Thứ Hai, 18/07/2022, 10:29 (GMT+7)
.

Cần triển khai thực hiện tốt 7 nhiệm vụ trong công tác kiểm tra, giám sát (*)

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Tiền Giang vừa tổ chức Hội nghị sơ kết công tác kiểm tra, giám sát 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Báo Ấp Bắc trân trọng đăng toàn văn bài phát biểu của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Danh chỉ đạo tại hội nghị.

Dưới đây là toàn văn phát biểu của đồng chí Nguyễn Văn Danh:

Qua xem báo cáo và qua ý kiến phát biểu của các đồng chí đã đánh giá, phân tích rất sát thực, rất cụ thể những nội dung, những vấn đề liên quan đến nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của cấp ủy và của ủy ban kiểm tra các cấp, đặc biệt là ý kiến của đồng chí đại diện lãnh đạo Vụ Địa bàn VIII - Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã làm rõ thêm nhiều vấn đề mà các đồng chí đã đặt ra.

Tôi rất đồng tình và nhất trí cao; các đồng chí cần nghiêm túc tiếp thu, tiếp tục nghiên cứu để tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng trong thời gian tới ngay tại địa phương, đơn vị mình.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Kiểm tra, giám sát là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng, là một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Đảng ta luôn khẳng định, kiểm tra là một chức năng lãnh đạo của Đảng, là nhiệm vụ của toàn Đảng; lãnh đạo mà không kiểm tra coi như không lãnh đạo.

Mọi tổ chức đảng và đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng và đều phải chịu sự kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng. Kiểm tra, giám sát được xem như là “thanh bảo kiếm để chữa lành các vết thương” (Mục đích, yêu cầu trên hết của công tác kiểm tra là cứu người, giúp cán bộ, đảng viên kịp thời thấy được khuyết điểm để sửa chữa, để ngăn chặn kịp thời ngay từ khi có biểu hiện khuyết điểm, thiếu sót chứ không phải chỉ để xử lý, để kỷ luật...).

Xuất phát từ ý nghĩa và tầm quan trọng đó; thời gian qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp trong tỉnh, nhất là người đứng đầu đã lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện khá toàn diện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng đúng theo quy định của Điều lệ Đảng, đúng theo các quy định, hướng dẫn của Trung ương và của cấp ủy cấp trên.

Thực tế cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, số lượng các cuộc kiểm tra, giám sát đều tăng so với cùng kỳ năm 2021 (Cấp ủy các cấp đã kiểm tra 61 tổ chức đảng, tăng 10,9% và 107 đảng viên, tăng 12,63%; giám sát 69 tổ chức đảng, tăng 60% và 108 đảng viên, tăng 20%).

Theo số liệu tổng hợp báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các cấp ủy của cả nước đã kiểm tra 24.759 tổ chức đảng, tăng 67,49% và 106.621 đảng viên, tăng 36,2%; giám sát 12.421 tổ chức đảng, tương đương so cùng kỳ và 74.698 đảng viên, tăng 103,6%); đã thi hành kỷ luật 31 đảng viên, giảm 40,39% (Các cấp ủy và các chi bộ của cả nước đã thi hành kỷ luật 142 tổ chức đảng, 6.519 đảng viên, trong đó Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng 2 đồng chí Ủy viên Trung ương; Bộ Chính trị thi hành kỷ luật cảnh cáo 6 tổ chức đảng, khiển trách 2 đảng viên; Ban Bí thư thi hành kỷ luật cảnh cáo 2 tổ chức đảng, cách chức 5 đảng viên, khai trừ ra khỏi Đảng 14 đảng viên); chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm tra, giám sát có chuyển biến nâng lên, đã kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống, về những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, đã góp phần quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong tỉnh ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Bên cạnh đó, các đồng chí cũng đã quyết liệt thực hiện tốt các chỉ đạo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các tổ chức đảng trong việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tiêu hao; về liên doanh liên kết cung cấp trang thiết bị y tế cũng như việc rà soát tiến độ thực hiện các Thông báo, Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với tỉnh từ đầu nhiệm kỳ 2015 đến nay.  

