Quy hoạch ĐBSCL: Tiên phong tạo cơ hội và giá trị mới
Trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Chính phủ, TS. Bùi Tất Thắng, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định, Hội nghị Công bố Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có ý nghĩa quan trọng trên nhiều khía cạnh với vùng và với cả nước. Với tư duy, tầm nhìn và cách tiếp cận đổi mới, Quy hoạch ĐBSCL sẽ tạo ra cơ hội và giá trị mới, mở màn cho một hệ thống các quy hoạch sắp tới
TS. Bùi Tất Thắng, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. |
Dự kiến trong tuần tới, Bộ KH&ĐT sẽ tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, với sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo nhiều bộ, ngành và các địa phương.
Cách đặt vấn đề đổi mới, chính xác, đúng với xu thế quốc tế
Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là quy hoạch cấp vùng đầu tiên của nước ta, được thông qua trên cơ sở Luật Quy hoạch 2017. Theo tinh thần của Luật, Quyết định phê duyệt Quy hoạch phải được tổ chức công bố công khai, rộng rãi.
Theo TS. Bùi Tất Thắng, tại thời điểm hiện nay, nước ta vừa triển khai nội dung của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, vừa thực hiện Luật Quy hoạch mới. Vì vậy, tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch phát triển vùng ĐBSCL trong thời điểm này có ý nghĩa hết sức quan trọng và đặc biệt.
Một mặt, việc công bố Quy hoạch thể hiện sự tuân thủ luật mới, thông tin rộng rãi cho công chúng, người dân, doanh nghiệp biết định hướng phát triển toàn vùng để nghiên cứu đầu tư và có kế hoạch cho từng công việc liên quan. Cùng với đó, Hội nghị công bố Quy hoạch cũng kèm theo chương trình về xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL. Đây là cách làm tốt, tạo hiệu ứng xã hội lan tỏa và hiệu ứng kinh doanh hiệu quả.
Mặt khác, Quy hoạch vùng ĐBSCL là quy hoạch đầu tiên được làm theo phương châm tích hợp nên phức tạp hơn cách làm trước đây rất nhiều và quan trọng là cụ thể hóa đường lối, tư tưởng của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về phát triển các vùng.
Riêng với vùng ĐBSCL, năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Bản Quy hoạch vùng ĐBSCL cũng thể hiện rất tốt tinh thần của Nghị quyết 120. Theo đó, tư tưởng trung tâm của Quy hoạch vùng ĐBSCL là tiếp cận cả hệ sinh thái tự nhiên và hệ sinh thái xã hội nhân văn trên cơ sở tôn trọng tự nhiên với tinh thần thuận thiên và khai thác tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của vùng.
Ông Thắng nhấn mạnh điểm đổi mới nằm trong cách đặt mục tiêu. Thông thường, trước đây và có thể cả sắp tới tại các vùng khác, các mục tiêu cụ thể về kinh tế luôn được đặt lên hàng đầu. Nhưng ĐBSCL gắn liền với hệ sinh thái và lưu vực sông Mekong-Lan Thương, cũng như là một khu vực chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Quy hoạch vùng ĐBSCL đặt mục tiêu duy trì hệ sinh thái, môi trường, xã hội nhân văn lên trước, rồi mới đến kinh tế.
"Đây là cách đặt vấn đề mới mẻ, chính xác và đúng đắn, phù hợp với xu thế chung của quốc tế là tôn trọng hệ sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững, hướng tới tăng trưởng xanh. Điều này cũng hết sức tương thích với mục tiêu phát triển vùng mà Chính phủ đặt ra là ĐBSCL sẽ trở thành một trong những trung tâm phát triển nông nghiệp hiện đại lớn nhất cả nước và là "chỗ dựa" bảo đảm an ninh lương thực quốc gia", nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển khẳng định.
Cũng theo TS. Bùi Tất Thắng, Quy hoạch vùng ĐBSCL được xây dựng và hoàn thành kịp thời, mở màn cho một hệ thống các quy hoạch sắp tới, gồm có quy hoạch quốc gia, các quy hoạch của 5 vùng còn lại cũng như 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian tới. Vùng ĐBSCL trở thành đơn vị tiên phong trong thực hiện xây dựng và triển khai nội dung của Luật Quy hoạch mới.
Cơ hội mới – Giá trị mới
Nói về cơ hội mới được tạo ra thông qua Quy hoạch ĐBSCL, ông Bùi Tất Thắng cho rằng, tất cả những nhà đầu tư có thể nghiên cứu, tìm thấy và khai thác, tận dụng cơ hội để phát triển, tham gia sâu vào những ngành kinh tế được xác định là trọng tâm, ưu tiên của vùng trong một chiến lược mang tính dài hạn.
