Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang thảo luận, cho ý kiến vào 2 dự án luật
(ABO) Chiều 31-5, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp 3, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tổ về Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Đóng góp ý kiến vào Dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thống nhất cao sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Góp thêm một số ý kiến cho dự án luật này, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho rằng, bạo lực gia đình (BLGĐ) ngày càng diễn biến phức tạp trên thế giới trong đó có Việt Nam với nhiều hình thức đa dạng, tinh vi, có khoảng 85% người bị bạo lực là phụ nữ và trẻ em. Đại biểu đề nghị dự án luật cần quan tâm đến các đối tượng bị BLGĐ.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận tổ. |
Cụ thể, đối tượng trẻ em là nạn nhân trực tiếp từ gia đình, trong trường hợp cha mẹ bạo hành với con cái, cũng là nạn nhân gián tiếp khi xảy ra trường hợp bạo lực giữa vợ và chồng sẽ ảnh hưởng lâu dài đến các em. Bên cạnh đó, người già, người cao tuổi, người khuyết tật trong gia đình cũng là đối tượng bị bạo hành ngày càng gia tăng, nhất là những trường hợp bị bạo hành ngay trong chính gia đình người thân của mình.
Ngoài ra, những nhóm đối tượng là người đồng tính, song tính, chuyển giới cũng cần quan tâm. Bởi thực tế, ngay trong chính gia đình của mình, con em bị gia đình kỳ thị đối xử. Vì vậy, đề nghị Dự án Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi) cần bao quát hơn các đối tượng, quy định cụ thể hơn để dù họ là ai, mang giới tính gì thì đều thấy mình được bảo vệ trong dự án luật, tránh trường hợp nhiều người hiểu nhầm rằng dự án luật này chỉ bảo vệ cho một đối tượng là phụ nữ.
Ở khoản 2, điều 11 của dự thảo luật quy định người bị BLGĐ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ trung thực thông tin liên quan đến các vụ việc BLGĐ cho các cơ quan, tổ chức người có thẩm quyền. Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho rằng, quy định này chưa phù hợp. Bởi trên thực tế có nhiều vụ BLGĐ không do nạn nhân thông tin, tố cáo đến cơ quan chức năng mà do những người xung quanh phát hiện và tố cáo, vì nhiều lý do về văn hóa, tâm lý e ngại, đặc biệt việc tố cáo người thân trong gia đình có thể là người vợ, người chồng hay chính đứa con của mình là vấn đề không phải ai cũng dám nói ra.
Ngoài ra, đối với những đối tượng thành viên trong gia đình là người khuyết tật, người mất năng lực hành vi dân sự, người khó khăn trong nhận thức, trong làm chủ hành vi thì quy định trên càng không phù hợp và càng làm gia tăng gánh nặng về pháp lý cho người bị BLGĐ.
Thêm vào đó, theo thống kê của ngành chức năng hiện nay chỉ có 5% người bị BLGĐ nói ra và cần sự trợ giúp của tổ chức, cá nhân. Nếu dự thảo luật giữ quy định trên thì tỷ lệ người tố cáo hành vi bị BLGĐ sẽ ngày càng ít hơn. Vì vậy, đề nghị ban soạn thảo xem xét quy định chặt chẽ hơn, quy định cụ thể trong trường hợp nào thì người bị BLGĐ cung cấp thông tin đầy đủ cho cơ quan chức năng…
Liên quan đến quy định các cơ sở trợ giúp phòng, chống BLGĐ, Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho rằng, đối với cơ sở trợ giúp là Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, theo luật hiện hành thì địa chỉ này do cá nhân tổ chức có đủ năng lực, uy tín và tự nguyện thành lập để giúp những nạn nhân bị BLGĐ chỗ ở tạm lánh trong trường hợp khẩn cấp. Điều này đã góp phần xã hội hóa thu hút sự tham gia của mọi người vào công tác phòng, chống BLGĐ.
