Thứ Năm, 02/06/2022, 20:41 (GMT+7)
.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang góp ý kiến cho công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ABO) Chiều 2-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2020; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2021. Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Tiền Giang tiếp tục tham gia góp ý thảo luận vấn đề này.

Phát biểu thảo luận tại hội trường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn, ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Tài chính - Ngân sách (UBTC&NS) về những kết quả đạt được cũng như hạn chế, vướng mắc trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Đồng thời cho biết, hiện nay, nội dung THTK, CLP cũng là chủ đề giám sát tối cao của Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội đã có nhiều hoạt động để triển khai kế hoạch giám sát, dự kiến báo cáo Quốc hội về kết quả giám sát tại Kỳ họp thứ 4. Việc đánh giá hằng năm đối với công tác THTK, CLP ngoài ý nghĩa giám sát thường xuyên, cũng sẽ đóng góp khá hiệu quả cho nội dung giám sát tối cao của Quốc hội.

* Cần đánh giá, nhận định kỹ hơn về THTK, CLP trong vụ kit test Việt Á

Cho ý kiến về tình hình THTK, CLP năm 2021, đại biểu Nguyễn Minh Sơn đề nghị cần đánh giá, nhận định kỹ hơn về THTK, CLP trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Việc để xảy ra tình trạng kit test Covid-19 không đạt chuẩn lưu hành và sử dụng không chỉ theo tiêu dùng cá nhân, mà còn ở các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) và các cơ sở y tế gây ra sự lãng phí to lớn cho xã hội, thất thoát nghiêm trọng cho NSNN và ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, chỉ sau 17 tháng từ khi Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép lưu hành kit test Covid-19 (tháng 4-2020) đến hết năm 2021, công ty này chỉ bán kit test Covid-19 cho các CDC và cơ sở y tế cũng đã đạt doanh thu gần 4.000 tỷ đồng - đại biểu Nguyễn Minh Sơn dẫn chứng.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến tại hội trường
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến tại hội trường.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho rằng, không kể đến những sai phạm nêu trên thì tại một số thời điểm trong thời gian phòng, chống dịch, nhất là vào những tháng cuối năm 2021 khi chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”. Với việc bắt buộc xét nghiệm trên diện rộng và đưa ra yêu cầu về kết quả test Covid-19 âm tính là một trong những điều kiện để đi lại và trở lại hoạt động, thực hiện truy vết nguồn lây... chưa thật sự thuyết phục về sự cần thiết, tiêu tốn một nguồn lực rất lớn không chỉ của NSNN, mà còn lãng phí nguồn lực của xã hội, gây áp lực cho người dân và tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, việc áp dụng các biện pháp cách ly, phong tỏa, hạn chế di chuyển ở một số địa phương, trong một số giai đoạn quá cứng nhắc, nghiêm ngặt, nặng về thủ tục hành chính cấp phép, xin - cho với hình thức giấy đi đường liên tục được thay đổi, ban hành mới. Công tác phối hợp, tổ chức thực thi tại một số nơi còn thiếu tính đồng bộ, nhất quán, linh hoạt… đã có tác động tiêu cực đến kết quả phòng, chống dịch cũng như việc duy trì các chuỗi cung ứng và các hoạt động kinh tế - xã hội, gây lãng phí nguồn lực con người được huy động cho công tác cách ly, phong tỏa, cấp, kiểm tra giấy tờ cũng như nguồn ngân sách cho các công tác cấp phép, kiểm tra, phong tỏa này.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình một số nội dung của ĐBQH.

Ngoài ra, sự hạn chế trong việc huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng là một sự lãng phí nguồn lực xã hội. Việc THTK, CPL trong ban hành, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ, lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí NSNN; mua sắm, quản lý, sử dụng trang thiết bị, vật tư, vắc xin, thuốc điều trị... phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 như thế nào, đại biểu Nguyễn Minh Sơn đề nghị các Bộ, ngành báo cáo rõ nét hơn.

* Cần xem xét chất lượng tinh giản biên chế có tương ứng với số lượng tinh giản biên chế

Cho ý kiến tiếp về THTK, CLP trong quản lý, sử dụng lao động trong khu vực nhà nước, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho rằng, theo các số liệu báo cáo thì kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế năm 2021 là rất đáng ghi nhận. Trong đó, biên chế công chức giảm 10,01%, biên chế sự nghiệp giảm 11,67%, số người hoạt động không chuyên trách, thôn, tổ dân phố giảm 46,64% so với năm 2015. Hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế 10% Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết 39-NQ/TW. Đây là nỗ lực rất lớn của các cơ quan.

