Thứ Tư, 06/07/2022, 18:15 (GMT+7)
.

Kỳ họp thứ 5 - HĐND tỉnh Tiền Gang khóa X: Đại biểu kiến nghị nhiều vấn đề còn băn khoăn

(ABO) Chiều 6-7, tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 5 - HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X, các đại biểu HĐND tỉnh tiến hành thảo luận tại tổ.

Thảo luận tại tổ, các đại biểu tập trung đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 6 tháng đầu năm và thảo luận các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm 2022.

Đại biểu phát biểu ý kiến tại tổ
Đại biểu phát biểu ý kiến tại tổ về phát triển du lịch Tiền Giang và trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Tiếp đó, các đại biểu đã cho ý kiến, thảo luận nhiều vấn đề còn hạn chế, bức xúc ở địa phương như: Tội phạm an ninh mạng đang ngày càng gia tăng và phức tạp, gây bức xúc dư luận, ngành Công an cần tăng cường tuyên truyền và có biện pháp xử lý mạnh hơn để nâng cao ý thức người dân trong sử dụng mạng; chấn chỉnh, xử lý nghiêm tình trạng phát tờ rơi “cho vay tiền góp không cần thế chấp”; vấn đề chi hỗ trợ cho các F1, F0 còn chậm gây bức xúc trong nhân dân, đề nghị UBND tỉnh nhanh chóng chỉ đạo vấn đề này.

Đại biểu băn khoăn về chất lượng dạy và học trực tuyến
Đại biểu băn khoăn về chất lượng dạy và học trực tuyến.

Còn về vấn đề giải quyết việc làm, đào tạo nghề, các đại biểu cho rằng hiện nay nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường khó xin việc làm, vì nhu cầu tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp chủ yếu cần lao động có tay nghề, không cần trình độ đại học. Đại biểu đề nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng các trường nghề đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời gian tới.

Đại biểu cũng đề xuất, không nhất thiết huyện nào cũng có trung tâm dạy nghề, có thể đầu tư 1 - 2 trường nghề cấp tỉnh nhưng chất lượng đảm bảo nhu cầu cung cấp nguồn lao động lành nghề trong thời gian tới.

Đại biểu phát biểu ý kiến liên quan đến tội phạm an ninh mạng
Đại biểu phát biểu ý kiến liên quan đến tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao hiện nay.

Liên quan đến các làng nghề truyền thống, theo ý kiến của đại biểu, hiện nay nhiều làng nghề đã xuống cấp, UBND cần có chủ trương rà soát, đánh giá lại các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh, từ đó có chủ trương làng nghề nào cần giữ lại đầu tư phát triển, thậm chí có thể xây dựng sản phẩm OCOP cho địa phương.

Liên quan đến vấn đề phát triển du lịch của tỉnh, đại biểu cho rằng hiện nay du lịch Tiền Giang vẫn chưa có gì nổi bật dù đã có Nghị quyết số 11-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh đánh giá lại và cần có giải pháp đột phá trong thời gian tới…

Đại biểu phát biểu ý kiến tại tổ
Đại biểu phát biểu ý kiến tại tổ.

Đối với các di tích lịch sử văn hóa, đại biểu cho rằng hiện nay nhiều di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh xuống cấp (Nhà bà Năm Dẹm, Di tích nơi Bác Tôn sinh sống và hoạt động cách mạng), đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành tỉnh họp đánh giá lại, nếu tiếp tục duy trì danh hiệu Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh thì phải có chủ trương, kế hoạch trùng tu tôn tạo, còn không thì có thể rút danh hiệu Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, tránh để xuống cấp mai một và không xứng tầm là di tích lịch sử văn hóa gây nhiêu dư luận không hay.

Đại biểu phát biểu ý kiến tại tổ
Đại biểu phát biểu ý kiến tại tổ.

Đại biểu còn ý kiến liên quan đến các chỉ tiêu, tiến độ xây dựng nông thôn mới (NTM); các thiết chế văn hóa ở các xã NTM, cần cân nhắc đến quy mô, trang thiết bị; đồng thời, đẩy mạnh khai thác công năng của các công trình, trang thiết bị đã đầu tư, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân để tránh gây lãng phí. Cùng với đó là cần sớm đưa ra giải pháp về Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đặc biệt là cây sầu riêng ở 4 huyện (Cái Bè, Cai Lậy, TX. Cai Lậy, Châu Thành).

Ngoài ra, đại biểu băn khoăn về chất lượng học trực tuyến của học sinh lớp 1, lớp 2 năm học 2021 - 2022 và đề nghị ngành Giáo dục cần có kịch bản, giải pháp củng cố kiến thức cho học sinh để đảm bảo chất lượng dạy và học ở năm học 2022 - 2023 nhằm giúp phụ huynh an tâm.

THU HOÀI - VĂN THẢO

 

.
.
.