.
Hàng loạt "quan chức" hầu tòa: Lỗi cơ chế hay phẩm chất?

Bài 3: Những lỗ kim đủ cho voi chui lọt

Cập nhật: 14:47, 17/08/2022 (GMT+7)

Bài 1: "Bẫy" suy thoái không cấp thẻ miễn trừ
Bài 2: Khi quyền lực chưa bị nhốt trong "lồng cơ chế"
Bài 3: Những lỗ kim đủ cho voi chui lọt
Bài 4: Hoàn thiện cơ chế để hiện thực hóa "4 không"
Bài cuối: Phẩm chất là yếu tố quyết định

Đại án ở ngành y tế, ngoại giao chưa dừng lại; sai phạm trong quản lý đất đai, quản lý tài sản công xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước, điển hình là Bình Dương, Bình Thuận, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... đã dấy lên vấn đề: Lỗi do phẩm chất cán bộ hay do cơ chế, chính sách, luật pháp? Có thể thấy, khi cán bộ thoái hóa về phẩm chất đạo đức, lại chủ ý lợi dụng sự chưa hoàn thiện của cơ chế, kẽ hở của chính sách, pháp luật để trục lợi thì con đường từ đỉnh cao quyền lực đến "xộ khám" là tất yếu. Trong tiến trình xây dựng luật pháp và chính sách, Đảng, Nhà nước đang quyết tâm để hoàn thiện các hệ thống này.

Từ kẽ hở luật pháp về đất đai...

Trong số hàng loạt cán bộ vướng vào vòng lao lý thì số có liên quan đến sai phạm trong lĩnh vực đất đai không nhỏ. Thực tế cho thấy, khoảng 70% các vụ khiếu kiện hiện nay liên quan đến đất đai, nhiều vụ có tính chất phức tạp, kéo dài. Trong số những đơn thư khiếu kiện mà chúng tôi có điều kiện tiếp cận, phần lớn có nội dung không đồng thuận trong thu hồi, đền bù, áp giá đất giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp với người bị thu hồi đất.

Luật Đất đai năm 1987 ra đời đã đóng vai trò quan trọng, thực hiện được sứ mệnh tạo ra khung khổ pháp lý hoàn thiện hơn trong lĩnh vực đất đai. Cho đến Luật Đất đai năm 2013, qua gần 9 năm thực hiện, luật đã giải quyết được nhiều tồn tại phát sinh trong thực tiễn. Tuy nhiên, trước thực tiễn thay đổi nhanh chóng, Luật Đất đai năm 2013 đã dần bộc lộ một số bất cập, trong đó có những kẽ hở, gây ra nhiều hệ lụy xã hội. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng phát biểu: “Nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất, mất cả tình nghĩa cha con, anh em, đồng chí cũng vì đất”.

Hàng loạt đại án liên quan đến đất đai ở các địa phương cho thấy lĩnh vực này đã phát hiện nhiều sai phạm, phổ biến nhất là sai phạm trong giao đất, cho thuê đất, thu hồi, đền bù đất, định giá đất, đấu giá đất dẫn đến tình trạng trục lợi về đất rất lớn. Giá đất được xác định trong các trường hợp này thường thấp hơn nhiều so với giá đất trên thị trường, một mặt gây bức xúc dư luận, mặt khác đã để những kẻ cơ hội trục lợi. Các chuyên gia cho rằng, luật pháp hiện hành đang giao cho UBND cấp tỉnh, thành phố quá nhiều quyền, trong đó có quyền quyết định giá đất. Nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng điều này để thâu tóm, trục lợi đất. Thế mới có chuyện, có nơi người dân bị thu hồi đất được đền bù số tiền ít ỏi nhưng lại phải bỏ ra số tiền gấp nhiều lần số tiền được đền bù trả cho doanh nghiệp để mua lại một phần diện tích đất của mình bị thu hồi trước đó. Tất nhiên, diện tích đất ấy đã được chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất ở, đất thương mại.

