Tiền Giang: Điểm sáng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và chính sách tín dụng
(ABO) Trong bức tranh kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, bên cạnh các chỉ tiêu đạt và vượt như: Sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại - dịch vụ, xuất khẩu, thu hút đầu tư…, thì công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực và việc thực hiện các chính sách tín dụng cũng là những điểm sáng góp phần ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế tỉnh Tiền Giang phát triển.
ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC PCTN
Theo báo cáo của UBND tỉnh Tiền Giang, trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch giám sát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý; tự kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người có chức vụ, quyền hạn do đơn vị mình quản lý mà thường xuyên, trực tiếp giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng. Việc tiến hành giám sát được thực hiện vào các quý tiếp theo.
Chánh Thanh tra tỉnh Tiền Giang Hồ Hữu Nghị báo cáo kết quả thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. |
Qua công tác thanh tra hành chính, chủ yếu là: Thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, đầu tư xây dựng, tài chính, mua sắm vật tư, thiết bị cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; công tác quản lý, thực hiện các chương trình, dự án mục tiêu; trách nhiệm của thủ trưởng trong thực hiện pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại tố cáo và PCTN..., cơ quan chức năng đã phát hiện tổng số tiền vi phạm gần 27,5 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi gần 10,8 tỷ đồng, xử lý khác hơn 16,7 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính 126 cá nhân. Qua đó, lực lượng thanh tra chưa phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, tiêu cực.
Đối với thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, lực lượng thanh tra chuyên ngành đã thực hiện 1.377 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với 1.029 tổ chức, cá nhân. Các lĩnh vực tập trung thanh tra, kiểm tra chủ yếu: Hoạt động xây dựng, vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, y tế, văn hóa, giáo dục, giao thông vận tải... Qua đó, lực lượng chức năng đã phát hiện 342 trường hợp vi phạm; ban hành 299 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt hơn 7,7 tỷ đồng và thu hồi hơn 1 tỷ đồng…
Trong 6 tháng đầu năm, cơ quan chức năng chưa phát hiện vụ việc tham nhũng. Hiện cơ quan chức năng đang theo dõi 12 vụ, với 43 đối tượng của những năm trước chuyển sang, kết quả xử lý: Không khởi tố 1 vụ, 2 cá nhân; đang điều tra 7 vụ, 36 đối tượng; truy tố 1 vụ, 1 bị can; xét xử 3 vụ, 4 bị can. Trong 12 vụ đang theo dõi, có 5 vụ đã có kết luận (tính từ khi khởi tố), tổng số tiền gây thiệt hại và làm thất thoát ngân sách nhà nước hơn 5,3 tỷ đồng, đã thu hồi hơn 3,9 tỷ đồng; 7 vụ còn lại ước tính số tiền thiệt hại khoảng 8 tỷ đồng, do chưa có kết luận nên chưa tiến hành thu hồi. Trong 12 vụ việc đang theo dõi, cơ quan chức năng đã xử lý trách nhiệm người đứng đầu 2 vụ, 2 vụ đã được xét xử, án có hiệu lực pháp luật nhưng chưa xử lý trách nhiệm người đứng đầu, còn 8 vụ chưa xem xét trách nhiệm người đứng đầu do chưa có kết luận chính thức và chưa có bản án có hiệu lực pháp luật.
