Thứ Sáu, 08/07/2022, 10:13 (GMT+7)
.
Phiên giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 - HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X:

Nhiều giải pháp cung cấp nước sạch và phát triển ngành Nông nghiệp

(ABO) Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và cấp nước sạch cho người dân các huyện phía Đông là những vấn đề đại biểu và cử tri luôn quan tâm ở nhiều kỳ họp HĐND tỉnh. Tại Phiên giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 5 - Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Tiền Giang khóa X vào chiều 7-7, các vấn đề này tiếp tục được đại biểu HĐND tỉnh đặt ra và đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp tỉnh giải trình, đề ra giải pháp cụ thể tháo gỡ những hạn chế, bất cập kéo dài.

TẬP TRUNG ĐẦU TƯ NÔNG NGHIỆP CHẤT LƯỢNG CAO GẮN VỚI CHẾ BIẾN, XUẤT KHẨU

Tại phiên giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu HĐND tỉnh cho rằng, Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 5-4-2017 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng và Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh Tiền Giang (Nghị quyết 10), bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, đến nay tình hình sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, tình trạng sản xuất tự phát không theo quy hoạch diễn ra ở nhiều địa phương, khâu liên kết tiêu thụ nông sản còn yếu, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chưa đủ mạnh. Đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đánh giá lại thực trạng này và cho biết giải pháp gì để góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp trong thời gian tới?

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn giải trình các vấn đề đại biểu đặt ra.

Giải trình vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, những năm qua, trên cơ sở phân định thế mạnh từng vùng theo Nghị quyết 10, tỉnh đã tập trung phát triển toàn diện nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, thâm canh, chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; tổ chức lại hệ thống sản xuất nông nghiệp theo hướng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, an toàn (GAP) gắn với hệ thống tiêu thụ và phục vụ cho công nghiệp chế biến... nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh.

Theo đó, đã đạt được những thành tựu nhất định, khẳng định vị trí nền tảng trong sự phát triển kinh tế - xã hội chung của Tiền Giang, năm 2021, khu vực nông, lâm, ngư nghiệp đóng góp 38,6% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; xây dựng nông thôn mới đã đạt kết quả tích cực, đến nay có 131/143 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 3 đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 tăng 1,56 lần so với năm 2016.

Quang cảnh phiên chất vấn
Quang cảnh Phiên giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn.

6 tháng đầu năm 2022, thời tiết thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát, thị trường tiêu thụ nông sản tuy có lúc khó khăn nhưng nhìn chung nông dân vẫn tiêu thụ được hết sản phẩm nên đã đạt được những kết quả rất phấn khởi. Tốc độ tăng trưởng đạt 3,84% (cùng kỳ chỉ tăng 1,57%), cao nhất trong 5 năm qua. Hầu hết các chỉ tiêu sản xuất đều cao hơn so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp, nông thôn vẫn còn những khó khăn, hạn chế như đại biểu đã nêu. Đồng chí Nguyễn Văn Mẫn cũng đã chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến việc phát triển ngành Nông nghiệp tỉnh chưa đạt như kỳ vọng như: Do tập quán sản xuất, quy mô nông hộ nhỏ khó liên kết, hợp tác hình thành chuỗi giá trị nguồn lực để triển khai thực hiện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa đảm bảo; thị trường xuất khẩu thiếu ổn định, xuất khẩu chủ yếu lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc và qua đường tiểu ngạch nên giá trị thấp; việc thiếu thông tin dự báo tình hình phát triển sản xuất trong nước và các nước nên khó trong điều hành sản xuất; thiếu nắm bắt tình hình thị hiếu tiêu dùng (từ chất lượng đến chủng loại nông sản ở các quốc gia chưa được dự báo chính xác và hiệu quả); sức mua thị trường nội địa khá lớn nhưng chưa chú trọng, tình trạng được mùa mất giá hoặc bị ép giá thường xuyên xảy ra, nhất là vào các thời điểm chính vụ.

Tiền Giang hướng đến sản xuất sản phẩm sạch
Tăng cường tuyên truyền nông dân ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới, cơ giới hóa, công nghệ cao, hữu cơ vào sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản.

Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách ban hành nhiều nhưng chưa đồng bộ, chưa tập trung, nhất là nguồn lực thực hiện nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ chưa khuyến khích người dân tiếp cận và ứng dụng do chi phí đối ứng rất cao dẫn đến hiệu quả sản xuất chưa thể hiện rõ; cơ chế xử lý việc chuyển đổi không theo quy hoạch chưa đủ mạnh (chưa có trường hợp nào bị xử lý)…

Trong thời gian tới, giải pháp trước mắt, ngành NN&PTNT tiếp tục giám sát chặt chẽ vùng trồng, vật nuôi, khuyến cáo người dân bình tĩnh, ổn định sản xuất, tập trung nâng cao chất lượng, không vì giá thấp mà chuyển sang cây trồng khác khi chưa đánh giá được tính ổn định của cây trồng chuyển đổi. Đồng thời, tổ chức các hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp với hợp tác xã để góp phần tiêu thụ nông sản cho người dân.

Cùng với đó là tăng cường tổ chức các cuộc thanh tra chuyên ngành, thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để tình trạng trục lợi, tăng giá hoặc vận chuyển, sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Hướng đến thị trường xuất khẩu
Tiền Giang hướng đến xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý cho các loại nông sản có thể mạnh của tỉnh.

Giải pháp lâu dài, ngành NN&PTNT sẽ hoàn thành nội dung tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để làm cơ sở triển khai thực hiện, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo hướng nông nghiệp chất lượng cao, ưu tiên phát triển cụm ngành hàng trái cây gắn với chế biến, xuất khẩu. Ngành ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới, cơ giới hóa, công nghệ cao, hữu cơ vào sản xuất (Sở NN&PTNT đã trình UBND tỉnh kế hoạch ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh).

Đồng thời, thực hiện tốt công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh; vận động tổ chức, cá nhân tăng cường lập thủ tục đề nghị cấp mới thêm mã số vùng trồng, để gia tăng sản lượng phục vụ xuất khẩu chính ngạch góp phần tạo sản phẩm an toàn có thị trường tiêu thụ ổn định, giúp người dân có lợi nhuận trong sản xuất.

Cùng với đó là xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý cho các loại nông sản có thể mạnh của tỉnh; tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu, kết nối giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối kết nối thị trường trong và ngoài nước; đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi, ngăn mặn, tưới tiêu, thoát lũ nhằm hạn chế tác động do biến đổi khí hậu; đầu tư hệ thống bến bãi, chợ, hệ thống logistic; hệ thống bảo quản, chế biến...

NHIỀU GIẢI PHÁP CUNG CẤP NƯỚC SẠCH Ở CÁC HUYỆN PHÍA ĐÔNG

Tại Phiên giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu cho rằng, hiện nay còn rất nhiều hộ dân ở các huyện (nhất là các huyện phía Đông) chưa có nước sạch sử dụng, nhất là vào mùa khô chủ yếu sử dụng nước kinh, mương, không đảm bảo vệ sinh. Đề nghị UBND tỉnh cho biết giải pháp và lộ trình đầu tư, nâng cao hệ thống cung cấp nước sạch phục vụ nhân dân trong thời gian tới.

Chủ tich UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh giải trình tại kỳ họp
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh giải trình tại Phiên giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn.

Giải trình vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, tính đến tháng 6-2022, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh đạt 100%. Trong đó, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước từ trạm cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh đạt 96,15%, còn 3,85% hộ dân nông thôn (tương đương 15.915 hộ) chưa tiếp cận nguồn nước trạm cấp nước tập trung. Riêng huyện Gò Công Đông có 83,89% hộ dân nông thôn trên địa bàn huyện sử dụng nước từ trạm cấp nước tập trung, còn 16,11% (tương đương 5.367 hộ) chưa tiếp cận nguồn nước trạm cấp nước tập trung.

Để giải quyết tình trạng thiếu nước trong mùa khô, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 1-4-2020 về cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh năm 2020 và sau năm 2020. Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo, giao Sở NN&PTNT đã phối hợp với các đơn vị liên quan trình UBND tỉnh bố trí kinh phí đầu tư 3 tuyến ống chính trên địa bàn huyện Gò Công Tây, 1 tuyến trên địa bàn huyện Chợ Gạo, 1 tuyến trên địa bàn huyện Gò Công Đông để đấu nối, bổ cấp tiếp nhận nguồn nước Nhà máy nước Đồng Tâm, cải thiện chất lượng nước cho 19 trạm trên địa bàn các huyện.

