.

Chuyện về hai anh em liệt sĩ đất Gò Công

Cập nhật: 22:32, 23/07/2022 (GMT+7)

Trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, có những gia đình có nhiều người con đã hy sinh anh dũng vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong số đó, có 2 anh em ruột là cán bộ cách mạng đã hy sinh cùng một năm (1968) ở vùng Gò Công (tỉnh Tiền Giang) là Liệt sĩ Võ Văn Di và Liệt sĩ - Anh hùng Lực  lượng vũ trang nhân dân Võ Văn Kiết.

1. VÕ VĂN DI (1919 - 1968)

 

Đồng chí Võ Văn Di, bí danh Võ Duy Linh, sinh năm 1919 tại làng Bình Ân, tổng Hòa Lạc Hạ, tỉnh Gò Công (nay là xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình nông dân có truyền thống đấu tranh chống áp bức, bóc lột. Năm 1945, đồng chí giác ngộ cách mạng, tham gia Đội Du kích xã, rồi lần lượt giữ các chức vụ Xã đội trưởng, Huyện ủy viên kiêm Bí thư xã. 

Sau khi Hiệp định Genève (năm 1954) được ký kết, đồng chí tiếp tục làm Huyện ủy viên Gò Công, được tổ chức phân công ở lại miền Nam hoạt động. Đây là thời kỳ chính quyền Ngô Đình Diệm được Mỹ giật dây thẳng tay khủng bố, đàn áp quần chúng. Vì thế, phong trào cách mạng ở Gò Công bị tổn thất nghiêm trọng, hàng loạt cán bộ hoặc bị địch bắt bớ, giết hại hoặc theo chủ trương của cấp trên phải “điều lắng” tạm lánh đi nơi khác.

Năm 1957, chấp hành mệnh lệnh của tổ chức, đồng chí chuyển đổi địa bàn hoạt động lên Sài Gòn. Với tinh thần tiến công cách mạng cao độ, không sợ gian khổ, hy sinh, chỉ một năm sau (năm 1958), đồng chí trở về Gò Công đang bị địch bình định trắng, kiên trì bám đất, bám dân, gầy dựng lại cơ sở cách mạng, phát động quần chúng đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, hòa bình, chống tố cộng, diệt cộng.

Ngày 21-1-1960, đồng chí đại diện cho Huyện ủy Gò Công dự Hội nghị triển khai Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng do Tỉnh ủy Mỹ Tho triệu tập. Tại hội nghị quan trọng này, đồng chí được phân công nhiệm vụ phát động cuộc “Đồng khởi” ở huyện Gò Công (nay là huyện Gò Công Đông và TX. Gò Công) và huyện Hòa Đồng (nay là huyện Gò Công Tây và huyện Tân Phú Đông).

Tháng 2-1960, đồng chí trở về căn cứ Rừng Sác, thành lập Ban Cán sự Đảng hai huyện Gò Công và Hòa Đồng; trong đó Ban Cán sự Đảng huyện Gò Công do đồng chí làm Bí thư. Cùng với tập thể Ban Cán sự, đồng chí đã ra sức xây dựng lực lượng chính trị của quần chúng và lực lượng vũ trang cách mạng; đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo hai lực lượng này thực hiện liên tục các cuộc tấn công và nổi dậy trong suốt năm 1960, phá vỡ từng mảng lớn bộ máy chính quyền địch ở cơ sở, chấm dứt thời kỳ thoái trào ở Gò Công, mở ra bước phát triển mới của phong trào cách mạng ở địa phương, tiến cùng nhịp độ phát triển trong toàn tỉnh.

Tháng 6-1961, đồng chí được bầu làm Tỉnh ủy viên Mỹ Tho, Bí thư Huyện ủy Gò Công. Với trách nhiệm của mình, đồng chí đã chỉ đạo xây dựng các cơ quan Huyện ủy, cơ sở đảng từ huyện xuống tận xã, ấp; xây dựng lực lượng chính trị của quần chúng và lực lượng vũ trang huyện. Từ năm 1961 - 1963, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, phong trào du kích chiến tranh, phá “Ấp chiến lược”, đấu tranh chính trị và công tác binh vận ở huyện Gò Công phát triển mạnh mẽ, được Tỉnh ủy công nhận và tuyên dương là huyện có phong trào phát triển mạnh và vững chắc trong toàn tỉnh.

Đầu năm 1963, đồng chí được cấp trên cử đi học; rồi được điều lên tỉnh, vào Tỉnh ủy viên Mỹ Tho, Trưởng Ban An ninh tỉnh Mỹ Tho. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, Ban An ninh tỉnh và các huyện được kiện toàn, đã đập tan âm mưu chống phá cách mạng của địch bằng phương thức tình báo, gián điệp mà chúng đang ráo riết triển khai để thực hiện kế hoạch gom dân, lập ấp chiến lược.

