Ngày 12-7 tổ chức tang lễ ông Abe Shinzo
Theo hãng tin Kyodo, đoàn xe chở thi hài của cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã về tới nhà ông ở quận Shibuya, trung tâm thủ đô Tokyo, vào lúc 13 giờ 30 (giờ địa phương) chiều 9-7.
Cựu Thủ tướng Abe Shinzo |
Cùng ngày, cảnh sát Nhật Bản cho biết vẫn đang nỗ lực làm rõ động cơ gây án của nghi phạm Tetsuya Yamagami. Đối tượng này cho biết có mối thù hận với một tổ chức tôn giáo, mà y cho là có liên quan đến cựu Thủ tướng Abe Shinzo. Đối tượng này phủ nhận việc tấn công vì mục đích chính trị.
Các nguồn tin điều tra cho biết Yamagami đã khai rằng ban đầu y dự định ám sát một lãnh đạo tôn giáo. Rất nhiều người dân Nhật Bản đã đến hiện trường vụ tấn công để đặt vòng hoa, bày tỏ sự tiếc thương với ông Abe Shinzo, nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất ở Nhật Bản. Dự kiến, lễ thắp nến tưởng nhớ ông Abe Shinzo sẽ tổ chức vào ngày 11-7 và tang lễ diễn ra trong ngày 12-7.
Trong một diễn biến khác, ngày 10-7, cử tri Nhật Bản đi bỏ phiếu, bầu 125 thành viên mới ở thượng viện. Trong cuộc bầu cử này, liên minh cầm quyền giữa đảng Dân chủ tự do (LDP) của Thủ tướng Kishida Fumio và đảng Công minh chỉ đặt mục tiêu duy trì thế đa số ở Thượng viện.
Theo giới phân tích, đây là mục tiêu khá khiêm tốn và liên minh cầm quyền có thể sẽ hoàn thành mục tiêu này một cách dễ dàng, nhất là khi tỷ lệ ủng hộ dành cho LDP và nội các của Thủ tướng Kishida đều đang khá cao, trong khi phe đối lập đang bị chia rẽ nghiêm trọng.
Vấn đề mà giới phân tích quan tâm nhất trong cuộc bầu cử năm nay là liệu phe ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp có thể giành được thế đa số 2/3 (tức là ít nhất 166 ghế) ở Thượng viện sau bầu cử hay không. Đây là điều kiện tiên quyết để Thủ tướng Kishida khởi động tiến trình sửa đổi Hiến pháp ở quốc hội sau khi phe ủng hộ sửa đổi Hiến pháp đã giành 2/3 số ghế ở Hạ viện trong cuộc bầu cử năm ngoái.
Trong cương lĩnh tranh cử năm nay, LDP đặt mục tiêu “cập nhật” Hiến pháp, vốn chưa được sửa đổi kể từ khi ban hành vào năm 1946, một phần để làm rõ hơn tình trạng pháp lý của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) trong văn bản này.
Trong số 123 ghế ở Thượng viện chưa tới thời điểm bầu lại, có 84 ghế do các nghị sĩ thuộc phe ủng hộ sửa đổi Hiến pháp. Vì vậy, để có được thế đa số 2/3 ở Thượng viện, phe ủng hộ sửa đổi Hiến pháp cần giành được ít nhất 82 ghế trong cuộc bầu cử này.
(Theo sggp.org.vn)