh. Lúc đó cô nghĩ mình không thể trốn mà bỏ lại mấy thùng thuốc, địch lấy thì thuốc đâu chữa trị cho đồng đội. Sau khi đem vùi thùng thuốc xuống mé mương, cô mới tìm cách đến nơi an toàn, may mà chúng không phát hiện.
THƯƠNG BINH NẶNG GIÀU NGHỊ LỰC
Qua trò chuyện, tôi được biết, năm 1970, trong một trận địch càn, cô bị một mảnh kíp nổ văng vào mắt phải. Sau thời gian chữa trị, mắt cô bị mờ và cô vẫn tiếp tục tham gia cách mạng. Sau giải phóng, cô làm việc ở Phòng Lương thực TP. Mỹ Tho, do phải tiếp xúc nhiều với bụi cám, nên mắt phải của cô bị nhiễm trùng, giờ hoàn toàn không thấy gì.
Trong chiến tranh, cô chịu nhiều đau thương, mất mát, lập nhiều chiến công. Hòa bình, cô cũng như bao phụ nữ khác, vất vả sớm khuya lo cho chồng, cho con. Với bản lĩnh của một người chiến sĩ cách mạng, cô Loan tiếp tục “chiến đấu” với gian khó sau khi nghỉ việc ở Phòng Lương thực: Nuôi heo, buôn bán nhỏ lẻ, trồng khóm… để kinh tế gia đình ổn định như hôm nay và 4 người con đều được ăn học thành tài…
Cô Loan tâm sự, cô may mắn hơn một số đồng đội đã ngã xuống để đất nước có được hòa bình. Nay đã ngoài 70 tuổi, cô vẫn thường xuyên chạy xe máy vào xã Phước Lập, huyện Tân Phước để canh tác 3 ha khóm. Cô bảo: “Còn sức khỏe thì còn làm. Nhờ trồng khóm và mua bán tại nhà mà cô và chồng cô (cán bộ công an về hưu) tự lo được cuộc sống, không phải nhờ vả con, cháu chuyện tiền nong…”.
LÊ PHƯƠNG