Xã Trung Hòa: Phát huy truyền thống Anh hùng, phấn đấu đạt nông thôn mới kiểu mẫu
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, người dân xã Trung Hòa, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã lập nên nhiều chiến công. Từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975) đến nay, phát huy truyền thống Anh hùng trong kháng chiến, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Trung hòa đã làm “cuộc cách mạng” đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu, xây dựng thành công xã nông thôn mới (NTM) nâng cao và đang nỗ lực phấn đấu đạt các tiêu chí xã NTM kiểu mẫu.
TRUYỀN THỐNG ANH HÙNG
Xã Trung Hòa nằm cuối về hướng Bắc của khu trung tâm huyện Chợ Gạo. Trước năm 1930, nơi đây dân cư thưa thớt, là vùng trũng, hoang vu, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Đến năm 1938, đồng chí Bùi Văn Khánh, là đảng viên của xã Mỹ Tịnh An, được phân công qua xã Trung Hòa xây dựng chi bộ đầu tiên để lãnh đạo quần chúng trong xã.
Xã Trung Hòa nhận Bằng công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao và Bảng tượng trưng tặng công trình phúc lợi của UBND tỉnh. |
Căn cứ thường trực của chi bộ và các đoàn thể quần chúng được xây dựng ở khu “đám lá tối trời” ấp Trung Thạnh - cái nôi phong trào cách mạng của xã. Năm 1940, chuẩn bị cho Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, chi bộ đã lãnh đạo quần chúng trong xã và phối hợp với Chi bộ xã Mỹ Tịnh An và xã Tân Bình Thạnh tổ chức diễn tập nổi dậy.
Cuối tháng 10-1940, một cuộc biểu tình trên trục lộ 22, có hàng ngàn người trong khu vực tham gia. Chi bộ còn phát truyền đơn đả đảo bọn địa chủ, cường hào ác bá dựa vào chính quyền tay sai của Pháp; kêu gọi nhân dân ủng hộ kháng chiến, nổi dây đánh trống mõ và 2 lần phá cầu Bà Lý, cầu Ông Tường. Từ giữa năm 1943, mặc dù địch khủng bố gắt gao, nhưng các tổ chức công khai hợp pháp trong xã đã được Quận ủy Chợ Gạo hỗ trợ trong việc củng cố, gầy dựng lại, hoạt động mạnh mẽ là lực lượng Thanh niên Tiền phong để bảo vệ xóm làng.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ cuối năm 1959 đầu năm 1960, chi bộ đã lãnh đạo quần chúng nhân dân trong xã đồng loạt nổi dậy đồng khởi, phối hợp với lực lượng nội tuyến trong lòng địch tổ chức đánh địch, giữ vững hành lang từ Gò Công lên. Năm 1972, sau khi diệt được tề, trừng trị những tên gián điệp tại chỗ đã hạn chế hoạt động của địch, lực lượng vũ trang của xã phát triển mạnh, đánh nhiều trận, diệt trung đội, đại đội địch, khiến chúng hoang mang, dao động.
Một chặng đường dài chiến đấu gian khổ, hy sinh dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, xã Trung Hòa đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” vào ngày 6-11-1978.
PHẤN ĐẤU SỚM XÂY DỰNG THÀNH CÔNG XÃ NTM KIỂU MẪU
Phát huy truyền thống Anh hùng trong kháng chiến, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Trung Hòa phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng xã NTM nâng cao, ra mắt vào cuối năm 2021.
Mỗi lần trở lại xã Trung Hòa, chúng tôi dễ dàng cảm nhận có nhiều đổi thay về cảnh quan, môi trường ngày càng xanh - sạch - đẹp và đời sống của bà con không ngừng được cải thiện. Để có được thành quả này là cả quá trình nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ, với quan điểm xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, nên ngay sau khi về đích xã NTM vào năm 2017, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã tập trung xây dựng xã NTM nâng cao, tạo bước phát triển mới về chất. Việc hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao đã tạo nên diện mạo mới cho xã Trung Hòa.
Chủ tịch UBND xã Lê Văn Chính cho biết, do làm tốt công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa mà Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM mang lại, nên cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã đã tự giác, tích cực hưởng ứng, góp sức xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.
Trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô tập trung, đảm bảo an toàn thực phẩm, phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc thù trên cơ sở khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, khí hậu, lao động, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất của nhân dân và phát huy công năng sử dụng các công trình văn hóa, thể thao trong xã…, nên đến cuối năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của xã đã nâng lên 61,86 triệu đồng/năm, tăng 23,36 triệu đồng so với năm 2017 và tăng 34,36 triệu đồng so với trước khi triển khai xây dựng NTM; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,28%; tỷ lệ nhà ở đạt chuẩn chiếm 91,83%; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 90,64%; hằng năm cả 5/5 ấp đều giữ vững danh hiệu ấp văn hóa, hộ gia đình văn hóa chiếm 95%...
Bà Nguyễn Thị Thu, ngụ ấp Trung Hòa phấn khởi: “Có được thành quả như hôm nay, tôi và bà con trong xã vô cùng phấn khởi, đang tiếp tục nỗ lực phấn đấu đạt các tiêu chí xã NTM kiểu mẫu trong tương lai gần…”.
LÊ PHƯƠNG