Tiền Giang phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch
(ABO) Trong bối cảnh Tiền Giang có nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh luôn quyết tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trên các mặt kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, công tác dân vận và kiện toàn, sắp xếp, bố trí cán bộ, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Mặt khác, cả hệ thống chính trị tập trung huy động các nguồn lực, đẩy mạnh phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống người dân.
Quang cảnh Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang khóa XI diễn ra sáng 28-6. |
NHIỀU CHỈ TIÊU PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI THỰC HIỆN ĐẠT VÀ VƯỢT
Qua báo cáo tại Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI, điều đáng phấn khởi là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh tăng 4,1%, so với cùng kỳ năm 2021 tăng gần 2%; kim ngạch xuất khẩu đạt 2,07 tỷ USD, tăng 20,8% so với cùng kỳ; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội là 16.278 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ; chi đầu tư phát triển 2.012 tỷ đồng, tăng 26,4% so với cùng kỳ.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 4.941 tỷ đồng, tuy giảm 6,6% so với cùng kỳ nhưng vẫn đạt 55,9% so với nghị quyết năm, trong đó thu nội địa 4.814 tỷ đồng, đạt 56,5%; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 498 doanh nghiệp, đạt 74,3% so với nghị quyết năm.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang chỉ đạo những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2022. |
Công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong 6 tháng qua được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh với tinh thần không chủ quan, lơ là, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống khi dịch bệnh bùng phát trở lại. Đến nay, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát, khống chế, số ca nhiễm mới liên tục giảm, trung bình dưới 10 ca/ngày; điều đáng mừng là từ đầu tháng 5 đến nay trung bình chỉ có 1 - 2 ca/ngày và không có ca tử vong.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội dần được phục hồi, ổn định, an sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo (đã giải quyết việc làm cho 7.019 lao động, đạt 58,5% so với nghị quyết năm là 12.000 lao động). Quốc phòng - an ninh trật tự được giữ vững, tình hình phạm tội về trật tự xã hội giảm 58,4%, tai nạn giao thông đường bộ giảm mạnh trên cả ba mặt, giảm 38% số vụ, 5,1% số người chết và 58% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2021…
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, mặt trận và các đoàn thể luôn được chú trọng; công tác dân vận có chuyển biến tích cực, tư tưởng và tâm trạng của nhân dân cơ bản ổn định khi các hoạt động trở lại trạng thái bình thường mới. Các tổ chức trong hệ thống chính trị tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tổ chức tốt việc triển khai và thực hiện công tác rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý ở từng cấp.
NHỮNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỐI NĂM
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 9, đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo những nhiệm vụ trọng tâm các cấp ủy, chính quyền cần nghiêm túc tập trung thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2022.
Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi bổ sung và mũi nhắc lại vắc xin phòng Covid-19 cho nhóm đối tượng nguy cơ và lực lượng tuyến đầu chống dịch. |
Trong đó, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch của tỉnh; đồng thời, loại bỏ các quy hoạch chồng chéo nhằm huy động, tiếp cận tối đa các nguồn lực trong hoạt động đầu tư phát triển. Tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án, nhất là các công trình, dự án có tính cấp thiết, có tính kết nối để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Xây dựng các chương trình hành động của cấp ủy thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 và triển khai quyết định thành lập Ban Chỉ đạo của tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường tiếp xúc tháo gỡ khó khăn, khuyến khích phát triển doanh nghiệp; triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các ngành và địa phương, nòng cốt là Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự, biên phòng theo dõi nắm chắc diễn biến tình hình thời tiết, thủy văn để chuẩn bị nguồn lực, phương án sẵn sàng ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai. Trong đó, cần lưu ý rà soát, nắm chắc hiện trạng các hộ dân đang sinh sống trong vùng thường xuyên bị ảnh hưởng do bão, lốc xoáy, sạt lở; hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản và không để thiệt hại về người.