Một kẽ hở khác trong luật pháp về đất đai, đó là các chế tài chưa bảo đảm cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, minh bạch. Vụ việc điển hình gần đây là việc đấu giá 4 lô đất ở Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh) đã cho thấy sự nguy hiểm trong lĩnh vực này. Dư luận đi từ ngỡ ngàng đến bàng hoàng khi mức trúng đấu giá của một công ty con thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh lên tới 2,4 tỷ đồng/m2. Ngay sau đó, thị trường giá đất trên cả nước như "diễn xiếc", đẩy lên cao ngất ngưởng. Nhưng trớ trêu là, cuối cùng, cả 4 đơn vị trúng đấu giá này đều bỏ cọc và không nộp tiền sử dụng đất. Dư luận té ngửa khi biết rằng, luật pháp về vấn đề này chưa chặt chẽ. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc từng phát biểu: “Có những trường hợp, vốn vay lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu nhưng vẫn phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động tiền, rồi lấy tiền đó đi buôn bán bất động sản. Như vụ việc đấu giá đất ở Thủ Thiêm là điển hình của việc làm nhiễu loạn thị trường". Đất đai bị đầu cơ hoặc lạm dụng sẽ ảnh hưởng lớn đến toàn bộ nền kinh tế, gây tác hại khôn lường.

Nếu cú áp phe trong vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm trót lọt thì sự trục lợi của các nhóm lợi ích đã toan tính là rất lớn, sẽ lại có những tỷ phú đất mới xuất hiện. Một thực tế đáng suy nghĩ, đó là nhiều tỷ phú, triệu phú ở nước ta giàu có từ kinh doanh đất đai, bất động sản, hoặc khởi đầu từ lĩnh vực này. Sự giàu có từ buôn bán đất đai trên thực tế không tạo ra nhiều giá trị gia tăng về của cải vật chất như lĩnh vực sản xuất. Một hiện tượng bất thường trong xã hội, đó là rất nhiều người dân “chân đất” cũng đi buôn bán đất, đầu cơ đất. Thị trường mua bán đất ngầm hoạt động rầm rộ, lượng tiền giao dịch thực tế rất lớn nhưng số thuế Nhà nước thu được lại không phản ánh đúng thực tế.

Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" cũng chỉ ra: “Chính sách, pháp luật về đất đai còn nhiều hạn chế, bất cập, chồng chéo, thiếu thống nhất, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý, tạo kẽ hở để không ít cá nhân, tổ chức lợi dụng, tham nhũng, trục lợi, gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước”. Bởi thế, việc hoàn thiện thể chế, chính sách, luật pháp trong lĩnh vực đất đai vừa cấp bách, vừa lâu dài.

Minh họa: Phạm Hà
Minh họa: Phạm Hà

... Đến lỗ hổng trong quản lý tài sản nhà nước

Vấn đề nhức nhối trong quản lý tài sản công đã thường xuyên làm nóng các cuộc họp, trao đổi từ nghị trường cho đến bàn trà, quán cóc. Sở dĩ tài sản công rất được quan tâm bởi đó là nguồn lực quan trọng của quốc gia. Nhiều cán bộ biến chất, nhiều “nhóm lợi ích” đã tìm mọi cách để đục khoét. Vì sao một cá nhân như Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") có thể lấy được mấy chục trụ sở nhà đất vốn thuộc các cơ quan nhà nước, ở các vị trí đắc địa? Vì sao trong vụ AVG (sai phạm ở Tổng công ty Viễn thông Mobifone), các đối tượng có thể chia chác được nhiều nghìn tỷ đồng bằng một hợp đồng “diễn xiếc” qua mặt các cơ quan chức năng có trách nhiệm thẩm định, giám sát? Vì sao sau cổ phần hóa, một số đất đai, nhà máy, xí nghiệp, tài sản của tập thể, sở hữu nhà nước trước đây đã rơi vào tay một vài cá nhân, trở thành của tư? Không chỉ vậy, có những tài sản nhà nước trong tổ chức, doanh nghiệp cũng bị rơi vào tay cá nhân, hoặc bị sử dụng lãng phí, bị thâu tóm với giá "bèo". Dư luận không khỏi xót xa với những dây chuyền mua sắm công nghệ cũ, lạc hậu của một số nhà máy đường, xi măng, nhà máy gang thép, đóng tàu... sau một thời gian ngắn đã phải "đắp chiếu".