Chính nhờ sự chủ động, quyết liệt vào cuộc của các cấp ủy, của cơ quan ủy ban kiểm tra và của cán bộ, đảng viên làm công tác kiểm tra, chúng ta đã hạn chế được việc khiếu nại, tố cáo và việc thi hành kỷ luật Đảng trong 6 tháng qua (Cụ thể: Về thi hành kỷ luật giảm 9,1%; về nhận và giải quyết đơn tố cáo, phản ánh có liên quan giảm 35,49% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là điều đáng mừng và rất cần được phát huy, nhân lên). Tuy nhiên, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng vẫn còn có mặt hạn chế, tồn tại, cần sớm có giải pháp khắc phục:

Một là: Việc đôn đốc, theo dõi, giám sát, hậu giám sát, kiểm tra, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các kết luận kiểm tra, kết quả giám sát đã ban hành chưa được thực hiện thường xuyên (Đây là hạn chế đã được chỉ ra, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhưng có lúc, có nơi vẫn còn tồn tại, tôi đề nghị các đồng chí cần suy nghĩ, cần nghiên cứu để có giải pháp khắc phục hiệu quả hơn trong 6 tháng cuối năm 2022).

Hai là: Chưa phối hợp tốt với các tổ chức đảng, cơ quan có liên quan để tiến hành thực hiện các cuộc kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực nội chính (Việc này, chúng ta cần suy nghĩ tìm xem nguyên nhân từ đâu? Nếu đã chỉ ra được và xác định được nguyên nhân thì cần phải khắc phục ngay hạn chế này).

Ba là: Đảng viên bị thi hành kỷ luật ở lĩnh vực hành chính, nhà nước, ở lực lượng vũ trang vẫn còn chiếm tỷ lệ cao trong số đảng viên vi phạm bị thi hành kỷ luật (Cụ thể ở lĩnh vực hành chính, nhà nước và lực lượng vũ trang có 30/51, chiếm 58,82% đảng viên vi phạm bị kỷ luật). Điều này cho chúng ta thấy công tác quản lý, giám sát, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên của tổ chức đảng ở hai lĩnh vực này có lúc, có nơi còn thiếu công tác kiểm tra, giám sát hoặc chưa được coi trọng đúng mức.

Bác Hồ kính yêu đã chỉ rõ: “Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của các chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích. Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có ngọn đèn “pha”. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ, chúng ta đều thấy rõ. Có thể nói rằng: Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”.

Thực tế cũng đã cho thấy, những sai phạm của không ít cán bộ, đảng viên (có cả cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý ở các cấp) trong những năm gần đây và trong thời gian vừa qua như báo chí đăng tin là do sự yếu kém của tổ chức đảng, có nơi mất sức chiến đấu, nội bộ không đoàn kết, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ còn lỏng lẻo, thiếu công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng thì không nghiêm, không làm tròn được vai trò hạt nhân lãnh đạo.

Mặt khác, bản thân của một số cán bộ, đảng viên không chịu tu dưỡng, rèn luyện, phai nhạt lý tưởng cách mạng, suy thoái về đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, xa rời nhân dân, không còn tư cách đảng viên...

Thực trạng tình hình trên là rất nghiêm trọng, nhiều Nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy đã chỉ ra là phải tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh cả về tư tưởng chính trị, về đạo đức, về tổ chức, cán bộ.

Chủ trương của Đảng từ Trung ương đến địa phương là rất rõ, rất cụ thể, có thể nói là quá đầy đủ; vậy thì sao vẫn còn nhiều cán bộ, đảng viên (Kể cả cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước) lại vi phạm, bị khởi tố, bị bắt giam (Việt Á là một ví dụ, là một đại án làm mất đi quá nhiều cán bộ, đảng viên, gây bức xúc, bất bình rất lớn ngay trong nội bộ Đảng và trong nhân dân).

