Lực lượng vũ trang Tiền Giang vững vàng trong nhiệm vụ, luôn tỏa sáng phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ"
(ABO) Trước sự phát triển mạnh mẽ, rộng khắp của phong trào đấu tranh cách mạng, sự trưởng thành nhanh chóng của lực lượng tự vệ, để bảo đảm có một tổ chức chặt chẽ cho cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, ngày 12-8-1940, tại nhà ông Tư Tĩnh ở Xóm Vườn, ấp Miễu (ấp Long Bình B ngày nay), xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), Tỉnh ủy Mỹ Tho mở Hội nghị thành lập Ban Quân sự tỉnh gồm 7 đồng chí do đồng chí Nguyễn Hữu Thường làm Trưởng ban.
82 NĂM - CHẶNG ĐƯỜNG GIAN KHÓ NHƯNG ĐẦY VINH QUANG
Sau khi được thành lập, chỉ trong một thời gian ngắn, Ban Quân sự tỉnh đã tổ chức xây dựng lực lượng tự vệ của tỉnh hơn 3.000 người, vũ khí trang bị thô sơ, nhưng tinh thần chiến đấu rất hăng hái. Ngày 23-11-1940, cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ nổ ra.
Được sự hỗ trợ của lực lượng tự vệ, nhân dân nổi dậy làm chủ phần lớn vùng nông thôn, đánh chiếm 11 đồn, tiêu diệt 23 tên, thu 34 khẩu súng, phá hủy 20 cây cầu, bảo vệ chính quyền và bảo vệ các phiên Tòa xét xử bọn ác ôn...
Chiến sĩ mới tuyên thệ dưới Quân kỳ Quyết thắng. |
Giữa tháng 8-1945, tình hình chuyển biến có lợi cho phong trào cách mạng. Trước tình thế đó, ngày 17-8-1945, Tỉnh ủy Mỹ Tho tổ chức Hội nghị quyết định phát lệnh khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 18-8-1945, Lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Mỹ Tho được sự hỗ trợ của lực lượng nội ứng, dùng áp lực khống chế, buộc địch đầu hàng, giao các công sở cho quân khởi nghĩa.
Cho đến ngày 25-8-1945, lần lượt tại các huyện Châu Thành, Chợ Gạo, Cai Lậy, Cái Bè, An Hóa, chính quyền đã thuộc về tay nhân dân. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Từ năm 2000 đến nay, LLVT tỉnh đã được tặng thưởng 3 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, Nhì, Ba; 1 Huân chương Chiến công hạng Ba, 1 Huân chương Lao động hạng Ba, nhiều Cờ thi đua của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 và của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Nhiều năm liền, Đảng bộ Quân sự tỉnh luôn đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu. |
Tháng 3-1946, thực hiện chỉ thị của Xứ ủy, lực lượng tập trung của Mỹ Tho thành lập Trung đội Tự vệ chiến đấu, Trung đội Quốc vệ đội và Chi đội 17. Tháng 10-1946, tỉnh Gò Công thành lập Trung đội 9 và Trung đội Tự vệ chiến đấu, Tiểu đội Quốc vệ đội. Chỉ một thời gian ngắn từ tháng 3 đến tháng 10-1946, bộ đội tập trung cùng lực lượng tự vệ hoạt động diệt tề, bài trừ trộm cướp, đã diệt được trên 100 tên địch, phá hủy 2 xe quân sự, thu 63 súng.
Đầu năm 1947, thực hiện Lời kêu gọi ngày Toàn quốc kháng chiến (ngày 19-12-1946, LLVT Tiền Giang đã tổ chức 2 trận phục kích tại Cổ Cò (xã An Thái Đông, huyện Cái Bè) và Giồng Dứa (xã Long Định, huyện Châu Thành) tiêu diệt Tiểu đoàn Lê-ông và đoàn xe của Chính phủ bù nhìn Pháp ở Nam bộ làm chấn động dư luận trong và ngoài nước.
LLVT tỉnh Tiền Giang không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. |
Giữa năm 1948, trên địa bàn Mỹ Tho - Gò Công hệ thống chỉ huy từ Tỉnh đội xuống Xã đội được kiện toàn. Từ đây, phong trào chiến đấu du kích của tỉnh đi vào nền nếp. LLVT Mỹ Tho, Gò Công có điều kiện đánh địch nhiều hơn, các đại đội độc lập huyện cùng với Tiểu đoàn 309, Liên Trung đoàn 105 - 120, đánh địch những trận lớn trên địa bàn: Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè.