Có thể nói rằng, cùng với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản pháp luật, chúng ta đã có hệ thống pháp luật quản lý tài sản công khá đầy đủ, giúp từng bước chấn chỉnh việc quản lý không chặt chẽ tài sản công. Tuy vậy, trên thực tế, tình trạng làm sai pháp luật, lợi dụng kẽ hở để lách luật vẫn rất đáng lo ngại. Điển hình là một số lĩnh vực trong thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị công lập; thực hiện hợp đồng BT, BOT; cơ chế quản lý, hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty, tổ chức tín dụng... Tại Hội thảo “Đổi mới quản lý tài sản công ở nước ta gắn với phòng, chống “nhóm trục lợi” được tổ chức mới đây, PGS, TS Đoàn Minh Huấn, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, nhận diện "nhóm trục lợi", những lỗ hổng trong quản lý tài sản công, đúc rút bài học kinh nghiệm và kiến nghị để hoàn thiện, bổ sung chính sách... là vấn đề khó của mọi quốc gia và là vấn đề cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn.

 Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quản lý đã chỉ ra, trong quản lý tài sản công vẫn chưa rõ trách nhiệm của các chủ thể thực thi quyền tài sản công, gồm người định đoạt tài sản, người chiếm hữu, quản lý tài sản, người sử dụng tài sản. Cũng từ thực tế cho thấy, tình trạng người đứng đầu cơ quan, đơn vị không ban hành quy chế quản lý, sử dụng tài sản công để tổ chức thực hiện không hiếm. Điều này dẫn đến một số nơi tài sản công bị quản lý lỏng lẻo, không rõ trách nhiệm. Những sai phạm này không được thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát kịp thời dẫn tới hậu quả xảy ra trong thời gian dài, phức tạp, rất khó khắc phục. Ngay trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn về công tác quản lý, khai thác, sử dụng quỹ nhà, đất thuộc quản lý nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội diễn ra đầu tháng 7-2022, các đại biểu Hội đồng nhân dân TP Hà Nội đã chất vấn việc thành phố có 802/803 hợp đồng nhà chưa được gia hạn, chưa được ký và có sai phạm trong sử dụng nhà chuyên dùng. Đặc biệt, nợ nghĩa vụ tài chính của các tổ chức, cá nhân sử dụng nhà chuyên dùng trên địa bàn TP Hà Nội khoảng 1.200 tỷ đồng kéo dài nhiều năm và xu hướng ngày càng tăng. Đây cũng là thực trạng chung ở một số địa phương hiện nay.

 Cũng theo các chuyên gia, trong quản lý tài sản công, điều quan trọng là phải bằng mọi quy định pháp luật để từng bước loại bỏ hoàn toàn cơ chế “xin-cho”. Nếu đâu đó còn việc phân bổ nguồn lực theo cơ chế “xin-cho”, quan hệ thân hữu không dựa trên cơ chế thị trường và cạnh tranh công bằng thì nơi đó chắc chắn hình thành “nhóm lợi ích”, “nhóm trục lợi”. Loại bỏ dứt điểm cơ chế "xin-cho" phải bằng chế tài pháp luật chặt chẽ chứ không thể dùng mệnh lệnh hành chính. Để phòng, chống tham nhũng hiệu quả, nhất là lĩnh vực quản lý tài sản công, tài chính công, chúng ta nên nghiên cứu xây dựng Luật Đăng ký tài sản. Chế tài luật để xử lý hiện tượng nhiều người đang đứng tên, chiếm, sở hữu tài sản mà có thể đó là hợp pháp hay không hợp pháp, có chứng minh được nguồn gốc hợp pháp hay không. Đó cũng là chế tài để xử lý tình trạng các đối tượng tham nhũng che giấu tài sản.

Tiên và hậu đều trách... cán bộ thoái hóa

Hơn 20 năm trước đây, đăng đàn trước Quốc hội, một vị chánh án từng phát biểu gây xôn xao dư luận, nêu ra thực trạng đáng suy ngẫm, đó là tình trạng luật pháp của chúng ta tạo ra những cách hiểu khác nhau. Ông nói điều đó nhằm cảnh báo về hệ thống luật pháp chưa hoàn chỉnh.

