Đổi mới mạnh mẽ phương pháp chỉ đạo, điều hành trong hoạt động thanh tra
(ABO) Sáng 7-7, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của ngành Thanh tra. Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang. |
Theo Thanh tra Chính phủ, 6 tháng đầu năm, toàn ngành đã triển khai 4.257 cuộc thanh tra hành chính và 77.770 cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành.
Qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 25.022 tỷ đồng, 9.623 ha đất.
Trong đó, ngành Thanh tra đã kiến nghị thu hồi 10.268 tỷ đồng và 134 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý 14.753 tỷ đồng, 9.489 ha đất; ban hành 57.154 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 4.243 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 1.682 tập thể và 2.676 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 163 vụ với 89 đối tượng.
Trong những tháng đầu năm, tình hình khiếu kiện của công dân giảm, khiếu kiện tập trung tại trung tâm thành phố, trụ sở các cơ quan nhà nước, Trung ương và địa phương không nhiều.
Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp 158.824 lượt người về 126.145 vụ việc; tiếp nhận 186.824 đơn các loại. Đồng thời, giải quyết 9.865/13.741 vụ khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 71,8%.
Thông qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi 3,4 tỷ đồng, 1,6 ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 16,9 tỷ đồng, 3,3 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 20 tổ chức, 258 cá nhân; kiến nghị xử lý 279 người; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 13 vụ, 14 đối tượng.
Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, ngành Thanh tra tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Trong 6 tháng đầu năm, cơ quan hành chính nhà nước phát hiện 30 vụ việc với 40 người.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đoàn Hồng Phong yêu cầu trong thời gian tới, toàn ngành Thanh tra cần phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ để tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp chỉ đạo, điều hành, tạo sự chuyển biến tích cực, quyết tâm, nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
Ngành Thanh tra cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết là bám sát định hướng chương trình thanh tra năm 2022, của Chính phủ, thủ trưởng cơ quan hành chính và tình hình thực tế để tiếp tục tổ chức thực hiện hoàn thành kế hoạch thanh tra và nhiệm vụ đột xuất do cấp trên giao.
Đồng thời, xây dựng định hướng kế hoạch thanh tra năm 2023 có trọng tâm, trọng điểm, bám sát chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, cấp ủy, chính quyền các cấp; tăng cường hơn nữa công tác đôn đốc xử lý sau thanh tra, nhất là về tiền, tài sản, đất đai, xử lý cán bộ vi phạm.
Bên cạnh đó, ngành Thanh tra cần tham mưu triển khai đồng bộ các nhiệm vụ về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong bối cảnh, trạng thái bình thường mới.
Đồng chí Đoàn Hồng Phong đề nghị các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ rà soát, đôn đốc, kiểm tra vụ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Các địa phương cần làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo…
M. THÀNH