Thứ Sáu, 15/07/2022, 10:19 (GMT+7)
.
KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ MAI CHÍ THỌ (15-7-1922 - 15-7-2022)

Người chiến sĩ cách mạng kiên cường, nhà lãnh đạo hết lòng vì nước, vì dân

Đại tướng Mai Chí Thọ là vị đại tướng đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân (CAND) và là vị chỉ huy giàu kinh nghiệm, có đóng góp to lớn vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt là xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó.

Đại tướng tên thật là Phan Đình Đống (bí danh Năm Xuân), sinh ngày 15-7-1922, tại xã Nam Vân, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an, nguyên Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh. Ngày 28-5-2007, đồng chí từ trần, để lại bao tiếc thương trong lòng nhân dân cả nước.

NGƯỜI CỘNG SẢN KIÊN CƯỜNG

Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, đồng chí Mai Chí Thọ  sớm bộc lộ phẩm chất của một người cộng sản tận trung với nước, tận hiếu với dân. Ngay từ khi còn đi học, năm 1936 đồng chí đã tham gia hoạt động cách mạng trong phong trào học sinh Huế - Hà Nội. Năm 1939, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam khi mới 17 tuổi.

Từ năm 1940 đến năm 1945, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và giam giữ tại các nhà tù: Nam Định, Hỏa Lò, Sơn La, Khám Lớn Sài Gòn, Côn Đảo. Trong thời gian bị tù đày, chịu sự tra tấn dã man của kẻ thù nhưng đồng chí vẫn luôn kiên cường chiến đấu, giữ vững khí tiết của người đảng viên cộng sản và cùng với các đồng chí của mình, biến nhà tù của bọn thực dân, đế quốc thành trường học của những người cộng sản.

Đồng chí Mai Chí Thọ (ngồi giữa) trong giờ nghỉ trưa cùng các đồng đội trên đường từ Chiến khu Dương Minh Châu qua Chiến khu Đ năm 1970.
Đồng chí Mai Chí Thọ (ngồi giữa) trong giờ nghỉ trưa cùng các đồng đội trên đường từ Chiến khu Dương Minh Châu qua Chiến khu Đ năm 1970.

Nhiều sự kiện lịch sử đã gắn với đồng chí Mai Chí Thọ, đặc biệt là trận đánh Tua Hai vào năm 1960, đồng chí là một trong những người chỉ huy trực tiếp. Đây là một trận đánh như phát pháo hiệu mở đầu phong trào Đồng khởi vũ trang ở Tây Ninh và miền Đông Nam bộ, mở ra phương thức đấu tranh chính trị binh vận kết hợp với vũ trang trên khắp chiến trường miền Nam đến ngày toàn thắng.

Trong giai đoạn từ năm 1960 - 1965, đồng chí là Bí thư Khu ủy miền Đông Nam bộ và là Chính ủy Quân khu miền Đông Nam bộ. Từ năm 1965 - 1975, đồng chí được cử làm Ủy viên Thường vụ, rồi Phó Bí thư, rồi Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định và là Chính ủy Quân khu Sài Gòn - Gia Định… Trải qua 2 cuộc kháng chiến, đồng chí luôn có mặt ở nơi đầu sóng ngọn gió, từ miền Tây đến miền Đông Nam bộ, Sài Gòn - Gia Định, được giao nhiều trọng trách khác nhau, nhưng ở bất kỳ cương vị nào, đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Tháng 6-1985, đồng chí thôi giữ chức Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, chuyển sang làm Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, rồi Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh. Tháng 12-1987,đồng chí được Hội đồng Nhà nước bổ nhiệm giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) và là Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương. Tháng 5-1989, đồng chí được Nhà nước phong quân hàm Đại tướng An ninh nhân dân.

Khi thôi giữ các cương vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Đại tướng Mai Chí Thọ vẫn dành trọn tâm sức của mình cho công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng lực lượng Công an trong sạch, vững mạnh. Và hình ảnh chú Năm Xuân đã trở nên thân thương với người dân thành phố với những đóng góp lớn của đồng chí trong công tác xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, công tác khuyến học và nhiều hoạt động xã hội khác còn mãi đọng lại trong lòng người dân.

Năm 1945, sau khi ra khỏi nhà tù của thực dân đế quốc, đồng chí tiếp tục hoạt động cách mạng và được tổ chức Đảng phân công làm Bí thư Thanh niên cứu quốc. Năm 1948, đồng chí là Trưởng ty Công an, Phó Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ. Cuối năm 1948 đến năm 1949, đồng chí là Trưởng ty Công an, Phó Bí thư Tỉnh ủy, rồi Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho. Từ năm 1950 đến năm 1952, đồng chí là Phó Giám đốc Sở Công an Nam bộ, Phó Bí thư và Bí thư Liên chi chính quyền Nam bộ.

