Cần mở rộng đối tượng bạo lực gia đình đối với thành viên trong gia đình của những người đã ly hôn
(ABO) Đó là ý kiến của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang khi tranh luận về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau đối với Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận tại hội trường vào chiều ngày 14-6.
Tại phiên thảo luận, nhiều ĐBQH cho rằng, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 được Quốc hội khóa XII thông qua là một bước tiến quan trọng của Việt Nam trong tiến trình hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quyền con người, bảo vệ nạn nhân, góp phần thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm có ý kiến tranh luận tại hội trường. |
Sau gần 15 năm thi hành luật, tình hình kinh tế - xã hội hiện nay đã rất khác, bên cạnh nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội khiến cho người dân thụ hưởng một cuộc sống đầy đủ hơn về vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, gia đình và xã hội cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó có những vụ việc bạo lực gia đình diễn biến ngày một phức tạp, tinh vi; có vụ âm ỉ, kéo dài hàng thập kỷ, bào mòn nghiêm trọng tình cảm giữa các thành viên trong gia đình, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đe dọa các giá trị tốt đẹp của gia đình - những tế bào quan trọng của xã hội. Để đảm bảo các quy định phù hợp và bám sát tình hình thực tiễn của cuộc sống, việc sửa luật là rất cần thiết.
Đồng thời, ĐBQH cũng góp thêm nhiều ý kiến thảo luận liên quan đến các nhóm vấn đề, như: Cơ chế để đảm bảo thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Vấn đề về thực thi trách nhiệm cụ thể của các cơ quan thực hiện việc hỗ trợ đối với người bị bạo lực gia đình và việc xử lý vi phạm bạo lực gia đình. Công tác tuyên truyền pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình; vấn đề bạo lực trên cơ sở giới; phòng, chống bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình…
Liên quan đến quy định tại khoản 2, điều 4 quy định hành vi bạo lực gia đình được áp dụng đối với người đã ly hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) có ý kiến: Khái niệm gia đình theo khoản 2, điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của luật này.
Theo đó, người đã ly hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng không được xác định là thành viên trong gia đình. Như vậy, quy định tại khoản 2, điều 4 thực chất là mở rộng phạm vi áp dụng của hành vi bạo lực gia đình đối với đối tượng không phải là thành viên gia đình và không thống nhất với khái niệm bạo lực gia đình quy định tại khoản 1, điều 3 của dự thảo.
Vì vậy, đại biểu Trần Thị Thu Hằng cho rằng, phòng, chống bạo lực gia đình chỉ nên áp dụng trong phạm vi các quan hệ gia đình, không nên mở rộng đối với trường hợp người đã ly hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng trừ trường hợp được pháp luật công nhận hôn nhân thực tế như dự thảo luật. Nhất là đối với trường hợp người đã ly hôn thì không còn phát sinh quan hệ hôn nhân, cho nên nếu có hành vi bạo lực sẽ do pháp luật về lĩnh vực khác như hình sự, hành chính điều chỉnh.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông phát biểu ý kiến tại hội trường. |
Tranh luận với đại biểu Trần Thị Thu Hằng về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho rằng, cần mở rộng đối tượng bạo lực gia đình đối với thành viên trong gia đình của những người đã ly hôn. Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho biết, khoản 2, điều 4 của dự thảo Luật quy định: Hành vi bạo lực quy định tại khoản 1, điều này cũng được áp dụng đối với người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người đã từng có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho rằng, quy định như vậy là chưa đủ, chưa bao quát phản ánh hết các thực tế về bạo lực gia đình. Nêu thực tiễn về nhiều vụ việc đau lòng khi chính cha ruột, bố dượng, mẹ kế, người yêu của những người đã ly hôn gây ra cho con riêng của vợ, của chồng hoặc con, của người yêu, đại biểu cho rằng, cần phải điều chỉnh hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 điều 4 cũng được áp dụng đối với thành viên trong gia đình của những người đã ly hôn.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho rằng, quy định người sống với nhau như vợ chồng tại khoản 2, điều 4 cũng cần phải xem xét lại cho phù hợp với thực tế hiện nay tại Việt Nam. Theo đó, để đảm bảo công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đại biểu cho rằng khoản 2, điều 4 cần phải điều chỉnh lại là hành vi bạo lực quy định tại khoản 1, điều này còn được áp dụng đối với những người chung sống với nhau khi họ xác định có sự liên kết, gắn bó và trách nhiệm với nhau.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho rằng, cần phải có sự đột phá trong các giải pháp để có thể bảo vệ, hỗ trợ trẻ em một cách đặc thù, không chỉ đưa ra những quy định chung chung...
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu giải trình tại phiên thảo luận. |
Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cảm ơn các ý kiến phát biểu tâm huyết, phong phú, thực tiễn và khoa học của các ĐBQH cho dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là một luật khó, có phạm vi rộng, hàm chứa các vấn đề liên quan đến quyền con người được Hiến pháp quy định, có liên quan đến nhiều vấn đề đang được điều chỉnh bởi các luật khác về trẻ em, về người cao tuổi, về hôn nhân gia đình. Việc kế tục, phát huy được những quy định pháp luật sẵn có và thiết kế được những điều luật mới vừa đảm bảo hợp lý, thống nhất không phải việc đơn giản.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đồng thời đó là một cơ sở chính trị để cho đại biểu nghiên cứu, nhưng cũng còn các cơ sở pháp lý khác rất quan trọng quyền con người trong Hiến pháp năm 2013 và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Dự thảo Luật được xây dựng để phát huy truyền thống văn hóa của gia đình trên cơ sở thuần phong mỹ tục của người Việt Nam, không thể rập khuôn máy móc, sao chép các luật của quốc gia khác mà phải biết kế thừa, phát huy những giá trị này để phòng, chống, giữ được gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc.
Về những vấn đề chung, các đại biểu tiếp tục làm rõ hơn thực trạng về công tác phòng, chống bạo lực trong thời gian qua, nêu lên những mong muốn, tranh luận để làm rõ một số vấn đề mà các đại biểu đang còn có ý kiến khác nhau. Chính những mong muốn, những trăn trở này đang đòi hỏi độ khó cho cơ quan soạn thảo khi chúng ta cố gắng khu trú lại thành các điều luật trong bộ luật mà Quốc hội sắp tới đây trong kỳ họp tới sẽ phải xem xét để ban hành.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận phiên thảo luận. |
Các đại biểu cũng đề cập đến kỹ thuật lập pháp, yêu cầu làm rõ hơn về vấn đề giải thích từ ngữ, các khái niệm, các nội hàm, cơ quan soạn thảo đã cố gắng tìm kiếm các thuật ngữ về mặt pháp luật từ điển Việt Nam để rõ nghĩa nhất, ai cũng có thể đọc và hiểu được, đảm bảo thuận lợi khi áp dụng pháp luật.
Đối với nhóm vấn đề về hành vi bạo lực gia đình, Bộ trưởng cho biết, dự thảo Luật trình lần này đã phân loại ra 4 nhóm lĩnh vực về bạo lực gia đình. Tuy nhiên, trên cơ sở góp ý của các đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nhận diện và kiểm định đầy đủ các hành vi này.
Ngoài ra, Bộ trưởng cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội về vấn đề thực hiện hòa giải, quản lý nhà nước và trách nhiệm của các cơ quan, các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, nâng cao nhận thức và đẩy mạnh truyền thông… để hoàn thiện dự thảo Luật đạt chất lượng cao nhất.
MINH TRÍ - THU HOÀI