Bước sang năm 1954, trước khi Pháp bị buộc phải ký kết hiệp định đình chiến tại Genève, trong lúc tiếng súng diệt địch nổ rộ khắp nơi trong tỉnh, LLVT Mỹ Tho gặt hái tiếp những chiến thắng vang dội như: Chà Là, Bang Dầy, Kinh 12, Tam Bình, Nhị Mỹ, Anh Thạnh Thủy, Kinh Chợ Gạo, Mỹ Tịnh An …
Từ năm 1964, Ban Quân sự tỉnh, huyện đổi thành Ban Chỉ huy Tỉnh đội, Huyện đội có các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần hoàn chỉnh. Từ đây, LLVT Mỹ Tho từng bước trưởng thành, độc lập chiến đấu và phối hợp chặt chẽ với lực lượng cấp trên hoạt động trên địa bàn đã làm trọn vai trò đòn xeo cho các cuộc nổi dậy quần chúng ba mũi đánh địch mà Đảng bộ và nhân dân giao cho.
Vận động viên tham gia thi đấu nội dung Vượt vật cản V16 tại Hội thao Quốc phòng LLVT tỉnh Tiền Giang. |
Ngày 15-9-1967, trên rạch Ba Rài tại ấp 4, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy đã diễn ra trận chiến đấu của Tiểu đoàn bộ binh 263 quân khu 8 và quân dân tỉnh Mỹ Tho, chống lại cuộc hành quân càn quét của lữ đoàn 2, sư đoàn 9 quân Mỹ. Qua một ngày chiến đấu, quân và dân ta đã đánh bại cuộc hành quân “Cohart” của quân Mỹ, bước đầu làm phá sản chiến thuật “Lực lượng đột kích đường sông” bằng hạm đội nhỏ, nhằm thọc sâu vào vùng căn cứ cách mạng “tìm diệt” quân giải phóng.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 mở ra bước ngoặt lớn của chiến tranh, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đánh đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh.
Ngày 30-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, Bắc Nam sum họp một nhà. Trong niềm vui chung, các LLVT Tiền Giang không một ngày ngơi nghỉ, vừa phải làm nhiệm vụ quân quản, góp phần giải quyết hậu quả sau chiến tranh, vừa phải làm nhiệm vụ truy quét tàn quân địch để bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân, chống bọn vượt biên, vượt biển trái phép; đồng thời tham gia sản xuất để giải quyết một phần khó khăn của đất nước…
Chiến sĩ mới Trung đoàn 924 tham quan mô hình, học cụ huấn luyện. |
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc đã đạt được trong 2 cuộc kháng chiến, ngày 6-11-1978, LLVT tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) đã vinh dự được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân. Ngày 26-10-2001, Tư lệnh Quân khu 9 ban hành Quyết định 304 công nhận ngày 12-8-1940 là Ngày truyền thống của LLVT Tiền Giang.
Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, LLVT tỉnh nhà tiếp tục giữ vững và phát triển lên một tầm cao mới. Điều đáng tự hào là ngày 27-5-2013, một lần nữa LLVT tỉnh Tiền Giang vinh dự được Chủ tịch nước ký Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân trong thời kỳ đổi mới. Điều đó đã minh chứng dù bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, LLVT Tiền Giang vẫn luôn vững vàng, tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, là lực lượng nòng cốt để bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương.
“LÁ CHẮN THÉP” TRÊN TUYẾN ĐẦU CHỐNG DỊCH COVID-19
Trong cuộc chiến chống “giặc Covid-19”, cán bộ, chiến sĩ bộ đội cả nước nói chung và Tiền Giang nói riêng không ngại khổ, không ngại hiểm nguy “xông pha” lên tuyến đầu chống dịch. Bằng trách nhiệm và tình cảm, sự nỗ lực cao nhất, cán bộ, chiến sĩ, nhân viên tại các khu cách ly đã không quản ngày đêm, chăm lo tận tình, chu đáo để người dân được cách ly an tâm.
Thiếu tướng Đoàn Thanh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chính ủy Quân khu 9 và Đại tá Phạm Văn Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang thăm hỏi, động viên lực lượng dân quân trực chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại đường Hùng Vương nối dài (TP. Mỹ Tho) năm 2021. |
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ các ngành tuyên truyền cho công dân cách ly hiểu rõ tính chất, mức độ nguy hiểm và tác hại nghiêm trọng của dịch Covid-19; định hướng thông tin kịp thời, chính xác để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của công dân trong phòng, chống dịch Covid-19.
Năm 2021, trong tâm dịch Covid-19, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang và Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thành, thị đã triển khai tổ chức tốt các Phiên chợ Nghĩa tình quân - dân ở các cấp và đã tổ chức 40 phiên chợ (cấp tỉnh 6 phiên, cấp huyện 34 phiên) với gần 10 ngàn phần quà, bao gồm các mặt hàng thiết yếu cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí gần 2,9 tỷ đồng từ nguồn quỹ đơn vị và vận động mạnh thường quân.
Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Tiền Giang phân chia thực phẩm trong Phiên chợ Nghĩa tình quân - dân. |
Ngày nay, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang có nhiều diễn biến phức tạp, LLVT tỉnh Tiền Giang tiếp tục phấn đấu vươn lên, lập những chiến công và thành tích mới, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của đơn vị 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân.
Thường xuyên nâng cao khả năng, trình độ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tập trung xây dựng LLVT vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, luôn là lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà.
HỒNG LÊ - THANH LÂM