UBND các huyện, thị phía Đông huy động nhiều nguồn lực, phối hợp với các tổ chức, cá nhân cấp nước trên địa bàn triển khai thực hiện 19 dự án, đã nâng cấp cải tạo và phát triển tuyến ống cấp nước cho vùng lõm với tổng kinh phí thực hiện 16,13 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang đã đầu tư 32 công trình cấp nước đến vùng lõm với kinh phí 58,5 tỷ đồng từ nguồn vốn của công ty.

UBND tỉnh giao Sở Xây dựng tổ chức thực hiện Dự án Mạng lưới đường ống cấp nước phía Đông và Trạm bơm tăng áp Gò Công với có tổng mức đầu 270 tỷ đồng. Trong đó, Trạm tăng áp Gò Công đã nghiệm thu đưa vào sử dụng và mạng lưới đường ống cấp nước có 3 tuyến đã nghiệm thu đưa vào sử dụng gồm: Tuyến số 1, Tuyến số 3, Tuyến số 4. Còn lại các Tuyến số 2, Tuyến số 5 đang thi công, dự kiến tháng 10-2022 xong. Tuyến số 6 đã bàn giao mặt bằng thi công, dự kiến tháng 10-2022 xong.

Đại biểu theo dõi lãnh đạo UBND tỉnh giải trình
Đại biểu theo dõi lãnh đạo UBND tỉnh giải trình các vấn đề đại biểu đặt ra.

Song song đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang nghiên cứu đề xuất tăng công suất Nhà máy nước Bình Đức, Nhà máy nước Đồng Tâm, các dự án thành phần chuyển tải nước từ Dự án Mạng lưới đường ống cấp nước phía Đông và Trạm bơm tăng áp Gò Công đến các hộ dân, đặc biệt là các vùng lõm.

Theo Nghị quyết số 27/NQ-HĐND ngày 17-9-2021 của HĐND tỉnh, Dự án đầu tư mạng lưới thứ cấp phục vụ cấp nước sinh hoạt nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 được bố trí 12 tỷ đồng để triển khai thực hiện, UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNt phối hợp với UBND huyện Tân Phú Đông và huyện Gò Công Đông thống nhất danh mục công trình, lập đề xuất chủ trương đầu tư mạng lưới cấp nước thứ cấp phục vụ cấp nước sinh hoạt nông thôn gồm 11 tuyến ống cấp nước (Tân Phú Đông: 5 tuyến, Gò Công Đông: 6 tuyến). Dự kiến sẽ bố trí vốn đầu tư công năm 2023 để triển khai thực hiện và đưa vào sử dụng, cung cấp cho 1.200 hộ trên địa bàn huyện Gò Công Đông (900 hộ) và Tân Phú Đông (300 hộ).

Thời gian qua, lãnh đạo UBND tỉnh tăng cường kiểm tra và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công Trạm bơm tăng áp Gò Công
Thời gian qua, lãnh đạo UBND tỉnh tăng cường kiểm tra Dự án Mạng lưới ống cấp nước phía Đông và Trạm bơm tăng áp Gò Công, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, đến nay nhiều gói thầu đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Ảnh: C. THẮNG

Số công trình mạng lưới thứ cấp còn lại trên địa bàn các huyện, thị phía Đông chưa được bố trí vốn để thực hiện là 55 công trình với kinh phí 57 tỷ đồng. Bên cạnh đó, để đảm bảo hệ thống phân phối, tiếp nhận nguồn nước Nhà máy nước Đồng Tâm đưa về các huyện, thị phía Đông ổn định, đủ áp cần phải thực hiện 6 tuyến ống phân phối chính (huyện Gò Công Tây: 5 tuyến, Chợ Gạo: 1 tuyến) với kinh phí 86,5 tỷ đồng. UBND tỉnh sẽ cân đối bố trí kinh phí thực hiện trong năm 2024 và 2025 để đến năm sẽ cung cấp thêm 5.899 hộ dân.

Còn lại khoảng 1.600 hộ dân không thể đầu tư mạng lưới cấp nước đến do các hộ dân này do nằm rải rác, riêng lẻ ngoài đồng, ngoài đê, ven sông cách xa hệ thống mạng lưới cấp nước (gồm huyện Gò Công Đông: 1.142 hộ; TX. Gò Công: 217 hộ; huyện Gò Công Tây: 542 hộ). Giải pháp đối với các hộ này là trang bị lu, bể chứa nước mưa để sử dụng trong mùa khô.

THU HOÀI - VĂN THẢO

.
.
.