Chủ tịch nước chủ trì phiên họp thứ tư Ban Chỉ đạo xây dựng Nhà nước pháp quyền
Sáng 25/7, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” chủ trì phiên họp thứ tư Ban Chỉ đạo.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. |
Cùng dự phiên họp có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Cùng dự còn có đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng; các thành viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo một số bộ, ngành; Tổ Biên tập xây dựng Đề án, các chuyên gia, nhà khoa học pháp lý.
Quang cảnh phiên họp. |
Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đều đánh giá dự thảo Đề án được xây dựng công phu, khoa học, kỹ lưỡng, huy động được trí tuệ, tâm huyết của các cơ quan, tổ chức, các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu; thống nhất cao với mục tiêu, quan điểm, các nhiệm vụ, giải pháp được đặt ra trong dự thảo Đề án; đồng thời có nhiều góp ý cụ thể, thiết thực, nhất là đối với những vấn đề mới trong nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết, dự thảo Đề án được tiếp thu, chắt lọc từ các báo cáo chuyên đề; được xây dựng bài bản, khoa học, dân chủ, thận trọng, công phu, toàn diện, bám sát Cương lĩnh, các Văn kiện của Đảng và Hiến pháp năm 2013. Việc xây dựng Đề án bảo đảm sự lãnh đạo chặt chẽ, xuyên suốt của Đảng, mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội, tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền; quán triệt quan điểm về chủ quyền Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; tiếp thu kinh nghiệm về xây dựng Nhà nước pháp quyền của các nước trên thế giới phù hợp với truyền thống tốt đẹp và điều kiện, thực tiễn Việt Nam.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát của chế độ ta thể hiện rõ bản chất đặc trưng của Nhà nước ta luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; dù ở giai đoạn lịch sử nào cũng cần tăng cường và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” là mô hình Nhà nước đại diện cho quyền làm chủ Nhân dân, đồng thời là người tổ chức thực hiện đường lối của Đảng, Nhà nước bảo đảm các điều kiện để Nhân dân làm chủ, chịu sự giám sát của Nhân dân, trong đó nhấn mạnh vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và Nhân dân trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; chủ quyền nhân dân là giá trị, đặc trưng cốt lõi của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Trong nhà nước pháp quyền, Nhân dân thực hiện quyền lực thông qua nhiều hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp, cùng với việc thực hiện các quyền lực được Nhân dân giao phó thì Nhà nước còn có trách nhiệm tổ chức các cơ chế, thiết chế để Nhân dân thực hiện hiệu quả nhất quyền lực của mình.
Việc hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực là nội dung có tính đột phá trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa để bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực bên trong mỗi cơ quan và giữa các cơ quan nhà nước, giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương và giữa các cơ quan trong cùng một cấp chính quyền địa phương; xây dựng Nhà nước pháp quyền là một trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị, có liên quan đến toàn bộ tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, đến các mối quan hệ lớn mà Đảng đã nhận diện và lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết; đòi hỏi phải có những đổi mới, cải cách có tính đột phá; phải được thực hiện kiên quyết, kiên trì, với quyết tâm chính trị rất cao; phải đặt lợi ích đại cục của Nhân dân, đất nước lên trên hết, trước hết.
Các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được phân chia theo hai giai đoạn là hợp lý, trên tinh thần từ nay đến năm 2030, bám sát Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013 để hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện tốt trên tinh thần của Cương lĩnh và quy định của Hiến pháp; sau năm 2030 đến năm 2045 mang tính định hướng việc tổ chức thực hiện sẽ được quyết định trên cơ sở tổng kết thực tiễn.
Chủ tịch nước yêu cầu Tổ Biên tập xây dựng Đề án giúp Ban Chỉ đạo chuẩn bị kỹ lưỡng Tờ trình và các tài liệu kèm theo; lập luận chặt chẽ, khoa học, có sức thuyết phục cao để trình Bộ Chính trị cho ý kiến và trình tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII).
(Theo nhandan.vn)