Thứ Sáu, 03/06/2022, 19:38 (GMT+7)
.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang góp ý kiến cho Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện

(ABO) Chiều 3-6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Tiền Giang đã tham gia góp nhiều ý kiến thảo luận đối với Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Tại buổi thảo luận tổ, các ĐBQH tán thành với Tờ trình 162/TTr-CP của Chính phủ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Đồng thời cho rằng, tần số vô tuyến điện là tài sản quốc gia vô cùng quan trọng. Vì vậy, Nhà nước cần có các chính sách, pháp luật làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên tần số trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Qua hơn 13 năm thi hành Luật và trong điều kiện “bùng nổ” của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đã phát sinh những bất cập, khó khăn, vướng mắc, cần thiết sửa đổi, bổ sung cho dự án Luật nhằm thể chế hóa các nội dung có liên quan của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 52 ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ các quy định pháp luật nói chung và để kịp thời giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn nói riêng.

Quang cảnh thảo luận tại tổ
Quang cảnh thảo luận tại tổ.

Bên cạnh đó, các ĐBQH cũng góp thêm một số ý kiến đối với dự án luật này. Đại biểu Nguyễn Văn Dương, đơn vị tỉnh Tiền Giang cho rằng, quy định cấp giấy phép sử dụng băng tần (tại điểm c, khoản 6, điều 20) như trong dự thảo Luật là chưa rõ ràng, chưa thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính về các hình thức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả.

Đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật rà soát, sửa đổi quy định nêu trên của dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính; đồng thời cần làm rõ quy định: “… Nhà nước không có trách nhiệm hoàn trả các khoản tài chính mà tổ chức, doanh nghiệp đã nộp khi cấp phép” là hình thức quản lý nhà nước hay là biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Ngoài ra, cần quy định cụ thể trong dự thảo Luật các khoản tài chính mà tổ chức, doanh nghiệp đã nộp nhưng Nhà nước không có trách nhiệm hoàn trả.

Bên cạnh đó, tại điều 31 quy định nguồn thu ngân sách nhà nước từ cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tại khoản 4, điều này quy định “Chính phủ quy định cụ thể mức thu, phương thức thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện” mà chưa quy định cụ thể việc quản lý sử dụng tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Vì vậy, đề nghị bổ sung quy định tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện phải được nộp vào ngân sách nhà nước và được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

đại biểu Nguyễn Hoàng Mai
Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ.

Tại khoản 4, điều 45 quy định trường hợp đặc biệt, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh cần sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế phải có phương án sử dụng băng tần báo cáo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định theo nguyên tắc phương án sử dụng kết hợp không làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo quốc phòng, an ninh và sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm và Đại biểu Nguyễn Văn Dương phát biểu tại buổi thảo luận tổ
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm và đại biểu Nguyễn Văn Dương phát biểu tại buổi thảo luận tổ.

Đại biểu Nguyễn Văn Dương cho rằng, sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế trong trường hợp đặc biệt. Thế nào là trường hợp đặc biệt, cơ quan soạn thảo cần làm rõ. Báo cáo 781/BC-BCA-A05 của Bộ Công an ngày 19-5-2022 giải thích từ "đặc biệt" này như bù đắp “một phần chi phí”, người dân tham gia vào mạng dùng riêng,… cần cân nhắc giữa lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia, chỉ vì bù đắp một phần kinh phí mà có thể ảnh hưởng đến an ninh là chưa phù hợp.

Khi sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế, đồng nghĩa với việc chuyển đổi cơ chế ưu tiên, bảo mật đặc biệt sang cơ chế công khai, minh bạch, cạnh tranh có thể ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị được giao, làm lộ, lọt bí mật quốc phòng, an ninh và bí mật Nhà nước…

Quang cảnh thảo luận tại tổ
ĐBQH trao đổi góp nhiều ý kiến tại buổi thảo luận tổ.

Đồng quan điểm này, các đại biểu Nguyễn Hoàng Mai, Nguyễn Thanh Cầm cũng cho rằng, ở nước ta, việc kết hợp hai mục đích (phục vụ quốc phòng an ninh và phát triển kinh tế) trên cùng một băng tần sử dụng tần số vô tuyến điện chưa đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động quản lý tần số vô tuyến điện. Băng tần được phân bổ cho mục đích quốc phòng, an ninh là băng tần bí mật nên cơ quan quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện cũng như các cơ quan quản lý về tài chính sẽ khó tiếp cận để kiểm tra, giám sát khi sử dụng băng tần, kênh tần số phục vụ quốc phòng, an ninh kết hợp phát triển kinh tế. Vì vậy, các ĐBQH đề nghị ban soạn thảo xem xét lại quy định này để quy định phù hợp hơn đảm bảo tính khả thi khi luật có hiệu lực thi hành.

MINH TRÍ - THU HOÀI

.
.
Liên kết hữu ích
Thi công máy lạnh biệt thự hiện đại Điện Lạnh Gò Vấp tư vấn luật doanh nghiệp qua điện thoại Biến tần Siemens Cung cấp Máy nén điều hòa chất lượngPhân phối máy lạnh âm trần Lê Phạm
.