Đối với ngành Giáo dục và Đào tạo, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu ngay từ bây giờ cần có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp phòng học, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy,... đảm bảo các điều kiện nhằm phục vụ tốt nhất cho năm học mới; lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, nghiêm túc, an toàn, không để xảy ra tiêu cực trong tổ chức các kỳ tuyển sinh và Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Trong năm học 2022 - 2023, cần tiếp tục quan tâm đến nội dung giáo dục về truyền thống lịch sử cách mạng, về nhân cách, đạo đức, về lối sống, kỹ năng sống và ý thức chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên; chú trọng việc xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử trong nhà trường, ngay cả đối với giáo viên.
Đối với ngành Y tế, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo tiếp tục kiện toàn và ổn định tổ chức hệ thống y tế từ tỉnh đến huyện, đến xã; phát triển các trung tâm chuyên khoa sâu tuyến tỉnh; tăng cường đầu tư phát triển y tế công lập đi đôi với khuyến khích và tạo điều kiện phát triển y tế ngoài công lập; phát triển y học hiện đại gắn với y học cổ truyền; nâng cao năng lực các bệnh viện chuyên khoa. Tiếp tục đào tạo theo địa chỉ, đào tạo bác sĩ, dược sĩ hệ liên thông đáp ứng nhu cầu cán bộ trong ngành Y tế, bảo đảm đủ cán bộ y tế để cơ cấu hợp lý cho các địa phương, cơ sở và các chuyên khoa.
Chủ động thực hiện tiêm vắc xin theo kế hoạch, nhất là mũi tiêm bổ sung và mũi nhắc lại (mũi 3); thực hiện tốt việc tiêm ngừa cho trẻ từ 5 -12 tuổi. Tăng cường công tác phòng ngừa các dịch bệnh nguy hiểm trong cộng đồng, kịp thời xử lý, không để lây lan trong cộng đồng như bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Covid-19 gây ra, bệnh tay chân miệng, bệnh tiêu chảy cấp do tả, bệnh sốt xuất huyết.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh khẳng định: “Qua công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chúng ta đã thành công, đã kiểm soát được dịch bệnh và chuyển sang trạng thái bình thường mới tương đối sớm so với một số tỉnh trong cả nước. Thế nhưng, đã phát sinh một thực trạng chung, đó là ngành Y tế đang rất lo ngại trong việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị, thuốc và vật tư y tế, thực trạng này sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác khám, điều trị bệnh cho nhân dân trong thời gian tới, nếu không sớm có cơ chế, có giải pháp khắc phục.
Nguyên nhân của vấn đề trên là do nhiều cán bộ của ngành Y tế trong cả nước bị xử lý kỷ luật do sai phạm trong đấu thầu rút gọn mua sắm trang thiết bị phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua như báo chí đã đăng tin, tạo tâm lý sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra nên không dám đấu thầu mua sắm hoặc tỏ ra lúng túng, ngại thực hiện. Việc này, các cấp ủy, chính quyền nên có chỉ đạo làm rõ từng hành vi, từng mức độ vi phạm để xử lý, để kiểm điểm rút kinh nghiệm trên tinh thần minh bạch, công tâm, khách quan, đúng người, đúng lỗi sai phạm nhằm bảo vệ người làm đúng, ngăn ngừa người có ý định làm sai.
Đồng thời, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ ngành Y tế trong thực hiện nhiệm vụ “cứu người” của mình, không vì những lo ngại tức thời mà quên đi nghĩa vụ cao cả của người thầy thuốc”.
Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu từng cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải tích cực trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; luôn nêu cao ý thức phục vụ, chăm lo lợi ích chính đáng của nhân dân; phải biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị cần phát huy tốt hơn nữa về ý thức trách nhiệm; tận tụy hơn nữa với công việc; thể hiện rõ hơn tính năng động, sáng tạo, nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều và làm đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...
THỦY HÀ