Có tình trạng cán bộ sợ sai không dám làm, đùn đẩy trách nhiệm
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng yêu cầu các Ban Nội chính địa phương tham mưu Ban Thường vụ chỉ đạo khắc phục tình trạng cán bộ sợ sai không dám làm, làm cầm chừng, đùn đẩy trách nhiệm, không tích cực giải quyết yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Chiều 24-8, Hội nghị toàn quốc tập huấn nghiệp vụ ngành nội chính Đảng đã bế mạc và thành công tốt đẹp sau 3 ngày diễn ra tại TPHCM.
Đến dự chủ trì lễ bế mạc có các đồng chí: Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương. Cùng dự có đồng chí Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM.
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng đánh giá hội nghị tập huấn đã hoàn thành các nội dung đề ra. Ảnh: VĂN MINH |
Phát biểu bế mạc, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng đánh giá hội nghị tập huấn đã hoàn thành các nội dung đề ra. Thành công lớn nhất của hội nghị lần này là trên 400 cán bộ, công chức của ngành nội chính Đảng ở 57 tỉnh thành có dịp nghiên cứu một cách có hệ thống những quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) và cải cách tư pháp (CCTP). Bên cạnh đó, ngành nội chính Đảng nhìn lại những hạn chế, bất cập để khắc phục, tổ chức thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ có hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương cũng lưu ý nhiều vấn đề trọng tâm trong thời gian tới. Trong đó, đồng chí đặc biệt nhấn mạnh đến 4 trụ cột trong PCTNTC. Đó là xây dựng thể chế chặt chẽ để không thể tham nhũng; xử lý nghiêm khắc để không dám tham nhũng; giáo dục liêm chính để không muốn tham nhũng và bảo đảm cuộc sống cho cán bộ, công chức không cần tham nhũng.
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng trao chứng nhận hoàn thành khóa tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ ngành nội chính Đảng. Ảnh: VĂN MINH |
Trong đó, 3 trụ cột thuộc nhiệm vụ giải pháp, phòng ngừa và 1 trụ cột thuộc nhiệm vụ giải pháp phát hiện xử lý. Quan điểm của Đảng là kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa và phát hiện xử lý. Trong đó phòng ngừa là chính, cơ bản lâu dài; phát hiện xử lý là quan trọng cấp bách.
Do đó cả hai mảng, nhiệm vụ này điều quan trọng với những ý nghĩa riêng, không thể coi trọng phòng ngừa hơn xử lý hoặc ngược lại coi trọng xử lý hơn phòng ngừa.
Đồng chí Võ Văn Dũng lưu ý, phải tuỳ theo điều kiện, tình hình, từng thời điểm mà đẩy mạnh giải pháp nào để đem lại hiệu quả cao nhất. Thế cho nên 4 trụ cột có mối liên hệ ràng buộc lẫn nhau, phải tiến hành đồng bộ mới đem lại hiệu quả cao nhất trong PCTNTC.
Sau hội nghị tập huấn này, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương yêu cầu các Ban Nội chính tỉnh, thành khẩn trương tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về lĩnh vực nội chính, PCTNTC và CCTP. Trên cơ sở đó tham mưu Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đề ra kế hoạch hoạt động hàng năm, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa và phát hiện xử lý.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương. Ảnh: VĂN MINH |
Bên cạnh đó theo dõi, đôn đốc, kiểm tra giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của các cơ quan chức năng; nâng cao chất lượng giám định tư pháp, định giá tài sản và tham mưu xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan này với cơ quan tố tụng; tham mưu đẩy mạnh, chú trọng giáo dục liêm chính cho cán bộ, công chức gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; quan tâm chăm lo cuộc sống cho cán bộ, công chức; củng cố kiện toàn bộ máy Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy.
Đặc biệt trong đó, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương yêu cầu các Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy chỉ đạo khắc phục tình trạng cán bộ sợ sai không dám làm, làm cầm chừng, đùn đẩy trách nhiệm, không tích cực giải quyết yêu cầu của người dân và doanh nghiệp; đồng thời tham mưu trong công tác luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ phù hợp với vị trí chuyên môn công tác…
Ngoài ra, trong quá trình tham mưu xử lý các vụ việc cần xem xét kỹ động cơ, mục đích sai phạm để phân biệt hành vi những người dám nghĩ dám làm, có động cơ trong sáng vì sự phát triển với hành vi của những người có động cơ vì mục đích tư lợi. Cần động viên, khuyết khích, bảo vệ những người dám đổi mới vì lợi ích chung, không tư lợi; đồng thời bảo đảm xử lý nghiêm đúng người đúng tội.
Tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương cũng chia sẻ, từ các vụ việc, vụ án tham nhũng trong thời gian qua, nhất là những vụ việc gần đây đều có bóng dáng của cán bộ đứng phía sau.
Do đó vấn đề đặt ra đối với các Ban Nội chính ở các tỉnh, thành là cần tham gia có hiệu quả hơn nữa với các cơ quan có thẩm quyền trong công tác cán bộ. Qua đó bảo đảm nhân sự quy hoạch, đề bạt bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý phải trong sạch, không tham nhũng, tiêu cực.
Muốn vậy, các Ban Nội chính tỉnh, thành phải đẩy mạnh công tác nắm tình hình có liên quan đến cán bộ. Cùng với đó, cán bộ ngành nội chính Đảng phải trong sạch, tinh tường, bản lĩnh và khách quan, công tâm.
(Theo sggp.org.vn)