.

TP. Mỹ Tho trong ngày vui đại thắng

Cập nhật: 09:23, 30/04/2022 (GMT+7)

Phát huy thắng lợi trong Chiến dịch Đông Xuân 1975, phối hợp với chiến trường chung, quân và dân TP. Mỹ Tho đã kiên cường chiến đấu, góp phần  giải phóng quê hương. Tháng 4-1975, tin vui thắng trận từ các chiến trường báo về đã làm nức lòng người dân thành phố, địch hoang mang cực độ, nhưng với bản chất ngoan cố, chúng  vẫn “cố sống, cố chết” giữ Nam bộ. Tỉnh Mỹ Tho và TP. Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang) - chiến trường trọng điểm có nhiệm vụ chặn đánh địch không cho chúng từ miền Đông và Sài Gòn rút về co cụm; đồng thời cầm chân địch không cho chúng từ đồng bằng lên chi viện cho Sài Gòn...

GIẢI PHÓNG TP. MỸ THO

Lực lượng địch ở tỉnh Mỹ Tho lúc này có trên 8.000 tên, gồm đủ các sắc lính. Cuối tháng 4-1975, địch tập trung gần 2 sư đoàn, gồm sư đoàn 7 và sư đoàn 9 ngụy, bố trí lực lượng ở khắp các vị trí quan trọng với quyết tâm tử thủ TP. Mỹ Tho. Để giảm bớt tổn thất xương máu không cần thiết trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh, ta tổ chức các lực lượng chính trị, binh vận tích cực vận động binh lính, sĩ quan ngụy bỏ ngũ, trở về nhà; đồng thời, tung tin hù dọa khiến chúng rối loạn, gây mâu thuẫn giữa binh lính và chỉ huy…

Trưa ngày 30-4-1975, Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, lực lượng chủ lực và bảo an địch hoang mang cực độ, một số bỏ súng chạy trốn, phòng vệ dân sự tan rã, chính quyền địch ở tỉnh Mỹ Tho và TP. Mỹ Tho hoang mang, dao động. Trước thời cơ thuận lợi trên, mặc dù quân chủ lực khu và tỉnh chưa kịp về phối hợp, nhưng các lực lượng nội thành, đặc biệt là lực lượng Thành đoàn đã phát động quần chúng nổi dậy làm chủ.

Lực lượng chủ công của Thành đoàn đã nhanh chóng chiếm Trường Nguyễn Đình Chiểu; sau đó triển khai chiếm sở học chánh, ngân hàng, bệnh viện, các công sở ở khu vực phường 1... 16 giờ 30 phút, khám đường Mỹ Tho được giải phóng, thanh niên phường 5 nổi dậy làm chủ khu vực ấp Chiến Thắng, từ cầu Đạo Ngạn đến bến xe.

Tiếp theo, các cơ sở nội thành phát động quần chúng nổi dậy tiếp thu các công sở, xí nghiệp, trụ sở... Binh lính địch tự tan rã hàng loạt. Binh lính trong các phân, chi khu Trung An, Đạo Thạnh, Mỹ Phong và các đồn, bót địch lần lượt đầu hàng. Các tiểu đoàn bảo an 513, 516 và đại đội 402 của chúng cũng tự tan rã. Đến 19 giờ ngày 30-4-1975 ta đã làm chủ hầu hết TP. Mỹ Tho.

Nhân dân TP. Mỹ Tho Mít tinh mừng giải phóng thành phố.
Nhân dân TP. Mỹ Tho Mít tinh mừng giải phóng thành phố.

Phát huy khí thế tiến công, áp đảo địch; đồng thời, nhằm tránh gây thương vong về người và của cho cả 2 bên, Thành ủy Mỹ Tho giao nhiệm vụ cho Đội Biệt động Thành đoàn dùng loa phát thanh kêu gọi địch buông súng đầu hàng.

Tại phường 5, lực lượng Thành đoàn và các đảng viên trong Chi bộ phường 5 đã chặn một đoàn xe M.113 từ hướng Trung Lương kéo đến đậu từ cầu Bạch Nha đến cầu Đạo Ngạn và phát loa kêu gọi binh lính địch đầu hàng; đồng thời, phát động quần chúng nổi dậy đấu tranh, tất cả binh lính địch bỏ súng dầu hàng.

