Thứ Ba, 24/05/2022, 08:18 (GMT+7)
.
Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ Trần Thanh Đức:

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, động lực phát triển đất nước

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, thể hiện tầm cao và chiều sâu về trình độ phát triển và sự trường tồn của một dân tộc. Văn hóa không chỉ là mục tiêu, mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trải qua hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn nhất quán và không ngừng bổ sung đường lối xây dựng nền văn hóa mới phù hợp với tiến trình phát triển của đất nước, đặc biệt là Chiến lược Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trên tinh thần đó, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ Trần Thanh Đức chia sẻ:

Đồng chí Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nhận Bằng Di sản “Nghệ thuật Đờn ca tài tử”năm 2014. Ảnh: NGỌC LỆ
Đồng chí Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nhận Bằng Di sản “Nghệ thuật Đờn ca tài tử”năm 2014. Ảnh: NGỌC LỆ

Việt Nam là một quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á, văn hóa Việt Nam là thành quả hàng ngàn năm lao động, sáng tạo, đấu tranh kiên cường trong quá trình dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc ta. Văn hóa Việt Nam đã có một cuộc hành trình với lịch sử dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm. Văn hóa Việt Nam là sự thống nhất trong đa dạng, gắn liền với các hằng số: Nông dân, nông nghiệp lúa nước và xóm làng; mang tính linh hoạt, mềm dẻo, rất biện chứng trong giữ gìn bản sắc và tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới; mang tính bao dung và hòa đồng rất cao. Nhờ vậy, văn hóa Việt Nam mang tính hiện đại và hòa nhập thế giới.

Bản sắc văn hóa Việt Nam là nền văn hóa mở, giàu tính nhân văn, tính cộng đồng; luôn lấy sứ mệnh của dân tộc làm sứ mệnh của mình; luôn lấy sự bao dung, hòa đồng làm cơ sở để xem xét những hiện tượng tự nhiên, xã hội và con người. Nền văn hóa Việt Nam được kết tinh bởi những giá trị của lòng yêu nước; tinh thần đoàn kết, gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - đất nước; giàu lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; cần cù, sáng tạo trong lao động; tinh tế trong ứng xử; giản dị trong lối sống.

* Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết quan điểm của Đảng ta về văn hóa?

* Tiến sĩ Trần Thanh Đức: Ý thức sâu sắc về sức mạnh văn hóa đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc thoát khỏi ách áp bức thống trị của thực dân Pháp xâm lược, ngay từ tháng 2-1943, Đảng ta đã ban hành “Đề cương văn hóa Việt Nam”.

Đây là bản Cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng ta, đặt nền tảng lý luận cho sự nghiệp xây dựng nền văn hóa kháng chiến, kiến quốc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và soi đường cho sự phát triển nền văn hóa Việt Nam trong suốt 8 thập kỷ qua.

Trong Đề cương này, Đảng ta đã khẳng định: “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa), ở đó người cộng sản phải hoạt động. Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa”.

Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc trong xây dựng con người, phát triển kinh tế - xã hội. (Ảnh: Tổ chức chương trình văn nghệ phục vụ du khách tại điểm du lịch Nhà cổ ông Kiệt (xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè).                                                       Ảnh: VÕ NGUYÊN PHÚ
Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc trong xây dựng con người, phát triển kinh tế - xã hội. (Ảnh: Tổ chức chương trình văn nghệ phục vụ du khách tại điểm du lịch Nhà cổ ông Kiệt (xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè). Ảnh: VÕ NGUYÊN PHÚ

Trên tinh thần đó, quan điểm của Đảng ta về văn hóa được thể hiện nhất quán như sau: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. 

Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. 

Xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế. Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.

* PV: Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực văn hóa, theo đồng chí, đó là những hạn chế, yếu kém gì?

* Tiến sĩ Trần Thanh Đức: Văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng coi trọng chức năng giải trí đơn thuần.

Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn phản ánh sinh động tầm vóc công cuộc đổi mới, có tác dụng tích cực đối với con người. Môi trường văn hóa, xã hội tiếp tục bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền còn lớn; đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn nhiều lúng túng, chậm trễ trong việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp nghiêm trọng về một số mặt văn hóa, đạo đức, lối sống, gây bức xúc xã hội.

Hệ thống thông tin đại chúng còn nhiều hạn chế; một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ và có biểu hiện thương mại hóa; quản lý mạng xã hội còn bất cập. Chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ văn hóa chưa đáp ứng nhu cầu phát triển văn hóa trong thời kỳ mới. Việc giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài chưa mạnh; tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại có mặt còn hạn chế.

* PV: Từ những hạn chế, yếu kém trên, chúng ta cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ nào để xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong thời gian tới, thưa đồng chí?

* Tiến sĩ Trần Thanh Đức: Trước hết, cần xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Theo đó, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách.

Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Quan tâm chăm lo công tác giáo dục, bồi dưỡng và bảo vệ trẻ em, thiếu niên, nhi đồng.

Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên. Thực hiện những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội.

Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam. Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại.

Có cơ chế, chính sách, giải pháp để xây dựng môi trường văn hóa thật sự trong sạch, lành mạnh, cải thiện điều kiện hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Khắc phục bệnh thành tích, bệnh hình thức, thực hiện các chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh.

Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ. Xây dựng mỗi trường học thật sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, đạo đức, phẩm chất, nhân cách, lối sống; giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ.

Xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn; đẩy lùi bệnh quan liêu, bè phái, mất đoàn kết, chủ nghĩa cơ hội và thực dụng. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, trọng chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Có kế hoạch, cơ chế và giải pháp xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc trong xây dựng con người, phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng nâng cao giá trị tư tưởng, nghệ thuật, đồng thời bảo đảm tự do, dân chủ trong sáng tạo văn học, nghệ thuật; khuyến khích những tìm tòi mới làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam; hạn chế các lệch lạc, các biểu hiện chạy theo thị hiếu tầm thường.

Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới. Gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau.

Chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đa dạng hóa các hình thức văn hóa đối ngoại. Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đồng thời chủ động nâng cao sức đề kháng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên đối với các văn hóa phẩm ngoại lai độc hại; từng bước đưa văn hóa Việt Nam đến với thế giới…

* PV: Bên cạnh những nhiệm vụ trên, chúng ta cần thực hiện các giải pháp gì để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam?

* Tiến sĩ Trần Thanh Đức: Tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về văn hóa; tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa. Đồng thời, tăng cường đầu tư, khai thác và phát huy tối đa các nguồn lực văn hóa đi đôi với đổi mới nội dung, phương thức quản lý, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm hiệu quả đầu tư cao trong lĩnh vực văn hóa.

Bên cạnh đó, cần đổi mới, hoàn thiện các thiết chế văn hóa từ Trung ương đến cơ sở, bảo đảm hiệu quả. Đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, nhất là cán bộ chủ chốt thực sự am hiểu về văn hóa, có phẩm chất, bản lĩnh, năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Rà soát toàn bộ hệ thống các trường đào tạo văn hóa, văn nghệ, đổi mới và hiện đại hóa quy trình, nội dung, phương thức đào tạo để trong 5 - 10 năm tới khắc phục về cơ bản sự thiếu hụt đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa…

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

NGUYÊN CHƯƠNG (thực hiện)

.
.
.