Thứ Bảy, 04/06/2022, 21:40 (GMT+7)
.

Xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng học phí

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trước hết, phải tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tập trung đẩy mạnh thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine bảo đảm an toàn, khoa học, kịp thời, hiệu quả, nhất là tiêm vaccine cho trẻ em.

a
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VIẾT CHUNG

Ngày 4-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, ngân sách nhà nước trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm.

Đáng chú ý, tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo những nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 6 và thời gian tới.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trước hết, phải tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tập trung đẩy mạnh thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine bảo đảm an toàn, khoa học, kịp thời, hiệu quả, nhất là tiêm vaccine cho trẻ em. Bộ Y tế hướng dẫn về 5K phù hợp tình hình mới; nghiên cứu sửa đổi quy định tiêm vaccine cho phù hợp, thực tiễn đã cho thấy vaccine là yếu tố quyết định để phòng, chống dịch Covid-19, mở cửa trở lại.

Thủ tướng yêu cầu cân nhắc, thận trọng xây dựng lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp, căn cứ thực tiễn, phù hợp với lợi ích của Nhà nước, tổ chức và học sinh, sinh viên. Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT chủ trì, rà soát, nghiên cứu giải pháp phù hợp với các vấn đề liên quan sách giáo khoa theo hướng tạo thuận lợi, tiết kiệm, giảm chi phí, bảo đảm lợi ích chính đáng của học sinh, phụ huynh.

a
Quang cảnh phiên họp báo Chính phủ chiều 4-6. Ảnh: VIẾT CHUNG

Về môn học lịch sử, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nghiêm túc, cầu thị lắng nghe ý kiến của người dân, chuyên gia, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, xử lý, có giải pháp kịp thời, vừa bảo đảm chủ trương, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, vừa phù hợp thực tiễn, đáp ứng mong muốn của người dân và các chuyên gia cũng như yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập môn lịch sử. Thủ tướng gợi ý, có thể quy định theo hướng môn lịch sử vừa có phần bắt buộc, vừa có phần tự chọn.

Chiều cùng ngày, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo về phiên họp.

Liên quan đến việc thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương bổ sung một số vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi như vụ FLC, Tân Hoàng Minh, Việt Á. Đặc biệt, số tiền của Việt Á hối lộ các quan chức rất lớn. Về vấn đề này, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an khẳng định, tất cả các bị can trong những vụ án Việt Á, Tân Hoàng Minh, FLC… đều vi phạm pháp luật hiện hành và chắc chắn sẽ bị xử lý bằng pháp luật.

Các bị can những vụ án này có đặc điểm là rất nhiều người trong số họ là cán bộ, đảng viên và lãnh đạo, phạm tội do lợi dụng chính sách để trục lợi, lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ và vi phạm những quy định của người đứng đầu như hối lộ và nhận hối lộ. Các bị can là cán bộ, đảng viên trước tiên sẽ bị xử lý theo các quy định của đảng, sau đó sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật.

“Trong một số vụ án, khi khám xét thì có những bị can trong ngăn kéo có đến hơn 10 tỷ đồng, nhất là vụ Việt Á rất nhiều tiền. Trong lời khai, Việt Á kiếm lãi khoảng 4.000 tỷ đồng và bôi trơn khoảng 800 tỷ đồng, đó là kênh để các nhà điều tra tìm ra. Hay theo cán bộ điều tra, một chuyến bay "combo" (có trả phí) giải cứu, trừ các chi phí đi có thể số tiền lợi nhuận lên đến vài tỷ đồng một chuyến, mà có gần 2.000 chuyến bay… “Việt Á cũng là do lợi dụng chính sách của Đảng và Chính phủ về các sản phẩm, chế phẩm y tế để cứu người bệnh, ngăn chặn dịch bệnh; hay giải cứu công dân Việt Nam ở nước ngoài và một số cán bộ cũng là lợi dụng chính sách để trục lợi”, Trung tướng Tô Ân Xô khái quát.

Liên quan đến vấn đề tăng học phí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, Nghị định 81 của Chính phủ về quy định khung học phí của các cơ sở giáo dục công lập áp dụng từ năm 2021, 2022 trở đi. Vào thời điểm chuẩn bị ban hành, dịch dã tương đối phức tạp, Bộ GD-ĐT đã đề xuất và được giữ nguyên học phí năm học 2021-2022 như năm 2020-2021.

Theo lộ trình học phí dự kiến đến năm 2025 mới tính đủ chi phí cho cấp đại học, còn đối với giáo dục mầm non và phổ thông thì đến năm 2030 tính đủ chi phí. Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc xác định mức học phí cũng như lộ trình tăng học phí phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, chia sẻ khó khăn với người dân, khả năng đóng góp của người dân.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
Liên kết hữu ích
.