Câu trả lời, nguyên nhân chính là sự yếu kém trong công tác quản lý của tổ chức đảng, thiếu kiểm tra, giám sát; là sự suy thoái về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong bản thân của cán bộ, đảng viên (Các đồng chí xem có đúng thế không).

Để thực hiện tốt lời dạy của Bác, để thực hiện nghiêm túc Điều lệ Đảng, các quy định của Đảng và chủ trương chỉ đạo của Tỉnh ủy; để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát trong thời gian tới, tôi đề nghị cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp cần nghiên cứu, cụ thể hóa 7 nhiệm vụ trong báo cáo và Chương trình kiểm tra, giám sát năm 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, gắn với triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất: Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; tăng cường tuyên truyền, phổ biến công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến các tổ chức đảng và đảng viên của cấp mình, để mỗi cán bộ, đảng viên thật sự thông suốt các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ của công tác kiểm tra, giám sát; tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, về ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, của ủy ban kiểm tra các cấp trong việc xây dựng kế hoạch, chương trình kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao nhất (Cũng xin lưu ý thêm với các đồng chí, trong công tác kiểm tra, giám sát cần phải bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh ủy, nhất là các văn bản mới ban hành, gắn với việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phải kết hợp linh hoạt các hình thức và phương pháp; kiểm tra, giám sát phải đồng bộ, toàn diện, hiệu lực và phải hiệu quả; kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm, giám sát phải mở rộng; kiểm tra phải dựa vào dân, nhất là phải phát huy được vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và của nhân dân…).

Thứ hai: Hơn ai hết, các đồng chí trong ngành Kiểm tra phải nhận thức đúng, nhận thức đầy đủ và phải xem công tác kiểm tra, giám sát là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng, một bộ phận quan trọng không thể thiếu trong công tác xây dựng Đảng.

Do đó, phải đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát; phải nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm tra, giám sát, trước hết là phải lựa chọn đúng đối tượng, đúng nội dung kiểm tra, giám sát và phải tập trung vào những vấn đề trọng điểm, dễ phát sinh sai phạm (Trong đó, cần lưu ý thêm ở cùng một lúc thì chúng ta cũng không nên có nhiều đoàn đến kiểm tra ở cùng một đơn vị và cùng nội dung).

Phải nắm chắc và thống nhất yêu cầu, mục đích của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng là để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, ngăn chặn những hạn chế, thiếu sót, những sai phạm trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thiếu trách nhiệm trong công việc, xem nhẹ sự lãnh đạo của Đảng; thiếu gương mẫu trong cuộc sống; đồng thời, kiên quyết xử lý những tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cố tình vi phạm, vi phạm nhiều lần hoặc không thành khẩn nhận khuyết điểm khi sai phạm.

Thứ ba: Trong tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng phải có sự nhất quán, đúng với Điều lệ Đảng, đúng với các hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy; phải có sự phối hợp tốt hơn giữa ủy ban kiểm tra với các tổ chức đảng và các ban, ngành có liên quan, giữa cấp trên và cấp dưới; thực hiện đồng bộ giữa kỷ luật Đảng với kỷ luật về mặt chính quyền.

Việc đánh giá, nhìn nhận về các sai phạm cũng cần phải đặt trong những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể để có quan điểm xử lý khách quan, phù hợp; phải đúng người, đúng việc, phải minh bạch; phải làm cho mọi người thấy rõ việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên sai phạm không làm “chậm lại” sự phát triển, mà ngược lại, càng làm trong sạch bộ máy, tạo sức mạnh thật sự, tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động của cán bộ, đảng viên và của nhân dân.

Thứ tư: Triển khai thực hiện toàn diện, có hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên của ủy ban kiểm tra theo quy định; đẩy mạnh việc quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh với phương châm “không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn”; chủ động nắm bắt thông tin để tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên (Xem đây là nhiệm vụ trọng tâm có vai trò trực tiếp, góp phần ngăn chặn sai phạm và xử lý vi phạm).