Cùng lúc đó, lực lượng chủ lực của khu, tỉnh đã nhanh chóng hành quân cấp tốc bằng mọi phương tiện vô tiếp thu và kêu gọi binh lính địch buông súng. Tại căn cứ Hùng Vương, lực lượng cánh Tây và phường 6 đã chiếm xe M.113, tiến vào chiếm các căn cứ pháo binh của địch.

Suốt đêm 30-4, các lực lượng vũ trang kết hợp cùng quần chúng nổi dậy tiếp tục chiếm các mục tiêu còn lại. Với khí thế tiến công như vũ bão của lực lượng vũ trang cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong thành phố, buộc địch phải lần lượt buông súng đầu hàng.

Riêng quân lính hải quân của địch đóng tại trại Chương Dương vẫn ngoan cố neo tàu ngoài sông, dùng súng bắn vào lực lượng Thành đoàn đang phát loa kêu gọi chúng đầu hàng, làm đồng chí Ba Trầm hy sinh. Đến khoảng 23 giờ ngày 30-4, lực lượng ta làm chủ hoàn toàn thành phố.

Trong cuộc chiến đấu giải phóng TP. Mỹ Tho, các lực lượng vũ trang phối hợp cùng nhân dân đã tích cực, chủ động bao vây, tấn công địch, dùng ba mũi giáp công chính trị, quân sự, binh vận làm tan rã và kêu gọi đầu hàng hàng chục ngàn tên địch. Về phía ta, hy sinh 5 đồng chí.

Đó là một kỳ tích trong lịch sử đấu tranh, thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình, linh hoạt của Đảng bộ TP. Mỹ Tho trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng thành phố, góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân ngày 30-4-1975.

XÂY DỰNG DỰ THẢO CHƯƠNG TRÌNH 5 ĐIỂM

6 giờ ngày 1-5-1975, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Mỹ Tho tổ chức cuộc họp, có 6 đồng chí dự, vắng 1 đồng chí do đang ở chiến trường trọng điểm của Khu ủy ở TP. Mỹ Tho; điểm họp tại nhà ông Ba Vui ở gò Bù Lu, ấp Mỹ Đinh A, xã Nhị Mỹ, huyện Cai Lậy Bắc (nay là huyện Cai Lậy).

Trong cuộc họp, ai cũng trăn trở: “Chúng ta phải làm gì để ghi vào trang đầu của tập sử mới?”. Để giải đáp vấn đề đặt ra, trong khi cấp trên chưa có chủ trương mới, chúng tôi nghĩ đến lời Hồ Chủ tịch dạy: “Người đảng viên cộng sản thắng không kiêu”, tức không được nghỉ ngơi, mà phải bắt tay ngay vào việc khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng quê hương, đất nước. Họp bàn đến khoảng 1 giờ sau mới nghĩ ra được dự thảo Chương trình công tác 5 điểm trước mắt của những ngày đầu mới giải phóng:

Một là, động viên quân và dân trong tỉnh tiếp tục truy kích tàn quân của địch còn lẩn trốn; đồng thời, giữ gìn trật tự an ninh… để nhân dân an tâm tham gia nhiệm vụ mới, xây dựng lại quê hương.
Hai là, tập trung động viên nông dân phấn khởi đẩy mạnh sản xuất lúa hè thu kịp thời tiết đang thuận lợi; đồng thời, kiểm tra cứu đói cho những gia đình đang bị đói.

Ba là, khẩn trương phân loại đối tượng ngụy quân, ngụy quyền, động viên họ hãy đi học tập cải tạo tập trung; số đối tượng còn lại cho gia đình bảo lãnh được sự giúp đỡ của cộng đồng khu dân cư hỗ trợ cải tạo tại chỗ.

Bốn là, tập trung lực lượng chuyên môn gỡ chông, mìn, phá đồn, bót và ấp chiến lược của địch, phá rào chiến đấu của ta, kêu gọi dân trở về ở chỗ cũ, nhưng phải hết sức cẩn thận, để tránh thiệt hại cho nhân dân.

Năm là, tập trung lực lượng chuẩn bị tổ chức họp mặt gia đình có công trong kháng chiến, thăm hỏi, có lời biết ơn; đồng thời, hướng dẫn gia đình làm thủ tục gửi cơ quan chức năng xét công nhận… (Trích Hồi ký “Dấu ấn cuộc đời” của cố Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Công Bình).

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.