Tỉnh Tiền Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm đẩy mạnh công tác này trong thời gian tới. |
Phát biểu tại Kỳ họp thứ 5, Chánh Thanh tra tỉnh Tiền Giang Hồ Hữu Nghị cho biết, trong thời gian tới, thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát chấn chỉnh để từng bước nâng cao hiệu quả việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đẩy mạnh phân cấp quản lý, cải cách hành chính, cải cách thể chế; tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc công khai, đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan tổ chức, đơn vị; trong việc thực hiện các chế độ, tiêu chuẩn, định mức; tiếp tục đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, chuyển đổi vị trí công tác, việc tặng quà, nộp lại quà tặng tại các cơ quan, đơn vị; kiểm soát tài sản, thu nhập, kiểm soát xung đột lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn; tăng cường việc áp dụng khoa học, công nghệ trong quản lý để phát huy hiệu quả phòng, ngừa tham nhũng…
Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, khắc phục những hạn chế trong phát hiện và xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng; tập trung “ưu tiên” xử lý dứt điểm các vụ việc, các vụ án tham nhũng đã phát hiện theo đúng quy định của pháp luật; chú trọng giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của các tổ chức và công dân có liên quan đến công tác PCTN, tiêu cực…
CHÍNH SÁCH TÍN DỤNG HỖ TRỢ PHỤC HỒI, PHÁT TRIỂN
Trên cơ sở các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang trong điều kiện của dịch bệnh Covid-19, ngành Ngân hàng đã triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhiều chương trình tín dụng đặc thù được áp dụng như: Tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng theo Thông tư 01 ngày 13-3-2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19; áp dụng các chương trình cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68 của Chính phủ; triển khai thực hiện Quyết định 09 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến…
Ngoài ra, ngành Ngân hàng tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và các chương trình tín dụng đặc thù của ngành như: Cho vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn; cho vay xuất khẩu; cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng và tín dụng qua thẻ tín dụng... góp phần hạn chế tín dụng đen; cho vay bình ổn thị trường…
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Tây Tiền Giang. |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 29 chi nhánh cấp 1; 11 chi nhánh ngân hàng thương mại trực thuộc chi nhánh cấp 1; 97 phòng giao dịch; 16 quỹ tín dụng nhân dân; 2 chi nhánh Tổ chức tài chính vi mô (CEP); 1 phòng giao dịch Ngân hàng Phát triển; 1 chi nhánh Ngân hành Chính sách xã hội, 170 điểm giao dịch thuộc Ngân hành Chính sách xã hội; 266 trụ máy ATM (trong đó có 8 máy CDM) và 965 máy POS đang hoạt động; 991.961 thẻ ATM đang lưu hành.
Ước đến cuối tháng 6-2022, nguồn vốn huy động đạt 84.259 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2021, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 98% so với kế hoạch năm 2022. Dư nợ tín dụng toàn tỉnh thực hiện 79.441 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cuối năm 2021, tăng 0,06% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 97% so với kế hoạch năm 2022. Đến cuối tháng 6-2022, nợ xấu 685 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 0,86%, giảm 0,19% so với cuối năm 2021. Nhìn chung các ngân hàng có phát sinh nợ xấu nhưng trong giới hạn an toàn.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh Tiền Giang tiếp tục triển khai, quán triệt những quy định, chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đến các TCTD để đẩy nhanh tiến độ giải quyết cho khách hàng. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, các sở, ngành, hiệp hội trong và ngoài tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động của các TCTD trên địa bàn, nhất là liên quan đến vấn đề xử lý nợ xấu, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tại các TCTD; đặc biệt là trong việc tiếp cận các giải pháp hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Tiền Giang phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức nhiều hoạt động nắm bắt những khó khăn từ cơ chế, chính sách tiền tệ; chính sách hỗ trợ cho người dân, kịp thời kiến nghị cấp trên tháo gỡ. |
Đồng thời, mở rộng tín dụng, hướng tín dụng vào hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế; tạo điều kiện tối đa hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Song song đó là tiếp tục tập trung vốn vào các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về việc miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán; đáp ứng mọi hoạt động giao dịch thiết yếu của doanh nghiệp và người dân.
Cùng với đó là triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng ảnh hưởng do dịch Covid-19 như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, hạ lãi suất các khoản vay hiện hữu, cho vay mới với lãi suất thấp hơn lãi suất trước khi có dịch Covid-19; tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất cho vay phù hợp, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn…
Phấn đấu năm 2022, nguồn vốn huy động đạt 85.848 tỷ đồng và tổng dư nợ đạt 81.957 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm; tỷ lệ nợ xấu phấn đấu duy trì ở mức dưới 3% trên tổng dư nợ…
THU HOÀI - VĂN THẢO