Tiền Giang: Tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm 2022
Ngày 28-6 Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Tiền Giang tổ chức Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI. ABO xin giới thiệu toàn văn phát biểu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Danh
, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn v ị tỉnh Tiền Giang về những nhiệm vụ cần tập trung lãnh đạo thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2022.Qua ý kiến phát biểu của các đồng chí đã thể hiện được sự nỗ lực, quyết tâm rất cao của các cấp, các ngành, các địa phương và cơ sở trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, các giải pháp để phục hồi, phát triển kinh tế, ổn định đời sống cho người dân ngay sau khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và chuyển sang hoạt động, sinh hoạt trong trạng thái bình thường mới.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI. Ảnh: HẠNH NGA |
Điều đáng phấn khởi là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2021 tăng 2,17% (tăng gần 2%); kim ngạch xuất khẩu đạt 2,07 tỷ USD, tăng 20,8% so với cùng kỳ; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 16.278 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ; chi đầu tư phát triển 2.012 tỷ đồng, tăng 26,4% so với cùng kỳ.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 4.941 tỷ đồng, tuy giảm 6,6% so với cùng kỳ nhưng vẫn đạt 55,9% so với Nghị quyết năm, trong đó thu nội địa 4.814 tỷ đồng, đạt 56,5%; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 498, đạt 74,3% so với Nghị quyết năm.
Công tác phòng, chống dịch Covid-19 được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh với tinh thần không chủ quan, không lơ là, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống khi dịch bệnh bùng phát trở lại; đến nay, dịch bệnh trên địa bàn đã được kiểm soát, khống chế, số ca nhiễm mới liên tục giảm, trung bình dưới 10 ca/ngày; điều đáng mừng là từ đầu tháng 5 đến nay trung bình chỉ có 1 - 2 ca/ngày và không có ca tử vong.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội dần được phục hồi, ổn định, an sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo (đã giải quyết việc làm cho 7.019 lao động, đạt 58,5% so với Nghị quyết năm là 12.000 lao động); quốc phòng - an ninh trật tự được giữ vững, tình hình phạm tội về trật tự xã hội giảm 58,4%, tai nạn giao thông đường bộ giảm mạnh trên cả 3 mặt, giảm 38% về số vụ, 5,1% về số người chết và 58% về số người bị thương so với cùng kỳ năm 2021.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể luôn được chú trọng; công tác dân vận có chuyển biến tích cực, tư tưởng và tâm trạng của nhân dân cơ bản ổn định khi các hoạt động trở lại trạng thái bình thường mới. Các tổ chức trong hệ thống chính trị tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tổ chức tốt việc triển khai và thực hiện công tác rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý ở từng cấp.
Những kết quả đạt được đã cho thấy sự quyết tâm, trách nhiệm rất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy; sự quyết liệt trong điều hành của các cấp chính quyền; sự giám sát chặt chẽ của HĐND, của Ủy ban MTTQ, các đoàn thể, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của từng tổ chức, từng cơ quan, đơn vị, địa phương, của các doanh nghiệp và đặc biệt là sự đồng tình, ủng hộ của các đồng chí lão thành cách mạng và của nhân dân - chúng ta cần phát huy tốt hơn nữa những việc làm tích cực này trong thời gian tới. Tuy nhiên, chúng ta cũng còn có những hạn chế, khó khăn cần phải thẳng thắn nhìn nhận và tập trung khắc phục:
Một là, tình hình tiêu thụ một số mặt hàng trái cây xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, giá vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón duy trì ở mức cao, chi phí đầu vào tăng làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế, đến thu nhập của người dân. Các mặt hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận với những thị trường khó tính, có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm.
Hai là, việc triển khai một số dự án khu, cụm công nghiệp vẫn còn chậm; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng có nơi chưa được triển khai hiệu quả; một số thủ tục liên quan đến đầu tư các khu, cụm công nghiệp còn kéo dài; lực lượng lao động thường xuyên biến động thiếu hụt, gây khó khăn cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau đại dịch Covid-19.
Ba là, nhân lực ngành Y tế còn thiếu để đáp ứng yêu cầu công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, nhất là tuyến cơ sở. Số lượng bác sĩ đào tạo theo yêu cầu, theo địa chỉ, đào tạo liên thông chưa đủ bổ sung cho các đơn vị y tế. Mặt khác, sau đại dịch Covid-19, tư tưởng, tâm trạng của một số y, bác sĩ cũng có dao động trước những sai phạm trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch của một số cá nhân, tổ chức qua thanh tra, kiểm tra...