Luật pháp và chính sách là xương sống trong quản trị quốc gia. Đảng, Nhà nước không bao biện và luôn nhìn thẳng vào thực tế để thấy rằng, chúng ta có hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ; có rất nhiều chính sách tiến bộ, phù hợp với thực tiễn, đặc biệt những chính sách về an sinh xã hội bảo đảm tốt nhất quyền con người. Dù vậy, còn những văn bản luật, những chính sách cần nghiên cứu sâu từ thực tiễn để điều chỉnh cho phù hợp, nhất là những bộ luật, chính sách có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội như đã phân tích. Đại dịch Covid-19 đã cho chúng ta thêm góc nhìn khách quan về các chính sách ở nhiều lĩnh vực, trong đó có chính sách công. Ở những thời điểm khó khăn nhất, về cơ bản, đội ngũ ngành y vẫn quyết tâm, làm việc hết mình, sẵn sàng xả thân nơi gian khó. Nhưng sau một thời gian dài trên tuyến đầu chống dịch, chính sách tiền lương, chế độ ưu đãi với họ không phù hợp sức lao động bỏ ra đã khiến hàng nghìn nhân viên ngành y rời hệ thống y tế công lập. Không chỉ ngành y, nhiều ngành nghề đang có những bất cập giữa lương và thu nhập, giữa lao động và hưởng thụ, giữa quyền lợi và trách nhiệm.

Không thể phủ nhận, tiến trình từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật luôn được Đảng, Nhà nước ta coi trọng. Chúng ta có đủ các chế tài bao quát mọi lĩnh vực và thượng tôn pháp luật đang đóng vai trò chủ đạo trong quản lý nhà nước. Tuy vậy, cũng như bất cứ quốc gia nào, Việt Nam đang trên con đường hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN, một mô hình nhà nước chưa có sẵn. Lập pháp (bao gồm cả sửa luật) phải tuân theo những trình tự, thủ tục chặt chẽ và không phải bao giờ cũng dự báo được mọi tình huống xảy ra. Hơn nữa, việc này cần thực tiễn chứng minh. Bởi thế, những khoảng trống, kẽ hở, khiếm khuyết trong quá trình thực thi pháp luật là khó tránh khỏi. Yếu tố cốt lõi chúng ta đang làm là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng, tiêu cực".

Có đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để trả lời câu hỏi "Hàng loạt “quan chức” hầu tòa thì lỗi tại phẩm chất hay cơ chế?".

Các Mác từng luận giải một cách thuyết phục: “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”. Luận điểm này đã trở thành nền tảng, cơ sở khoa học khi nghiên cứu, giải quyết vấn đề bản chất con người. Những quan chức, cán bộ sai phạm có cả nguyên nhân do phẩm chất đạo đức, cả nguyên nhân do kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật. Trong mối quan hệ này, lỗi do sự suy thoái phẩm chất đạo đức của cán bộ mang tính quyết định. Cơ chế, chính sách, pháp luật có lỗ hổng là điều kiện để thúc đẩy họ vi phạm. Hay có thể nói, những cán bộ này là những người cơ hội chủ nghĩa. Ở một góc nhìn khác, một phần nguyên nhân dẫn tới luật pháp, chính sách của chúng ta có những kẽ hở, còn hạn chế cũng có yếu tố do chủ quan phẩm chất đạo đức của chính đội ngũ cán bộ có trách nhiệm, nghĩa vụ xây dựng hệ thống luật pháp, chính sách đó. Luật pháp, chính sách cũng là do con người xây dựng nên. Loại bỏ yếu tố về trình độ, năng lực còn hạn chế khi xây dựng luật thì tình trạng xây dựng luật pháp, chính sách theo kiểu “cuốc giật vào lòng”, “lợi ích nhóm”, "cài cắm" lợi ích vào văn bản, lợi dụng cái hợp pháp để làm điều không hợp lý chưa thực sự chấm dứt.

Đi đôi với việc tập trung chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, thể chế về quản lý kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng được chú trọng đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể", "không dám", "không muốn", "không cần" tham nhũng (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (2012-2022).


(Theo qdnd.vn)

.
.
.