.

Cử tri đặc biệt quan tâm đến vấn đề dạy và học môn Lịch sử

Cập nhật: 09:02, 14/05/2022 (GMT+7)

Nhiều ý kiến cử tri đặc biệt quan tâm đến vấn đề dạy và học môn Lịch sử và đề nghị Đảng, Chính phủ chỉ đạo vẫn duy trì môn học Lịch sử học bắt buộc ở tất cả các cấp học, đồng thời phải đổi mới phương pháp dạy học để học sinh dễ học, dễ nhớ.

a
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư làm rõ thêm về việc dạy học môn Lịch sử tại buổi tiếp xúc cử tri Đà Nẵng, chiều 13/5.

Ngày 13/5, tại các buổi tiếp xúc cử tri chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV tại TP Đà Nẵng, nhiều cử tri bày tỏ lo ngại về việc nắm bắt kiến thức lịch sử của học sinh trong bối cảnh có thông tin đưa môn Lịch sử vào chương trình tự chọn.

Cử tri Nguyễn Đình Hùng (trú xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) chia sẻ, là giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục gần 40 năm trong nghề, bản thân ông rất lo lắng trước thông tin đưa môn Lịch sử vào chương trình tự chọn khi hiện nay vẫn có rất nhiều em học sinh ngô nghê, hiểu biết mơ hồ về lịch sử dân tộc.

Ông Hùng dẫn câu chuyện khi được yêu cầu phân tích về nội dung, ý nghĩa của “Hịch tướng sĩ”, có học sinh viết thành bài dài trên 2 tập giấy thi mô tả chi tiết thân thế và sự nghiệp của "ông" Hịch Tướng Sĩ. Học sinh này mô tả ông này có ngày sinh tháng đẻ rõ ràng, đã tham gia khởi nghĩa chống Pháp và chống Mỹ, khi chết an táng tại nghĩa trang Gò Cà (huyện Hòa Vang) và được bà con cúng lễ hằng năm! Hay có học sinh viết rằng khi nghe lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, 2 chị em Trưng Trắc-Trưng Nhị đứng lên cầm cờ khởi nghĩa, nhưng chiến cuộc không thành, hai bà đã nhảy xuống sông Hàn tự tử!?

Cử tri Hùng kiến nghị Quốc hội quan tâm, không nên ủng hộ quan điểm lấy môn Lịch sử là môn tự chọn đối với học sinh trung học phổ thông. Lấy môn Ngữ Văn, Toán và Lịch sử là môn bắt buộc, chứ không thể coi môn Lịch sử là môn tự chọn.

Theo ông Hùng, môn học này nên là môn học truyền thống, làm bản lề, nền tảng để học sinh hình thành nhân cách, nhân sinh quan, hình thành lòng yêu nước và ý thức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. “Đổi mới căn bản sự nghiệp giáo dục là đúng, nhưng việc môn Lịch sử sẽ tự chọn thì không được, thay vào đó chúng ta đổi cách dạy, cách học để thu hút các em yêu thích hơn”, cử tri này nói thêm.

Cử tri Phạm Đức Chỉu, trú tổ 37, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, nêu đề nghị Đảng, Chính phủ chỉ đạo vẫn duy trì môn học lịch sử học bắt buộc ở tất cả các cấp học và đổi mới phương pháp dạy học để học sinh dễ học, dễ nhớ. “Vừa qua có thông tin từ năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa môn học Lịch sử là môn thi tự chọn đối với học sinh trung học phổ thông tôi nghĩ rằng điều này chưa hợp lý”, cử tri Phạm Đức Chỉu chia sẻ.

Lịch sử là hồn cốt là cội nguồn dân tộc, lịch sử còn, văn hóa còn, lịch sử mất văn hóa mất, văn hóa mất, dân tộc mất. Học lịch sử để giúp thế hệ trẻ tìm hiểu quá khứ, tìm về cội nguồn của dân tộc, của nhân loại, đồng thời đúc rút thành công và thất bại của quá khứ phục vụ hiện tại và xây dựng cuộc sống mới trong tương lai. Bác Hồ đã dạy: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

Môn Lịch sử không chỉ là môn kiến thức thông thường mà còn giúp cho người học dung dưỡng tình cảm, nâng cao ý thức đối với đất nước đối với dân tộc. Đưa môn Lịch sử vào môn tự chọn khác nào nói với học sinh thích thì học, không thích cũng chẳng sao, điều này là không thể chấp nhận được. Do vậy, cần phải bắt buộc học và thi môn Lịch sử đối với các cấp và cần phải nghiên cứu đổi mới phương pháp dạy, học để học sinh dễ học dễ nhớ.

a
Cử tri Nguyễn Đình Hùng (trú xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) băn khoăn về việc bỏ môn Lịch sử.

Đây là ba vấn đề lớn cử tri Đà Nẵng quan tâm, trao đổi làm rõ thêm vấn đề về môn Lịch sử, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, cho biết, gần đây dư luận xã hội quan tâm và băn khoăn về môn học Lịch sử.

Đồng chí Võ Văn Thưởng cho biết đã đề nghị các cán bộ trong Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Quốc hội hệ thống lại số tiết, thời gian, học sử theo chương trình mới với chương trình cũ nó chênh lệch như thế nào. Theo đó, tài liệu nghiên cứu chỉ ra nếu học sinh theo hướng không chọn Lịch sử là môn bắt buộc ở chương trình THPT thì số tiết dạy môn này vẫn nhiều hơn 71 tiết so với chương trình cũ. Còn với việc tự chọn môn Lịch sử thì số tiết học nhiều hơn 176 tiết. Hơn nữa, chương trình giáo dục mới còn có những môn học khác như Quốc phòng an ninh, bảo vệ Tổ quốc và môn học về địa phương cũng liên quan nhiều tới lịch sử.

a
Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng tiếp xúc cử tri chiều 13/5.

Theo đồng chí Võ Văn Thưởng, việc giáo dục THPT ở các nước đã được phân luồng và định hướng nghề nghiệp rất sâu. Do đó, ở cấp học THCS phải giải quyết cơ bản nội dung môn học Lịch sử.

“Gia đình sẽ như thế nào nếu con cháu ta không biết tổ tiên là ai, làm gì, ở đâu. Quốc gia sẽ thật là đau khổ khi một công dân không biết lịch sử của dân tộc, đất nước mình. Những bài học trong lịch sử trải qua luôn là kinh nghiệm quý để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống hiện tại. Sự quan tâm, lo lắng của cử tri là chính đáng”, đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ.

“Dù cho cấp THPT có bắt buộc môn này hay không thì nội dung giáo dục lịch sử cũng tương đối nhiều. Vấn đề ở đây là cách diễn đạt gây hiểu lầm rằng sẽ bỏ môn Lịch sử ở cấp THPT khiến người dân lo lắng. Tôi thấy, có một cách nói, cách diễn đạt là bỏ môn Lịch sử ra ngoài môn học bắt buộc, hay môn học Lịch sử không còn là môn học bắt buộc thì tôi nghe cũng không đồng tình.

Ở đây không chỉ cử tri bức xúc đâu, nhiều lãnh đạo cấp cao cũng quan tâm về chuyện này. Tôi cũng có chỉ đạo Ban Tuyên giáo nghiên cứu rà soát cùng Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Quốc hội nghiên cứu đánh giá lại cho thật kỹ, công bố những cái số liệu để nhân dân cả nước biết. Trung ương cũng đang chỉ đạo để rà soát, xem xét làm rõ lại”, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khẳng định.

(Theo nhandan.vn)

 

.
.
.