Thứ Hai, 06/06/2022, 21:36 (GMT+7)
.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang góp ý chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông

(ABO) Ngày 6-6, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang tiếp tục tham gia thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông gồm: Dự án Đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án Đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh; các Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1), Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1), Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).

* Góp ý các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc

Đối với các Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1), các ĐBQH nhất trí với sự cần thiết đầu tư 3 dự án này nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 10 năm 2021 - 2030 đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua. Đồng thời, việc đầu tư các tuyến cao tốc này sẽ thúc đẩy phát triển KT-XH của các vùng có tuyến cao tốc đi qua, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn, ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho rằng, các dự án này đều có tính cấp thiết thể hiện ở chỗ liên kết vùng tạo động lực phát triển, như đoạn Biên Hòa - Vũng Tàu đầu tư khoảng 56 km kết nối giữa tỉnh Đồng Nai và tỉnh Vũng Tàu tạo liên kết sẽ giải phóng một lượng hàng hóa của các khu công nghiệp từ Bình Dương, Đồng Nai xuống Vũng Tàu; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa tại Cảng Thị Vải đã quá tải gây ùn tắc trong những năm qua.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến tại hội trường
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ.

Tuy nhiên, các ĐBQH đề nghị cần đánh giá kỹ khả năng bố trí nguồn lực, đánh giá tác động của việc sử dụng vốn đầu tư công triển khai cùng lúc nhiều dự án hạ tầng đối với lạm phát, khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu...

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho rằng, hiện nay HĐND các tỉnh, thành có dự án đi qua đã có nghị quyết thực hiện Thông báo 984 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, HĐND các tỉnh cũng đã có cam kết gửi kèm theo hồ sơ mà Chính phủ trình Quốc hội là bố trí vốn tham gia cùng với ngân sách trung ương. Cùng với đó là đảm bảo tiến độ giải ngân theo từng năm và nếu ngân sách vốn có điều chỉnh tăng thì ngân sách của địa phương sẽ bố trí tăng. Tuy nhiên, vẫn còn một số nghị quyết của HĐND cấp tỉnh chưa thể hiện rõ những nội dung này. Vì vậy đề nghị trong nghị quyết của Quốc hội sắp tới đây phải yêu cầu HĐND tỉnh cam kết với Chính phủ và Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về các cam kết của mình đối với phần nhiệm vụ của địa phương trong việc triển khai các dự án này.

Đại biểu Nguyễn Kim tuyến phát biểu tại buổi thảo luận tổ
Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến phát biểu tại buổi thảo luận tổ.

Liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB) cho dự án, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến, ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho rằng, cần cơ chế quy định từ Trung ương để có sự phối hợp giữa các tỉnh có đường cao tốc đi qua. Chẳng hạn công tác GPMB thời gian qua mỗi tỉnh thực hiện một kiểu hay giá đền bù mỗi tỉnh cũng khác nhau mặc dù nằm trong cùng một dự án cao tốc khiến cho người dân các tỉnh giáp ranh thắc mắc.

Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến cho rằng, Trung ương nên quy định thực hiện công tác GPMB một lần và phải làm đồng bộ giữa các tỉnh có dự án đi qua. Vì vậy đề nghị Trung ương sớm có cơ chế cụ thể hướng dẫn cho các địa phương thực hiện vấn đề này.

Bên cạnh đó, liên quan đến phương án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1), đại biểu Nguyễn Văn Dương, ĐBQH tỉnh Tiền Giang còn băn khoăn đối với diện tích chiếm dụng 860 ha đất lúa. Đại biểu đề nghị phân tích rõ có quy hoạch để thay thế cho vùng đất lúa bị chiếm dụng này không, vì có ảnh hưởng đến an ninh lượng thực quốc gia.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cũng đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Văn Dương. Đồng thời, đại biểu cho biết: Qua thực tế triển khai các dự án thời gian qua cho thấy, tiến độ thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phụ thuộc vào sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền địa phương.

Vì vậy, với vai trò là Ủy ban Kinh tế (UBKT) thẩm tra các dự án này, chúng tôi đề nghị Chính phủ có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ để nâng cao công tác phối hợp giữa các cơ quan thực hiện và có chế tài gắn trách nhiệm đối với các cấp chính quyền địa phương để bảo đảm được tiến độ hoàn thành các dự án.

Đồng thời, Chính phủ cần quan tâm và ban hành chính sách hợp lý và đền bù thỏa đáng đối với người dân bị ảnh hưởng của các dự án, đặc biệt đối với khu vực giáp ranh giữa hai địa phương. Có ý kiến cho rằng Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cần thu hồi 860 ha đất trồng lúa, do đó cần báo cáo Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng Luật Đất đai không quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa đối với dự án đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, hơn nữa Chính phủ cũng đã đề xuất Quốc hội xem xét diện tích đất trồng lúa cần được chuyển đổi và để tránh phát sinh thủ tục kéo dài thời gian chuẩn bị dự án, đề nghị thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Văn Dương phát biểu ý kiến đối với dự án luật SHTT
Đại biểu Nguyễn Văn Dương phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ.