Đầu năm 1964, đồng chí được Tỉnh ủy cử trở lại Gò Công với nhiệm vụ Tỉnh ủy viên Mỹ Tho, Bí thư Huyện ủy. Trong thời kỳ đồng chí làm Bí thư Huyện ủy, hệ thống cơ sở đảng vẫn được giữ vững, cán bộ bám chặt trong dân, vùng giải phóng được củng cố, phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, hoạt động vũ trang của bộ đội địa phương và du kích xã, ấp phát triển mạnh mẽ, mặc dù địch tăng cường đánh phá rất ác liệt nhằm thực hiện âm mưu biến nơi đây thành mô hình bình định kiểu mẫu của bọn chúng.

Tháng 10-1967, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Gò Công (vừa mới được tái lập theo quyết định của Khu ủy Khu 8), đồng chí cùng tập thể Huyện ủy ráo riết lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân huyện nhà chuẩn bị lực lượng về mọi mặt, nhất là lực lượng vũ trang, tuyển quân, hậu cần, dân công, sẵn sàng thực hiện lệnh nổi dậy và tiến công của cấp trên.

Đúng 2 giờ ngày mùng 2 Tết Mậu Thân (ngày 1-2-1968), theo kế hoạch của Tỉnh ủy, đồng chí phát lệnh cho bộ đội địa phương và du kích các xã thuộc huyện Gò Công nổ súng tiến công địch trên địa bàn toàn huyện; đồng thời, chi viện cho bộ đội tỉnh tiến công vào TX. Gò Công, khiến địch bị tổn thất nặng nề, phần lớn đồn bót, tháp canh của bọn chúng đều bị ta tiêu diệt; các xã trên địa bàn huyện: Tân Thành, Tân Bình Điền, Bình Ân, Bình Xuân, Phước Trung thành lập Ủy ban nhân dân giải phóng cấp xã.

Sau đó, đồng chí chỉ huy lực lượng vũ trang huyện đánh địch phản kích. Ngày 16-2-1968, trên đường đi công tác từ vùng C về vùng A, đồng chí bị địch phục kích, đã anh dũng chiến đấu, hy sinh tại ấp Gò Một, xã Tân Niên Đông (nay là xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông).

Sau năm 1975, đồng chí được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập. Bí danh của đồng chí được đặt tên đường ở TX. Gò Công, huyện Gò Công Đông và tên trường trung học cơ sở ở xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông.

2. VÕ VĂN KIẾT (1929 - 1968)

 

Đồng chí Văn Kiết, bí danh Mười Quốc, sinh năm 1929; là em ruột của Liệt sĩ Võ Văn Di. Năm 1946, đồng chí tham gia cách mạng, làm liên lạc và du kích xã. Năm 1950, giữ chức Xã đội trưởng. Năm 1952, bị địch bắt, đày đi Côn Đảo. Ở trong tù, đồng chí luôn tỏ rõ khí tiết của người chiến sĩ cộng sản.

Sau Hiệp định Genève (tháng 7-1954), đồng chí được trao trả ở Giá Rai (tỉnh Bạc Liêu); rồi trở về Gò Công hoạt động. Năm 1958, do địch tăng cường đánh phá phong trào cách mạng, theo chủ trương của cấp trên, đồng chí tự “điều lắng” sang Bà Rịa; và thành lập ở đây một tổ đảng, hoạt động bí mật. Tháng 5-1959, đồng chí bị địch bắt, nhưng do bọn chúng sơ hở, đồng chí đã trốn thoát.

Sau đó, đồng chí trở về Gò Công hoạt động đơn tuyến. Tháng 2-1960, đồng chí bắt liên lạc được với một số cán bộ còn lại của Gò Công, tham gia thành lập Ban Cán sự Đảng hai huyện Gò Công, Hòa Đồng và căn cứ Rừng Sác.

Tháng 6-1961, đồng chí được bầu làm Phó Bí thư Huyện ủy Gò Công, phụ trách quân sự, tham gia chỉ đạo cao trào “Đồng khởi” của nhân dân huyện nhà. Đến khi Huyện đội được thành lập, đồng chí nhận thêm nhiệm vụ Chính trị viên Huyện đội, tích cực xây dựng cơ quan Huyện đội, cơ sở quân y, công trường sản xuất vũ khí, tổ chức lực lượng du kích tự vệ xã, ấp và lực lượng quân sự tập trung của huyện (đơn vị 206), phát triển phong trào chiến tranh du kích, tấn công địch, lập nên nhiều chiến công hiển hách. Đầu năm 1963, đồng chí được bầu làm Bí thư Huyện ủy Gò Công.

