Tham mưu Cảnh sát - đơn vị "đào tạo" nhiều lãnh đạo, chỉ huy trong Công an Tiền Giang
Trong Công an tỉnh Tiền Giang, có một đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ cách đây 30 năm mà những giá trị đóng góp của đơn vị này không chỉ có vai trò to lớn trong những chiến công phá án, giữ gìn trật tự an toàn xã hội (TTATXH) tỉnh nhà. Môi trường công tác tại đơn vị đã giúp một thế hệ cán bộ rèn luyện, trưởng thành, hầu hết trở thành lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Công an tỉnh - đó là Phòng Tham mưu Cảnh sát.
Tháng 6-1981, đơn vị được thành lập. Đến ngày 15-6-1992, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) có Quyết định 704 (X13) về sắp xếp bộ máy Công an tỉnh Tiền Giang cho phù hợp tình hình, nhiệm vụ mới, đơn vị kết thúc nhiệm vụ.
LỬA THỬ VÀNG…
Từ đó đến nay đã 30 năm, những câu chuyện về đơn vị cũ vẫn là ký ức nồng ấm trong mỗi cá nhân đã từng công tác tại đơn vị này. Khi ngồi lại cùng nhau, những dòng hồi tưởng lại tuôn trào. Ở đó, có những khó khăn, gian khổ, có tinh thần đồng đội gắn bó, có lửa nhiệt tình cách mạng và tinh thần tận tụy, quên mình.
Họp mặt CB-CS Phòng Tham mưu Cảnh sát nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống CSND (20-7-1962 - 20-7-2022). Ảnh: ĐẶNG THANH |
Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, nguyên Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Tiền Giang, nguyên Quyền Trưởng phòng Tham mưu Cảnh sát Trần Long Thôn cho biết: Chức năng của đơn vị chủ yếu là nắm tình hình, nắm thông tin về tội phạm, vi phạm về TTATXH, vi phạm hành chính, tổng hợp lại và đối chiếu với chính sách, pháp luật trên lĩnh vực an ninh, trật tự nói chung và TTATXH nói riêng để tham mưu Ban Chỉ huy (BCH) Cảnh sát chỉ đạo, điều hành đúng chính sách, pháp luật, sát với tình hình thực tế ở địa phương, để ổn định tình hình TTATXH.
Thời điểm đó, Phòng Tham mưu Cảnh sát muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ thì phải luôn phối hợp với Văn phòng Công an tỉnh, Phòng Tham mưu an ninh, các đơn vị Cảnh sát, lực lượng Cảnh sát các huyện, thành, thị và các phòng nghiệp vụ trong Công an tỉnh. Ngoài ra, còn phải phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, các sở, ngành chức năng của tỉnh để nắm tình hình, tham mưu đề xuất BCH Cảnh sát đề nghị Đảng ủy - Ban Giám đốc Công an tỉnh tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo những vấn đề lớn về trật tự xã hội.
Ngày đơn vị mới thành lập, đất nước trong thời kỳ bao cấp, rồi đến thời kỳ đầu xóa bỏ bao cấp, rất nhiều khó khăn gian khổ nhưng tập thể đơn vị, từ chỉ huy đến cán bộ, chiến sĩ (CB-CS) đều nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác, vượt khó cầu tiến, thương yêu, giúp đỡ, dìu dắt nhau cùng trưởng thành. BCH Cảnh sát là những người nêu gương, chỉ huy các cấp mẫu mực, nhiệt tình, CB-CS tích cực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Thượng tá Đỗ Tập Tấn, Phó Trưởng Công an huyện Cai Lậy, nguyên cán bộ Phòng Tham mưu Cảnh sát phấn khởi khi kể về tinh thần đoàn kết, đi qua khó khăn của tập thể Phòng Tham mưu Cảnh sát. Ở đó, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, CB-CS tham gia lao động xây dựng doanh trại, trực gác đảm bảo an ninh trật tự, hoàn toàn không hề có sự so đo tính toán khi cán bộ Tham mưu phải cầm cuốc, cầm xẻng hay trực gác, tuần tra bảo vệ doanh trại.
Vừa thực hiện tốt công tác nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy xây dựng và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp quan trọng về phòng, chống tội phạm, bảo đảm TTATXH; CB-CS Phòng Tham mưu Cảnh sát vừa tham gia lao động sản xuất để cải thiện đời sống và có thêm kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác.
Nguyên Giám đốc Nông trường, nguyên cán bộ Phòng Tham mưu Cảnh sát Trần Văn Nu cho biết: Giai đoạn đó, công tác khai hoang có rất nhiều khó khăn, nhưng CB-CS được phân công nhiệm vụ đi Phước Long, Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước) đều nhiệt tình, trách nhiệm.
Năm 1987, bắt đầu nhận đất khai hoang, phải mất 4 năm đối diện với biết bao thử thách: Muỗi, vắt, rắn, thú rừng, sốt rét, thất bại trong canh tác… Đến năm 1991, việc khai hoang, trồng điều, trồng tiêu mới cho thu nhập.
Từ đó, mua sắm, trang bị thêm được cơ sở vật chất cho công tác, chiến đấu. Trong công tác, chiến đấu, anh em, đồng chí, đồng đội từ chỉ huy đến chiến sĩ đều thương yêu nhau như một gia đình. Lãnh đạo chỉ huy tận tình dìu dắt, hướng dẫn CB-CS từng chút một theo lối “cầm tay chỉ việc” nêu hiệu quả công tác rất cao.