Thứ tư là, tình hình trật tự xã hội vẫn còn diễn biến phức tạp, các thế lực phản động, phần tử xấu thường xuyên lợi dụng không gian mạng để tán phát thông tin xấu, thông tin tiêu cực chống phá Đảng, Nhà nước; tội phạm về ma túy, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng và các băng nhóm sử dụng súng, hung khí, vũ khí để thanh toán lẫn nhau rất manh động, lộng hành, xem thường luật pháp vẫn còn xảy ra.
Năm là, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của một số cấp ủy, tổ chức đảng có nơi chưa thường xuyên, chưa nghiêm túc; một số cán bộ, đảng viên chưa thể hiện rõ vai trò nêu gương, năng lực, phẩm chất, uy tín chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Kính thưa các đồng chí,
Về phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 đã được nêu cụ thể trong dự tháo báo cáo của Tỉnh ủy (có 29 nhiệm vụ). Qua ý kiến phát biểu của các đồng chí, tôi thống nhất; đề nghị các cấp ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và các địa phương nghiên cứu, bổ sung vào chương trình, kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện ở cấp mình, ngành mình sao cho có hiệu quả nhất. Tại Hội nghị này, tôi chỉ lưu ý thêm mấy việc:
Thứ nhất, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch của tỉnh, đồng thời loại bỏ các quy hoạch chồng chéo nhằm huy động, tiếp cận tối đa các nguồn lực trong hoạt động đầu tư phát triển; tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án, nhất là các công trình, dự án có tính cấp thiết, có tính kết nối để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (Đối với các công trình, dự án đã hoàn thành cần sớm đưa vào khai thác, sử dụng, như Dự án Đường cao tốc Trung ương - Mỹ Thuận, Dự án Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: HẠNH NGA |
Đối với các công trình, dự án đã triển khai cần phải đẩy nhanh, hoặc phối hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, như Dự án Nâng cấp mở rộng kinh Chợ Gạo giai đoạn 2, Cầu Mỹ Đức Tây trên Quốc lộ 1, Cầu Mỹ Thuận 2, Cầu Rạch Miễu 2, Đường cao tốc An Hữu - Cao Lãnh, Tuyến đường bộ ven biển kết nối các tỉnh Long An, Bến Tre...).
Phải chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng các chương trình hành động của cấp ủy thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 và triển khai quyết định thành lập Ban Chỉ đạo của tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (theo Quyết định 468, ngày 24-6-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy). Tăng cường tiếp xúc tháo gỡ khó khăn, khuyến khích phát triển doanh nghiệp; triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Lãnh đạo thực hiện nghiêm Luật Ngân sách nhà nước, tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước ở tất cả các cấp, các ngành. Tạo điều kiện để phát triển nguồn thu ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, tập trung chống thất thu, nợ đọng thuế... Giám sát chặt chẽ các khoản chi từ ngân sách nhà nước, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực.
Thứ hai, các cấp ủy, chính quyền, các ngành và địa phương, nòng cốt là Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phối hợp chặt chẽ với cơ quan Quân sự, Biên phòng theo dõi nắm chắc diễn biến tình hình thời tiết, thủy văn để chuẩn bị nguồn lực, phương án sẵn sàng ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai; trong đó cần lưu ý rà soát, nắm chắc hiện trạng các hộ dân đang sinh sống trong vùng thường xuyên bị ảnh hưởng do bão, lốc xoáy, sạt lở; hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản và không để thiệt hại về người.
Thứ ba, ngành Giáo dục và Đào tạo ngay từ bây giờ cần có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp phòng học, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy... đảm bảo các điều kiện (kể cả phương án khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại) nhằm phục vụ tốt nhất cho năm học mới; lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, nghiêm túc, an toàn, không để xảy ra tiêu cực trong tổ chức các kỳ tuyển sinh và kỳ thi tốt nghiệp. Trong năm học 2022 - 2023, cần tiếp tục quan tâm đến nội dung giáo dục về truyền thống lịch sử cách mạng, về nhân cách, đạo đức, về lối sống, kỹ năng sống và ý thức chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên; chú trọng việc xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử trong nhà trường, ngay cả đối với giáo viên.