Liên quan đến việc sử dụng nguồn vốn đầu tư cho các dự án này, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến tiếp tục có ý kiến. Đại biểu cho rằng, trong một thời gian rất ngắn phải tập trung một nguồn lực rất lớn mà chủ yếu là tài chính của ngân sách. Tuy nhiên, Chính phủ chưa dự báo được là thời gian tới có thể gặp một số khó khăn như dịch bệnh hay những khó khăn phát sinh. Như vậy trong trường hợp huy động vốn khó khăn thì sẽ sử dụng nguồn lực nào, vì vậy đại biểu đề nghị cần xem xét thêm một nguồn huy động khác. Bởi vừa qua, một số dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) đối với một số dự án cao tốc, như ở tỉnh Tiền Giang có Dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Trước đây, dự án được phê duyệt là nguồn vốn PPP, tuy nhiên sau 9 năm triển khai thì dự án chưa hoàn thành được, do đó Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ ngân sách khoảng 2.186 tỷ đồng cho dự án này, đến nay dự án đã hoàn thành và từng bước đưa vào khai thác.

Như vậy ở đây, dự án được sử dụng 2 nguồn vốn gồm nguồn vốn đầu tư công và nguồn huy động từ khối tư nhân. Đại biểu đề nghị nên huy động vốn cho các dự án cao tốc tiếp theo bằng hình thức một phần là nguồn vốn đầu tư công và một phần là nguồn vốn huy động bên ngoài xã hội. Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến cho rằng nên có một điều khoản dự phòng bằng cách cơ cấu nguồn huy động hợp pháp khác từ nguồn lực khối tư nhân trong trường hợp chưa huy động được nguồn vốn đầu tư công đảm bảo tiến độ thì có thể huy động từ các nguồn lực khác như: Tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp…   

* Góp ý cho Dự án Đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, Dự án Đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh

Tại buổi thảo luận tổ, các ĐBQH tán thành với sự cần thiết đầu tư các Dự án Đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, Dự án Đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh. ĐBQH cho rằng đầu tư 2 dự án nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021 - 2030 đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua và phù hợp với Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28-7-2021 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó yêu cầu “khẩn trương chuẩn bị đầu tư, sớm khởi công và cơ bản hoàn thành các dự án đường vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh”.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến tại hội trường
ĐBQH phát biểu ý kiến thảo luận tổ.

Tuy nhiên, ĐBQH cũng góp thêm một số ý kiến đối với 2 dự án này. Cụ thể: Đối với Dự án Đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, Dự án Đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Chính phủ có đề xuất cho Chính phủ áp dụng thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường chỉ áp dụng trong 2 năm (2022 - 2023). Đại biểu Nguyễn Minh Sơn đề nghị sửa lại áp dụng 2 năm kể từ khi Nghị quyết có hiệu lực thi hành để đảm bảo tính khả thi, bởi hiện nay đã là tháng 6-2022, chúng ta đã mất hết 6 tháng đầu năm 2022, thời gian còn lại không nhiều.

Quang cảnh thảo luận tại tổ
Quang cảnh thảo luận tại tổ.

Bên cạnh đó, liên quan đến đề xuất của Chính phủ về nâng công suất, đánh giá tác động môi trường của các dự án này, cụ thể đối với UBND tỉnh được nâng công suất không quá 50%, thì không phải điều chỉnh dự án, đánh giá tác động môi trường, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho rằng, qua đi khảo sát thực tế làm việc với UBND TP. Hồ Chí Minh, nhất là các tỉnh, thành phía Nam liên quan đến đánh giá tác động môi trường cho thấy, tình trạng sạt lở bờ sống rất lớn vì vậy nên cần cân nhắc đề xuất này của Chính phủ. Nếu không có đánh giá tác động môi trường thì sẽ ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của người dân rất lớn bởi nền địa chất của các tỉnh phía Nam rất yếu.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phân tích: Thời gian qua việc khai thác quá mức, nhất là tình trạng khai thác cát lòng sông trái phép gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng ở nhiều tỉnh, thành phía Nam. Hằng năm, ngân sách nhà nước phải bỏ một lượng tiền rất lớn để gia cố đê bao, kè dòng sông bị sạt lở. Vì vậy, liên quan đến cơ chế này, đề nghị Chính phủ thực hiện theo đúng cơ chế của pháp luật.

MINH TRÍ - THU HOÀI

.
.
.