Thượng tá Nguyễn Văn Dân, Trưởng phòng Cảnh sát cơ động - Công an tỉnh Tiền Giang, nguyên cán bộ Phòng Tham mưu Cảnh sát cho biết, ngày đó, đồng chí là cán bộ trẻ, vào một đơn vị nền nếp, đồng chí được rèn luyện và đó là điều kiện thuận lợi giúp đồng chí trưởng thành, có nhiều kinh nghiệm, vững vàng với cương vị chỉ huy một đơn vị trực tiếp chiến đấu hiện tại.
ĐẾN NHIỀU CHIẾN CÔNG VẺ VANG
Trong giai đoạn 1981 - 1992, nhiều vụ án lớn được khám phá. Cụ thể như vụ án giết người, cướp tài sản do Nguyễn Hữu Phước (ngụ xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, nay là TP. Mỹ Tho) cầm đầu. Những năm đầu miền Nam giải phóng thống nhất đất nước, lực lượng Cảnh sát nhân dân (CSND) còn thiếu thốn trăm bề cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự, nhưng với tinh thần quyết tâm, quyết liệt tấn công tội phạm, bảo vệ cuộc sống, bình yên, hạnh phúc của nhân dân, CSND Công an tỉnh Tiền Giang đã triệt phá thành công băng cướp này.
Tọa đàm, giao lưu các thế hệ cán bộ Phòng Tham mưu Cảnh sát - Công an tỉnh Tiền Giang chủ đề tiếp thêm động lực, niềm tin và lửa nhiệt tình cống hiến. Ảnh: TRỌNG TÍN |
Với thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh, chúng đã gây ra 11 vụ cướp, giết 3 người, cướp nhiều tài sản. Qua điều tra, bọn chúng còn khai nhận đã gây ra trên 10 vụ cướp trước năm 1975. Kết thúc chuyên án, lực lượng CSND đã bắt 16 tên, thu hồi 3 quả lựu đạn và nhiều hung khí nguy hiểm.
Hay vụ án cướp xe đông lạnh do Trần Đức Huấn cầm đầu. Phá vụ án này, lực lượng CSND Công an tỉnh Tiền Giang bắt Trần Đức Huấn (sinh năm 1966, ngụ huyện Bình Lục, Hà Nam Ninh, nay là tỉnh Hà Nam) và Lê Xuân Thọ (sinh năm 1969, ngụ huyện Kiến An, Hải Phòng); thu 1 khẩu súng K59 và 8 viên đạn, 2 đồng hồ đeo tay, 1 vỏ chai Cocacola và trên 5 triệu đồng. Qua điều tra mở rộng, lực lượng chức năng đã làm rõ 7 vụ án khác do Trần Đức Huấn cầm đầu, gây ra trên pham vi cả nước và Campuchia.
Ngoài ra, hàng loạt vụ án mà Công an tỉnh Tiền Giang khám phá trong giai đoạn này đã nâng cao uy tín, xây dựng hình ảnh đẹp về lực lượng CSND, như vụ bắt đối tượng giả danh cán bộ Trung ương lừa đảo nông dân tại huyện Gò Công Tây, bắt băng trộm chuyên nghiệp liên tỉnh… Đồng thời, tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền giải quyết tranh chấp đất đai, giải quyết điểm nóng do vỡ nợ… Trong đó, phải kể đến vai trò quan trọng của công tác tham mưu do đơn vị Tham mưu Cảnh sát thực hiện.
Một đơn vị được thành lập và hoạt động trong vòng 11 năm, nhưng có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác giữ gìn TTATXH tỉnh nhà. Mọi sự sắp xếp bộ máy tổ chức, chuyển đổi vị trí công tác đều nhằm mục đích đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của lực lượng Công an trong từng giai đoạn. Nhiều cán bộ trưởng thành từ đơn vị này, đã trở thành lãnh đạo, chỉ huy.
Đại tá Nguyễn Văn Tảo, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang cho biết: Ông bà mình thường nói “lửa thử vàng gian nan thử sức”, giai đoạn đó còn trong bao cấp khoảng 5 năm, xóa bao cấp 5 năm đầu nên còn rất nhiều khó khăn, càng khó khăn thì chúng tôi phải càng nỗ lực phấn đấu rèn luyện trong thử thách. Được tôi luyện rất kỹ càng, nên mọi lúc mọi nơi, trong hoàn cảnh nào cũng nỗ lực phấn đấu quyết tâm vượt qua.
Thời đó có BCH Cảnh sát thì phải có Phòng Tham mưu Cảnh sát để giúp việc cho BCH. BCH Cảnh sát kết thúc nhiệm vụ thì Phòng Tham mưu Cảnh sát cũng được sáp nhập về Văn phòng Công an tỉnh. Hiện nay chức năng tham mưu chung cho toàn lực lượng thì vẫn là ở Phòng Tham mưu Công an tỉnh, có Đội Tham mưu Cảnh sát.
Mỗi thời kỳ có khó khăn riêng, riêng trong bối cảnh hiện nay thì lực lượng trẻ của Cảnh sát phải học tập nhiều hơn nữa, nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, vừa trau dồi đạo đức phẩm chất, vừa phải học hỏi kinh nghiệm đàn anh, vừa phải nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ, pháp luật, nghiệp vụ, nâng cao bản lĩnh thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
THANH DUY