Tuy nhiên, cần phân tích kỹ lưỡng hơn về chất lượng tinh giản biên chế có tương ứng với số lượng tinh giản biên chế, ở một số cơ quan, địa phương phản ánh tình trạng “cào bằng” giữa các đơn vị, dẫn đến một số đơn vị khối lượng công việc lớn, cần ít nhất là giữ nguyên chỉ tiêu biên chế hiện có, chưa nói đến là cần tăng chỉ tiêu biên chế để đáp ứng yêu cầu công tác, thì lại vẫn phải cắt giảm biên chế theo tỷ lệ chung, rất bất cập.

Như vậy, THTK, CLP trong quản lý, sử dụng công chức, người lao động cần được hiểu đúng là không phải tiết kiệm về số lượng mà là sử dụng đúng người, đúng việc, theo yêu cầu và vị trí việc làm; cần trao thẩm quyền cho người đứng đầu cơ quan thực hiện công tác tinh giản biên chế và chịu trách nhiệm về nội dung này.

Quang cảnh thảo luận tại hội trường
Quang cảnh thảo luận tại hội trường.

Ngoài ra, đối với THTK, CLP trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho rằng, cần hết sức quan tâm đến công tác xử lý các dự án, doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, chậm tiến độ, kém hiệu quả. Cần xử lý dứt điểm, thực hiện cơ cấu lại các dự án, doanh nghiệp không phải với mục đích là “cứu” bằng mọi giá, bất chấp hiệu quả kinh tế mà là để giảm bớt thiệt hại cho Nhà nước. Nếu đã đánh giá các dự án, doanh nghiệp cơ cấu lại cũng không còn hiệu quả kinh tế, càng kéo dài thua lỗ càng tăng cao thì cần thực hiện thoái vốn qua các hình thức phá sản, giải thể, thu hồi vốn và tài sản cho Nhà nước ở mức cao nhất, có như vậy mới THTK, CLP hiệu quả và thực chất.

* Đề xuất giải pháp sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả

Cho ý kiến về nhiệm vụ, giải pháp năm 2022, đại biểu Nguyễn Minh Sơn nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp do báo cáo Chính phủ và UBTC&NS đã nêu, đồng thời đề xuất thêm nhiệm vụ, giải pháp đối với việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của người dân.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phân tích, thời gian qua, tình trạng lạm dụng, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không hiệu quả vẫn còn xảy ra ở hầu hết các địa phương. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong năm 2020, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là khu vực sử dụng nhiều phân bón nhất cả nước với lượng phân bón bình quân 1.071 kg/ha, cao hơn 42% so với mặt bằng chung cả nước. Theo tính toán, hiệu suất sử dụng phân đạm ở nước ta mới chỉ đạt 30% - 45%, phân lân đạt 40% - 45%, phân kali đạt 40% - 50%. Hằng năm, lượng phân bón vào đất nhưng không được cây trồng sử dụng chiếm khối lượng rất lớn: 1,77 triệu tấn urê, 2,07 triệu tấn supe lân, 344 ngàn tấn kali.

Về thuốc bảo vệ thực vật, ĐBSCL dùng tới 28.520 tấn (chiếm 54,94% cả nước). Như vậy, bình quân 1 ha gieo trồng sử dụng 6,27 kg thuốc bảo vệ thực vật, cao hơn trung bình cả nước khoảng 64,56%. Hệ lụy là rất lãng phí, gây ô nhiễm đất và nguồn nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận phiên thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận phiên thảo luận

Do vậy, để sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm, hiệu quả, giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cân đối, hiệu quả. Tăng cường sản xuất, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện sản xuất; quản lý sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cân đối, tránh lãng phí. Đồng thời, triển khai Chương trình sử dụng phân bón hữu cơ, mô hình sản xuất phân bón tái sử dụng phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, rác thải sinh hoạt.

Cùng với đó là tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ, tích trữ, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng. Tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng các mô hình điển hình sản xuất nông nghiệp tiết kiệm, hiệu quả hướng tới một nền nông nghiệp bền vững có trách nhiệm và giá trị gia tăng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.

THU HOÀI - MINH TRÍ

 

.
.
.