Dưới sự lãnh chỉ đạo của Huyện ủy, do đồng chí làm Bí thư, phong trào du kích chiến tranh và phá “Ấp chiến lược” ở Gò Công phát triển rất mạnh mẽ. Đến cuối năm 1963, hầu hết vùng nông thôn ở Gò Công đều thuộc quyền kiểm soát của chính quyền cách mạng; toàn bộ hệ thống ấp chiến lược của địch bị phá banh, phá rã, trở thành xã, ấp chiến đấu của ta (huyện có 15/15 xã chiến đấu, 75/132 ấp chiến đấu); chính sách bình định của địch bị thất bại nặng nề ở Gò Công.

Với thành tích này, tại Hội nghị tổng kết đánh phá ấp chiến lược địch được tổ chức vào tháng 9-1963, Khu ủy Khu 8 đã đánh giá tỉnh Mỹ Tho là đơn vị lá cờ đầu trong toàn khu, huyện Gò Công là lá cờ đầu trong toàn tỉnh Mỹ Tho.

Về phong trào du kích chiến tranh, tại hội nghị tổng kết do Tỉnh ủy tổ chức vào tháng 12-1963, huyện Gò Công được đánh giá lập thành tích xuất sắc; đồng thời, tại hội nghị, các xã Tân Bình Điền, Long Thuận, An Hòa, Kiểng Phước đã được Tỉnh ủy tặng Bằng khen.

Do huyện có thành tích nổi bật, với tư cách là Bí thư Huyện ủy, đồng chí vinh dự được thay mặt tỉnh Mỹ Tho báo cáo kinh nghiệm của Gò Công về phong trào phá “Ấp chiến lược” trong Hội nghị tổng kết phong trào du kích chiến tranh do Trung ương Cục miền Nam tổ chức vào đầu năm 1964.

Tại hội nghị, Quân ủy Miền đã tuyên dương và trao tặng Lực lượng vũ trang tỉnh Mỹ Tho Huân chương Quân công hạng Nhất. Trong thành tích chung của toàn tỉnh, huyện Gò Công đã có nhiều đóng góp xuất sắc.

Tháng 2-1964, đồng chí được bầu làm Tỉnh ủy viên, Chính trị viên phó Tỉnh đội Mỹ Tho. Năm 1965, đồng chí được cử đi học lớp đào tạo cán bộ quân sự trung cao do Bộ Chỉ huy Quân sự Miền mở; rồi trở về làm Tiểu đoàn trưởng kiêm Chính trị viên Tiểu đoàn 514 tỉnh Mỹ Tho.

Dưới sự chỉ huy tài ba của đồng chí, Tiểu đoàn 514 đã liên tục tiến công địch, giành được những chiến thắng giòn giã trên chiến trường Mỹ Tho.

Điển hình như, tháng 6-1966, đồng chí chỉ huy tiểu đoàn tập kích trường huấn luyện hạ sĩ quan quân đội Sài Gòn ở Tân Hiệp (huyện Châu Thành) và dinh quận Cái Bè, tiêu diệt và làm bị thương khoảng 100 lính địch, trong đó có quận trưởng và 1 cố vấn Mỹ, thu nhiều vũ khí; cuối năm 1966, chỉ huy tiểu đoàn đánh diệt 1 trung đội lính Mỹ ở gần căn cứ Đồng Tâm (xã Bình Đức, huyện Châu Thành); sau đó, tiếp tục tập kích, tiêu diệt 1 chi đội xe bọc thép M.113; trên đường trở về căn cứ, đơn vị đụng 1 đại đội biệt kích Mỹ, đồng chí đã bình tĩnh chỉ huy chiến đấu, diệt hàng chục tên; năm 1967, chỉ huy tiểu đoàn tập kích sở chỉ huy lữ đoàn 2, sư đoàn 9 Mỹ, diệt và làm bị thương khoảng 200 lính địch; tháng 3-1968, chỉ huy đơn vị chống càn ở xã Long Bình Điền (huyện Chợ Gạo), bắn rơi 9 máy bay trực thăng… Đầu tháng 5-1968, đồng chí được đề bạt làm Trung đoàn phó Trung đoàn 2, Quân khu 8.

Ngày 10-5-1968, đồng chí đã anh dũng hy sinh trong khi đang chỉ huy đơn vị đánh địch phản kích tại xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo; đã được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tên đồng chí được đặt tên đường ở TX. Gò Công, thị trấn Tân Hòa (huyện Gò Công Đông) và tên trường trung học cơ sở ở xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông.

THÁI KIM

.
.
.