Thứ tư, ngành Y tế tiếp tục kiện toàn và ổn định tổ chức hệ thống y tế từ tỉnh đến huyện, đến xã; phát triển các trung tâm chuyên khoa sâu tuyến tỉnh; tăng cường đầu tư phát triển y tế công lập đi đôi với khuyến khích và tạo điều kiện phát triển y tế ngoài công lập; phát triển y học hiện đại gắn với y học cổ truyền; nâng cao năng lực các bệnh viện chuyên khoa; tiếp tục đào tạo theo địa chỉ, đào tạo bác sĩ, dược sĩ hệ liên thông đáp ứng nhu cầu cán bộ trong ngành Y, bảo đảm đủ cán bộ y tế để cơ cấu hợp lý cho các địa phương, cơ sở và các chuyên khoa.
Chủ động thực hiện tiêm vắc xin theo kế hoạch, nhất là mũi tiêm bổ sung và mũi nhắc lại (mũi 3); thực hiện tốt việc tiêm ngừa cho trẻ từ 5 - 12 tuổi. Tăng cường công tác phòng ngừa các dịch bệnh nguy hiểm trong cộng đồng, kịp thời xử lý, không để lây lan trong cộng đồng, như bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Covid-19 gây ra, bệnh tay - chân - miệng, bệnh tiêu chảy cấp do tả, bệnh sốt xuất huyết (đã có 2 trường hợp tử vong, cùng kỳ năm 2021 không có trường hợp tử vong)...
Thưa các đồng chí,
Qua công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chúng ta đã thành công, đã kiểm soát được dịch bệnh và chuyển sang trạng thái bình thường mới tương đối sớm so với một số tỉnh trong cả nước. Thế nhưng, đã phát sinh một thực trạng chung, đó là ngành Y tế đang rất lo ngại trong việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị, thuốc và vật tư y tế, thực trạng này sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác khám, điều trị bệnh cho nhân dân trong thời gian tới nếu không sớm có cơ chế, có giải pháp khắc phục.
Nguyên nhân của vấn đề này là do nhiều cán bộ của ngành Y trong cả nước bị xử lý kỷ luật do sai phạm trong đấu thầu rút gọn mua sắm trang thiết bị phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua như báo chí đã đăng tin, tạo tâm lý sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra nên không dám đấu thầu mua sắm hoặc tỏ ra lúng túng, ngại thực hiện (Đại án ở Công ty cổ phần công nghệ Việt Á đã để lại một hậu Covid vô cùng nghiêm trọng, một mất mát lớn về ngân sách, về con người, về nhân lực của ngành Y).
Việc này, các cấp ủy, chính quyền nên có chỉ đạo làm rõ từng hành vi, từng mức độ vi phạm để xử lý, để kiểm điểm rút kinh nghiệm trên tinh thần minh bạch, công tâm, khách quan, đúng người, đúng lỗi sai phạm nhằm bảo vệ người làm đúng, ngăn ngừa người có ý định làm sai; đồng thời phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ ngành Y trong thực hiện nhiệm vụ “cứu người” của mình, không vì những lo ngại tức thời mà quên đi nghĩa vụ cao cả của người thầy thuốc.
Thứ năm, ngành Công an tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, chủ động nắm chắc tình hình, quản lý chặt địa bàn, quản lý chặt đối tượng để xử lý kịp thời, có hiệu quả các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, băng nhóm hành xử côn đồ theo kiểu xã hội đen... trên tinh thần tích cực, xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật, không để gia tăng sự vụ, sự việc gây bức xúc trong nhân dân.
Thứ sáu, các tổ chức trong hệ thống chính trị cần phải phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, sự nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gắn với tiếp tục thực hiện tốt chuyên đề năm 2022 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, có đạo đức cách mạng trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay”.
Ban Tổ chức Tỉnh ủy tăng cường theo dõi, kiểm ta, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031 và rà soát, bổ sung quy hoạch nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2021 - 2026. Tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện quy trình bổ sung 3 Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, 1 Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo phương án nhân sự đã được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI thông qua.
Thứ bảy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu từng cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải tích cực trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; luôn nêu cao ý thức phục vụ, chăm lo lợi ích chính đáng của nhân dân; phải biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị cần phát huy tốt hơn nữa về ý thức trách nhiệm; tận tụy hơn nữa với công việc; thể hiện rõ hơn tính năng động, sáng tạo, nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều và làm đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Ngay sau Hội nghị của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và cấp ủy các huyện, thành, thị tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2022. Giao các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách huyện, thành, thị cùng tham dự và chủ trì hội nghị của cấp huyện.
Đối với các kiến nghị, đề xuất của các đồng chí, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ghi nhận, giao Văn phòng Tỉnh ủy tổng hợp đầy đủ và có văn bản báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến.
NGUYỄN VĂN DANH
(Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang)