Thứ Tư, 22/06/2022, 21:53 (GMT+7)
.

Cử tri quan tâm đến nhiều vấn đề bức xúc của xã hội

(ABO) Ngày 22-6, tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang gồm các đại biểu: Nguyễn Minh Sơn, Tạ Minh Tâm, Nguyễn Thị Uyên Trang, Nguyễn Hoàng Mai, Nguyễn Văn Dương, Nguyễn Thanh Cầm, Nguyễn Kim Tuyến đến tiếp xúc cử tri các huyện Châu Thành, Gò Công Đông, Gò Công Tây, Cai Lậy và TP. Mỹ Tho.

ĐBQH lắng nghe và ghi nhận ý kiến cử tri
ĐBQH lắng nghe và ghi nhận ý kiến cử tri.

Tại các điểm tiếp xúc, sau khi nghe ĐBQH tỉnh báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, cử tri phản ánh, kiến nghị một số vấn đề còn bức xúc ở địa phương.

 KIẾN NGHỊ VỀ ĐẦU RA NÔNG SẢN

Tại các điểm tiếp xúc, cử tri các huyện Gò Công Tây, Châu Thành, Gò Công Đông và TP. Mỹ Tho cho biết, giá cả một số mặt hàng nông sản sụt giảm, đầu ra không ổn định, trong khi giá xăng, dầu, giá vật tư nông nghiệp không ngừng tăng cao nên nông dân gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì, tái sản xuất.

Cử tri phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc
Cử tri huyện Châu Thành phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc

Cử tri huyện Gò Công Tây và TP. Mỹ Tho cho rằng, hiện nay tỷ lệ người dân sống dựa vào nông nghiệp khá cao, nhưng sản phẩm bán ra giá bấp bênh. Sau đại dịch Covid-19, nhiều loại nông sản rớt giá, trong khi đó giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp khá cao đã ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập của nông dân. Cụ thể, các loại phân và thuốc tăng từ 30% đến 50% khiến cho nông dân gặp nhiều khó khăn và hầu như không có lời.

Cử tri đề nghị các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp có giải pháp bình ổn giá, ổn định thị trường; đồng thời, có biện pháp hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để người dân an tâm sản xuất nông nghiệp.

Lãnh đạo UBND huyện Gò Công Tây trả lời ý kiến cử tri
Lãnh đạo UBND huyện Gò Công Tây trả lời ý kiến cử tri.

Tại buổi tiếp xúc, lãnh đạo UBND huyện Gò Công Tây và lãnh đạo UBND TP. Mỹ Tho thông tin đến cử tri một số vấn đề liên quan công tác chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện các nghị quyết mà Huyện ủy, Thành ủy đã đề ra trong phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, có giải pháp mời gọi đầu tư, liên kết tìm đầu ra nông sản cho nông dân yên tâm sản xuất. Cấp trên cũng đã có nhiều chủ trương lớn đối với vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tuy nhiên đây là vấn đề lớn cần có thời gian để cụ thể hóa các chủ trương của cấp trên.

Lãnh đạo UBND TP. Mỹ Tho trả lời ý kiến cử tri
Lãnh đạo UBND TP. Mỹ Tho trả lời ý kiến cử tri.

Về vấn đề này, ĐBQH tỉnh cũng thông tin đến cử tri về các giải pháp giải bài toán đầu ra nông sản cũng như tình trạng “được mùa, rớt giá” lâu nay đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trả lời tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội. Trong đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã nêu cụ thể nhiều giải pháp mà các bộ, ngành Trung ương và địa phương sẽ thực hiện trong thời gian tới như: Tổ chức sản xuất, liên kết thị trường theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp, trong đó chú trọng phát huy vai trò của các hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị.

Cùng với đó là củng cố, tổ chức lại hệ thống cung ứng và phân phối sản phẩm nông nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử; nâng cao năng lực chế biến, bảo quản nông sản, tăng cường chế biến sâu; kết nối chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến và tiêu dùng thông qua cơ chế thích hợp; cần thiết phải có một tổ chức chịu trách nhiệm tổng hợp thông tin thị trường và phát đi chỉ báo cho nông dân sản xuất theo tín hiệu thị trường, đảm bảo sản xuất hàng hóa của nông dân không rơi vào tình trạng “được mùa, rớt giá”, nông sản hàng hóa thừa hay thiếu cục bộ ở từng địa phương…

CẦN XỬ LÝ QUYẾT LIỆT CÁN BỘ LÃNH ĐẠO THAM NHŨNG

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, cử tri TP. Mỹ Tho cho rằng, thời gian qua Đảng ta đã xử lý nhiều vụ tham nhũng lớn, không ít cán bộ cao cấp bị bắt giam. Tuy nhiên, mức xử phạt chưa đủ tính răn đe nên dù xử lý nhiều vụ tham nhũng nhưng tình trạng tham nhũng vẫn còn phổ biến, làm thất thoát ngân sách nhà nước rất lớn.