Đến nay, có khoảng 50.000 Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng nhưng hiệu quả chưa cao. Để hỗ trợ được nạn nhân thì sự tự nguyện là chưa đủ mà đòi hỏi phải có kỹ năng để làm việc với một đối tượng đặc thù có nhiều tổn thương. Do vậy, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm đề nghị để Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng thực sự hiệu quả khả thi cần phải thay đổi cách tiếp cận đối với các địa chỉ này.
Bên cạnh sự tự nguyện của cá nhân, tổ chức thì cần phát huy vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề phòng, chống BLGĐ ở địa phương; phải có sự điều phối quan tâm của chính quyền địa phương từ việc thành lập đến bố trí kinh phí, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho những người làm ở Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, từ đó mới có thể nâng chất lượng của các địa chỉ này trong thời gian tới.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai, ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang phát biểu tại buổi thảo luận tổ. |
Liên quan đến quy định về lệnh cấm tiếp xúc, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho biết, qua nghiên cứu khảo sát ở nhiều địa phương cho thấy hiện nay vẫn chưa phát huy hiệu quả. Bên cạnh các lý do đặc thù văn hóa, diễn biến tâm lý của người gây bạo lực cũng như người bị BLGĐ thì còn có rào cản rất lớn liên quan đến việc ban hành lệnh cấm tiếp xúc. Đó là theo luật hiện hành thì phải có đơn yêu cầu và có sự đồng ý của người bị BLGĐ để ban hành lệnh cấm tiếp xúc cũng như bãi bỏ lệnh này.
Tuy nhiên, thực tế phụ nữ thậm chí là nam giới khi nói đến những thành viên trong gia đình mình bị bạo lực, để cơ quan liên quan ban hành lệnh cấm tiếp xúc chồng mình, con mình thì rất khó thực hiện. Nếu xác định nạn nhân bị LBGĐ là trung tâm để bảo vệ thì nên bỏ quy định phải có đơn yêu cầu và có sự đồng ý của người bị BLGĐ, mà có thể thu thập căn cứ trên những bằng chứng khác, không nên trao thêm trách nhiệm đối với nạn nhân bị BLGĐ trong hoàn cảnh tâm lý đang rất khủng hoảng, thì rất khó để ra những quyết định như thế.
Ngoài ra, quy định đối với quyền được lựa chọn chỗ ở cho mình, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho rằng, có đến 80% người bị BLGĐ là phụ nữ khi ra đi đều mang theo con nhỏ. Do vậy, dành quyền cho nạn nhân bị BLGĐ quyết định chỗ ở là một điều rất nhân văn. Tuy nhiên, luật còn quy định chung chung, làm thế nào quy định này đi vào thực tế thì đòi hỏi luật quy định cụ thể hơn nữa.
Các đại biểu cũng đã thảo luận, tập trung cho ý kiến vào nhiều nội dung để hoàn thiện dự thảo Luật như: Đề nghị Luật quy định rõ thêm quy trình khám, chữa bệnh đối với các nạn nhân bị BLGĐ; phát huy vai trò của công an trong xử lý các vụ BLGĐ; tìm giải pháp khả thi hơn đối với việc xử phạt hành chính trong hành vi BLGĐ; quy định về nguyên tắc và mục tiêu phòng, chống BLGĐ…
Quang cảnh buổi thảo luận tổ |
Ngoài ra, các đại biểu cũng đã cho ý kiến đối với Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đa số đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành luật nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, quan điểm của Đảng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân và thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Đồng thời cho rằng, để Luật này thực sự đi vào đời sống, các cấp chính quyền cơ sở cần tạo mọi điều kiện để người dân có thể phát huy tinh thần dân chủ ở mức cao nhất; cần bổ sung, cụ thể hóa cơ chế “dân thụ hưởng” tại mỗi loại hình thực hiện dân chủ ở cơ sở. Qua đó có cơ chế bảo vệ cũng như hình thức khuyến khích, động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân phát huy tốt tinh thần dân chủ, đóng góp nhiều ý kiến hay, mang tính xây dựng cho cơ sở một cách kịp thời. Không nên áp dụng các biện pháp xử phạt cứng nhắc sẽ không mang lại hiệu quả, bởi đây là dự án luật mang tính cộng đồng trách nhiệm cao…
MINH TRÍ - THU HOÀI