Tại Hội thảo khoa học “Đại tướng Mai Chí Thọ với lực lượng Công an nhân dân Việt Nam và Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Hồ Chí Minh” vừa được Bộ Công an và Thành ủy TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Mai Chí Thọ, Đại tướng Lê Hồng Anh đã chia sẻ: “Trong cảm nhận và suy nghĩ của nhiều đồng chí, đồng bào, anh Năm Xuân là một nhà lãnh đạo rất sâu sát với đời sống chiến sĩ và nhân dân, rất “tâm lý” với những suy tư, trăn trở và những khó khăn của cấp dưới. Cương quyết, thậm chí quyết liệt với kẻ thù, nhưng với đồng bào, đồng chí, anh Năm Xuân bao giờ cũng thể hiện một thái độ đúng mực, tỉnh táo, mềm mỏng.

Từ năm 1940, Đại tướng Mai Chí Thọ bị kẻ thù giam cầm trong nhiều nhà tù cực kỳ khắc nghiệt, thế nhưng cũng chính trong nơi tận cùng tăm tối và gian khổ ấy, người chiến sĩ cách mạng Mai Chí Thọ đã có dịp được gần gũi và học được thêm nhiều điều tốt đẹp từ những bậc đàn anh đáng kính như: Bác Tôn Ðức Thắng, đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Nguyễn Văn Linh, đồng chí Phạm Hùng...

Trong đó, đồng chí Mai Chí Thọ đã đặc biệt kính phục Bác Tôn, lúc đó cũng bị giam ở “Sở Lưới” tại Côn Đảo. Chính phong cách sống dũng cảm, cương quyết trước cường quyền và bao dung, độ lượng với đồng chí, đồng bào của Bác Tôn là tấm gương sáng ngời đề đồng chí Mai Chí Thọ noi theo”.

CÂY ĐẠI THỤ CỦA LỰC LƯỢNG CAND  

Cách mạng Tháng Tám thành công, trở về từ nhà tù Côn Đảo, đồng chí Mai Chí Thọ đã có nhiều năm gắn bó và công tác trong lực lượng CAND. Trải qua nhiều chức vụ, trong nhiều hoàn cảnh lịch sử, đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc vai trò người lãnh đạo, chỉ huy, góp phần xây dựng lực lượng CAND ngày càng vững mạnh, phát huy vai trò trong thực hiện mục tiêu chiến lược của Đảng, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao Huân chương Sao Vàng cho Đại tướng Mai Chí Thọ năm 2007.
Đồng chí Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao Huân chương Sao Vàng cho Đại tướng Mai Chí Thọ năm 2007.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, khi đảm trách các cương vị lãnh đạo Công an ở Nam bộ, đồng chí đã chỉ đạo xây dựng lực lượng Công an cách mạng, tập trung vào đấu tranh “phá tề, trừ gian”, đánh mạnh vào chính quyền cơ sở của địch, tạo điều kiện để quân và dân trên địa bàn triển khai được thế trận chiến tranh nhân dân, thực hiện đường lối kháng chiến kiến quốc. Những tổ chức như: Trinh sát cứu quốc đoàn, Đội trừ gian... là các đội vũ trang nhỏ, gọn, tinh nhuệ, cơ động của ngành Công an đã phát huy vai trò trong phá thế kìm kẹp của địch, góp phần củng cố thế trận kháng chiến ở Nam bộ.

Với cương vị là Phó Ban rồi Trưởng Ban Địch tình Xứ ủy Nam bộ, đồng chí đã cùng tập thể Ban Địch tình Xứ ủy Nam bộ tranh thủ thời cơ khi chuyển quân tập kết, trao trả tù chính trị theo quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ để hình thành nên mạng lưới tình báo có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khiến cho giới tình báo quốc tế hết sức nể phục.

Từ năm 1960 đến kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên các cương vị lãnh đạo của Quân khu miền Đông Nam bộ, Quân khu Sài Gòn - Gia Định, đồng chí đã góp phần xây dựng lực lượng An ninh miền Nam, phối hợp với các lực lượng vũ trang cách mạng đẩy mạnh tiến công địch, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.

Trên cương vị Giám đốc Sở Công an TP. Hồ Chí Minh sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, vốn là nơi đầu não của chính quyền chế độ cũ, tập trung nhiều đối tượng phức tạp, nơi địch tìm mọi cách chống phá quyết liệt, đồng chí đã nhanh chóng tổ chức, đào tạo lực lượng, kết hợp với lực lượng tăng cường của Bộ kịp thời trấn áp những đối tượng nguy hiểm, phá tan mọi âm mưu lật đổ chính quyền, giữ vững an ninh, trật tự thành phố trong năm đầu mới giải phóng.

Với những đóng góp to lớn, đặc biệt xuất sắc trong công cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Đại tướng Mai Chí Thọ đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huy chương “Vì an ninh Tổ quốc” và nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước và bạn bè quốc tế.

HỮU TƯỜNG (tổng hợp)

.
.
.