Thứ Tư, 04/05/2022, 16:02 (GMT+7)
.

Yêu cầu bức thiết về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai

Sáng 4-5, trong phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý thêm một số vấn đề có tính chất gợi mở liên quan đến nội dung của các báo cáo, đề án quan trọng sẽ được Ban Chấp hành Trung ương thảo luận, xem xét, quyết định tại hội nghị lần này.

Về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là tư liệu sản xuất cơ bản, là tài nguyên vô cùng quý giá, là nguồn sống của nhân dân và nguồn lực to lớn của đất nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian qua có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai. Vì vậy, việc tổng kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về đất đai lần này là một yêu cầu cần thiết nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, bảo đảm hài hòa các lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, tạo nguồn lực và động lực mới để phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

a
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, sáng 4-5, tại Hà Nội. Ảnh: VIẾT CHUNG

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chính sách, pháp luật về đất đai là một lĩnh vực rất rộng lớn, cơ bản, hết sức phức tạp, nhạy cảm, đặc biệt quan trọng, hệ trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững đất nước, hiện vẫn còn không ít ý kiến khác nhau. Khi thảo luận, đánh giá tình hình và nguyên nhân, chúng ta cần nắm vững phương pháp duy vật biện chứng, các quan điểm và nguyên tắc cơ bản đã được xác định trong Cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp của Nhà nước để phân tích một cách toàn diện, khách quan kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách, biện pháp nêu trong Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI và pháp luật về đất đai; chỉ rõ nội dung của Nghị quyết đã được thể chế hóa như thế nào? Những điểm gì thể chế hóa đúng, điểm gì chưa đúng?...

Đồng thời với việc khẳng định những chuyển biến tích cực và những kết quả nổi bật đã đạt được trong gần 10 năm qua, cũng cần thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân. Trong đó, cần tập trung làm rõ: Vì sao nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội? Vì sao ở nhiều nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; tệ nạn tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi, thậm chí gia tăng? Vì sao số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp? Vì sao thị trường bất động sản phát triển thiếu lành mạnh, chưa bền vững và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro?...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, việc cần làm rõ, đâu là nguyên nhân thuộc về quan điểm, chủ trương, chính sách nêu trong Nghị quyết và bất cập của Luật Đất đai năm 2013? Đâu là do các quy định dưới luật còn bất cập; có quá nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn? Đâu là do việc tổ chức thực hiện yếu kém của các cơ quan quản lý Nhà nước; do nhận thức chưa đầy đủ và ý thức chấp hành luật pháp chưa nghiêm?... Trên cơ sở đó, đề xuất các chủ trương, định hướng tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai; chú ý các vấn đề hiện đang vướng mắc hoặc gây bức xúc trong xã hội và những nội dung còn có ý kiến khác nhau.

a
Các đại biểu dự phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: VIẾT CHUNG

Về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đồng chí tham dự hội nghị tập trung nghiên cứu, thảo luận, tạo sự thống nhất cao về tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra, đáp ứng yêu cầu phát triển của thời kỳ mới - đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tiếp tục phát huy thật tốt những kết quả, thành tựu và bài học kinh nghiệm thành công đã đạt được; khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân được rút ra trong quá trình tổng kết.

Đó là: Nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, tổ chức sản xuất chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết trong sản xuất kinh doanh. Việc nghiên cứu, ứng dụng KH-CN, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa trở thành động lực chính để tạo đột phá phát triển. Nhiều loại giống cây trồng, giống vật nuôi, vật tư đầu vào còn phụ thuộc việc nhập khẩu. Thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn gặp nhiều khó khăn. Cơ giới hóa chưa đồng bộ, công nghiệp cơ khí, công nghiệp chế biến nông sản phát triển còn chậm. Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn chưa đạt yêu cầu. Lao động nông thôn có xu hướng già hóa, năng suất lao động còn thấp. Thu nhập của phần lớn nông dân chưa cao, chênh lệch với thành thị và giữa các vùng, miền còn lớn; tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn còn nhiều, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, nhiều nơi chưa chú trọng đúng mức tới phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho người dân; xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường; mức đạt tiêu chí nông thôn mới ở những vùng khó khăn còn thấp; nhiều vấn đề xã hội phát sinh, gây bức xúc trong nhân dân; ô nhiễm môi trường nông thôn gia tăng ở nhiều địa phương. Năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu còn yếu; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh chưa đáp ứng yêu cầu…

Về tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, qua tổng kết cho thấy, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX, khu vực kinh tế tập thể nước ta đã có những chuyển biến tích cực, quan trọng. Nhận thức trong hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã được nâng lên. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách được quan tâm xây dựng, phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Hợp tác xã đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi theo quy định của pháp luật. Số lượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập mới tăng đáng kể; nhiều hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và trình độ, hỗ trợ tốt hơn cho kinh tế thành viên, tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho người lao động…

Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể của nước ta đến nay vẫn chưa đạt mức phát triển như mục tiêu, yêu cầu đề ra. Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể còn gặp nhiều khó khăn. Tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng đóng góp vào GDP cả nước của khu vực kinh tế tập thể còn thấp và có xu hướng giảm dần. Hợp tác xã phát triển không đồng đều giữa các vùng, các miền; giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Hoạt động hợp tác xã chưa trở thành phong trào để thu hút xã viên, hội viên. Năng lực nội tại của hợp tác xã còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao. Phần lớn các tổ hợp tác, hợp tác xã có quy mô nhỏ, vốn ít, phạm vi hoạt động hẹp, lợi ích mang lại cho thành viên còn thấp; tính liên kết trong nội bộ hợp tác xã rất yếu; các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các hợp tác xã và giữa hợp tác xã với các tổ chức kinh tế khác chưa phổ biến…

Tổng Bí thư đề nghị, xuất phát từ thực tiễn, hội nghị thảo luận, đánh giá một cách khách quan, khoa học về những kết quả, thành tích đã đạt được; đồng thời phân tích sâu sắc những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân. Từ đó, bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thực tế đất nước, tập trung thảo luận làm rõ, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân về mục tiêu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và những nhiệm vụ, giải pháp lớn cần được quán triệt, triển khai thực hiện để kinh tế tập thể ngày càng phát triển mạnh hơn, đúng đắn và lành mạnh hơn, thực sự trở thành một thành phần kinh tế quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.