Khác với những quy hoạch trước, từ quy hoạch này, có thể hình dung ra quá trình phát triển kinh tế của toàn vùng nói chung. Trong quá trình ấy, Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước xác định định hướng có tính lâu dài, dẫn dắt sự phát triển của toàn vùng, đặt trong mối tương quan với các vùng khác và với cả nước. Từ đó, tránh tình trạng "mạnh ai nấy làm", các tỉnh đưa ra định hướng tương đối giống nhau, dẫn đến đua tranh, tranh giành nguồn lực để phát triển hoặc triển khai các chương trình, dự án có tính trùng lắp, "dẫm chân" nhau. Đến cuối cùng, kết quả là một địa phương có kinh tế tốt, nhưng trên phạm vi toàn vùng, nhìn rộng ra là toàn quốc, hiệu quả kinh tế tổng thể lại kém đi.
"Đây là điểm hết sức quan trọng, vì vậy yêu cầu của Quy hoạch vùng ĐBSCL là phải có tầm nhìn tổng thể", ông Thắng nhấn mạnh.
Ngoài ra, chuyên gia này cũng cho biết thêm một thách thức nữa là hiện giờ chúng ta phải tiến hành đồng thời các quy hoạch. Sau này, trong trường hợp quy hoạch cấp cao hơn được thông qua, có sự không đồng nhất với quy hoạch cấp thấp hơn (dù đã được ban hành trước) vẫn phải chỉnh sửa theo quy hoạch cấp cao hơn để có tính đồng bộ, tổng thể trên phạm vi toàn quốc. Bởi thế, dù Quy hoạch ĐBSCL đã thông qua nhưng trong trường hợp thực sự cần thiết vẫn có thể linh hoạt điều chỉnh.
Liên kết vùng được đặt ra như một yêu cầu cấp thiết của sự phát triển. Tuy nhiên, trong suốt một thời gian dài, tính liên kết vùng chưa chặt chẽ, hiệu quả do nhiều nguyên nhân. Yếu tố khách quan là giữa các địa phương và các vùng chưa có sự chuyên môn hóa rõ rệt, chỉ biết khai thác lợi thế của mình. Các lợi thế đó không có sự khác biệt rõ rệt lắm thì xu hướng cạnh tranh nhiều hơn là hợp tác.
Thứ hai, để tăng tính liên kết, một yếu tố khách quan nữa là sự phát triển của hệ thống giao thông vận tải. Trừ các thành phố, vùng đô thị lớn, xét bình quân ở Việt Nam, mức độ phát triển giao thông vận tải so với nhiều nước có xuất phát điểm thấp hơn. Vì vậy, nhiều khi, có sản phẩm, có nhu cầu, nhưng điều kiện vận tải (thời gian vận chuyển và giá thành) không đảm bảo nên nhu cầu hợp tác vùng chưa nhiều.
Về nguyên nhân chủ quan, cách thức tổ chức phát triển kinh tế chưa đặt các địa phương và các vùng miền vào thế buộc phải tăng cường liên kết. Các tỉnh hay các địa phương đều lấy việc thi đua tốc độ tăng trưởng kinh tế là mục tiêu chính, mà không mặn mà nhìn mục tiêu chung, tổng thể nên không chú trọng phát triển liên kết.
Quy hoạch ĐBSCL lần này được kỳ vọng tạo ra giá trị mới vì đã cố gắng khắc phục vấn đề trên bằng cách định vị chức năng, chú trọng quy hoạch hệ thống giao thông vận tải để tăng cường điều kiện khách quan cho sự liên kết. Đồng thời, đưa ra nhiều giải pháp về cơ chế để thúc đẩy cải thiện yếu tố chủ quan, tăng cường sự hợp tác, phát triển giữa các vùng.
Ở góc độ người nghiên cứu chính sách, ông Bùi Tất Thắng cho rằng, phải thay đổi cả cách đánh giá về trình độ phát triển và mức độ quan tâm của bộ máy lãnh đạo các địa phương bằng các tiêu chí mới. Không chỉ tính đến tăng trưởng kinh tế của địa phương, mà còn đặt cao khả năng đóng góp, sự quan tâm và kết quả của liên kết toàn vùng. Có như vậy lãnh đạo địa phương mới thực sự chú trọng chỉ đạo triển khai chính sách phát triển có tính liên kết trong vùng./.
(Theo chinhphu.vn)