Cử tri kiến nghị Quốc hội cùng với Chính phủ có giải pháp quyết liệt, xử phạt phải đủ tính răn đe để mỗi người không dám tham nhũng.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai trả lời các ý kiến của cử tri
Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai trả lời các ý kiến của cử tri về vấn đề xử lý tham nhũng.

Trả lời cử tri tại buổi tiếp xúc, Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai cho biết: Vấn đề xử lý tham nhũng cử tri kiến nghị qua nhiều lần tiếp xúc, đã được ĐBQH thảo luận qua nhiều kỳ họp Quốc hội, các cơ quan Trung ương, nhất là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và từng bước xử lý cũng như phòng ngừa đối với tình trạng tham nhũng.

Quang cảnh buổi tiếp xúc
Quang cảnh buổi tiếp xúc.

Gần đây tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thực hiện các thủ tục theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, ban hành Nghị quyết bãi nhiệm tư cách ĐBQH; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long, vì đã có những sai phạm nghiêm trọng trong vụ án Công ty Việt Á. Việc xử lý đối với Bộ trưởng Bộ Y tế là bài học lớn cho cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương trong việc lựa chọn và đào tạo cán bộ quản lý.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai ghi nhận ý kiến của cử tri và sẽ trao đổi ở nhiều diễn đàn Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương để thực hiện tốt hơn công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.

NỖ LỰC KIỀM CHẾ VIỆC TĂNG GIÁ XĂNG, DẦU

Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri huyện Cai Lậy, Châu Thành, Gò Công Đông và TP. Mỹ Tho lo ngại về tình trạng giá xăng, dầu tăng đột biến làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân trong thời gian qua. Do đó, người dân mong muốn cần có giải pháp nhằm đưa giá xăng, dầu trở lại trạng thái bình ổn giá, để người dân tiết kiệm được chi phí, ổn định cuộc sống.

Cử tri phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc
Cử tri huyện Cai Lậy phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc.

Trả lời vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Tiền Giang, cho biết, các cuộc họp Quốc hội vừa qua, các đại biểu đã có nhiều trao đổi với các Bộ trưởng xoay quanh vấn đề này. Chính phủ cũng đã đưa ra rất nhiều giải pháp để bình ổn.

Tuy nhiên, hiện nay chỉ mới bình ổn giá ở một số mặt hàng nhất định và vẫn còn một số mặt hàng còn thuộc diện chưa bình ổn giá. Thực tế này đặt ra yêu cầu là phải xem xét và quản lý nhà nước một cách khoa học hơn để giảm tối thiểu trường hợp giá biến động. Về mặt hàng xăng, dầu, Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan đã đưa ra nhiều giải pháp để bình ổn giá, trong đó Bộ Công thương nhận định giá xăng, dầu các nước trong khu vực tăng so với trước khoảng hơn 4%, tuy nhiên trong nước ta giá đã được kiềm chế khoảng 3%, qua đó cho thấy được sự nỗ lực của Bộ Công thương trong việc kiềm chế việc tăng giá xăng, dầu.

Đại biểu Nguyễn Kim tuyến phát biểu tại buổi thảo luận tổ
Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến trả lời ý kiến cử tri.

Trong thời gian tới, Bộ Công thương và Bộ Tài chính sẽ tiếp tục điều hành giá xăng, dầu theo hướng bám sát diễn biến của giá thành sản phẩm xăng, dầu thế giới và tình hình kinh tế - xã hội trong nước, từ đó sử dụng linh hoạt Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu. Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để theo dõi diễn biến thị trường, kịp thời đề xuất những giải pháp đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa thiết yếu.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành sẽ phối hợp điều tiết giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng, dầu để bảo đảm kiềm chế được lạm phát và đạt được mục tiêu ngăn ngừa lạm phát mà Chính phủ đề ra.

Ngoài ra, công tác thông tin tuyên truyền sẽ được tăng cường để bảo đảm nguồn cung các hàng hóa thiết yếu để giúp cho người dân yên tâm và hiểu được Chính phủ cũng đang quyết tâm nỗ lực đảm bảo giá xăng, dầu, không để giá xăng, dầu vượt ngoài tầm kiểm soát. Cùng với đó, các bộ, ngành liên quan sẽ tăng cường các giải pháp để tránh trường hợp đầu cơ tích trữ và xử lý các trường hợp tích trữ lợi dụng giá chênh lệch để thu lợi.

THU HOÀI - TUẤN LÂM - LÊ MINH

.
.
.