Chú trọng thực hiện công tác phúc tra các thông báo kết luận kiểm tra, kết quả giám sát (Chúng ta cần phải công tâm, khách quan trong xử lý sai phạm; xử lý phải kiên quyết, triệt để nhưng phải thấu tình, đạt lý để tổ chức, cá nhân sai phạm nhận ra được, biết được hành vi của mình là vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phải nghiêm túc, phải tự giác, phải thành khẩn chấp hành...).

Thứ năm: Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra; đồng thời, mỗi cán bộ kiểm tra phải tích cực học tập để nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực công tác; tự giác rèn luyện về phẩm chất đạo đức, nắm vững nghiệp vụ và thái độ làm việc phải thật sự khách quan, thận trọng, công tâm (phải kiên trì rèn luyện đức tính liêm khiết và phải thật sự có dũng khí; phải công tư nghiêm minh, nhưng công trước tư sau; chúng ta phải tích cực, phải chủ động và phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, kiểm soát để đảm bảo quyền lực được vận hành công khai, minh bạch, không bị “tha hóa”; phân công, phân cấp phải gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm).

Quan tâm công tác luân chuyển cán bộ kiểm tra sang công tác ở các ngành, các cấp và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp về làm công tác kiểm tra của Đảng theo Kết luận 13 ngày 10-12-2021 của Ban Bí thư, để cán bộ kiểm tra có điều kiện phấn đấu vươn lên và tham gia được nhiều ngành, nhiều lĩnh vực (Không chỉ dừng lại làm công tác kiểm tra suốt đời rồi nghỉ hưu nhưng không có điều kiện để phát triển).

Thứ sáu: Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện Quy định 67 ngày 2-6-2022 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định 468 ngày 27-6-2022 về thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh Tiền Giang về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ban Chỉ đạo gồm có Trưởng ban và 4 Phó Trưởng ban, trong đó có đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy là 1 trong 4 Phó Trưởng Ban Chỉ đạo. Với chức năng, nhiệm vụ được phân công cần phải tích cực, chủ động phối hợp, tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực; đặc biệt coi trọng việc ngăn chặn có hiệu quả tệ “tham nhũng vặt”.

Việc kiểm tra, giám sát vừa phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện và công khai, vừa phải tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực, về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” (Bởi vì hai mặt này có quan hệ chặt chẽ với nhau; do đó, cần phải kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu các hành vi sai phạm không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn).

Phải chú trọng phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng mới với phương châm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, không chịu sự tác động không đúng của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào; phải ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, “gợi ý”, “lót tay”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Thứ bảy: Nhân hội nghị của ngành Kiểm tra, tôi muốn nói thêm về vấn đề kiểm soát quyền lực. Về lý thuyết và thực tiễn mà nói: Quyền lực luôn có nguy cơ bị “tha hóa”, còn tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, cho nên việc chúng ta cần làm là phải kiểm soát cho được việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn; quyền hạn phải được ràng buộc bởi trách nhiệm; quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó; quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn.

Do đó, chúng ta cần phải thực hiện cho được 3 việc: Một là, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát để đảm bảo quyền lực được vận hành công khai, minh bạch, đúng đắn, không bị “tha hóa”; hai là, phân công, phân cấp phải gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm; ba là, thực hiện nghiêm việc xử lý, điều chuyển, miễn nhiệm, thay thế cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, vi phạm Điều lệ Đảng và pháp luật Nhà nước.

Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp cần phải tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc Quy định 205 của Bộ Chính trị để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; phải cụ thể hóa từng nội dung của Quy định theo thẩm quyền để kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn, phòng ngừa, hạn chế thấp nhất những sai phạm xảy ra (Đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng phải gương mẫu, phải nêu gương trong thực hiện Quy định).

Đối với các kiến nghị, đề xuất của các đồng chí, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xin ghi nhận, giao Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy tổng hợp và có văn bản báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến chỉ đạo từng vấn đề cụ thể.

Xin chúc các đồng chí luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.


(*) Đầu đề do Báo Ấp Bắc đặt

.
.
.