Nhìn lại 55 năm ASEAN và định hướng tương lai
Sáng 18/8, tại Hà Nội, trong vai trò Chủ tịch Mạng lưới các Viện nghiên cứu chiến lược ASEAN (ASEAN–ISIS), Học viện Ngoại giao đã tổ chức Tọa đàm quốc tế “Nhìn lại 55 năm ASEAN và định hướng tương lai”.
Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao phát biểu khai mạc Tọa đàm. (Ảnh Quang Hòa) |
Tham dự Tọa đàm, về phía Việt Nam có đại diện lãnh đạo Học viện Ngoại giao, các đồng chí cố vấn, chuyên gia lâu năm về ASEAN; đại diện một số đơn vị và cơ quan nghiên cứu, tham mưu thuộc Bộ Ngoại giao và các bộ ngành liên quan. Về phía khách quốc tế có sự tham gia trực tuyến của đại diện lãnh đạo và các học giả thuộc 10 viện nghiên cứu thành viên Mạng lưới ASEAN–ISIS.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao khẳng định lại những thành tựu quan trọng mà ASEAN đạt được trong 55 năm qua.
Bối cảnh quốc tế hiện nay đang đặt ra cho ASEAN nhiều thách thức lớn, nhất là cạnh tranh địa chính trị, thách thức đối với quá trình phục hồi kinh tế của khu vực do các tác động tiêu cực của xung đột quân sự Nga-Ukraine và nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống khác.
Do đó, đây chính là lúc ASEAN cần nhìn lại và đánh giá kỹ hơn môi trường quốc tế để cùng tìm cách củng cố đoàn kết nội khối, vai trò trung tâm và tăng cường các giá trị chiến lược của Hiệp hội.
Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Trưởng SOM ASEAN Việt Nam phát biểu dẫn đề tại Tọa đàm. (Ảnh: Quang Hòa) |
Phát biểu dẫn đề tại Tọa đàm, Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Trưởng SOM ASEAN Việt Nam cho rằng ASEAN có thể tự hào khi trở thành tổ chức khu vực của 670 triệu người dân và có triển vọng trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030.
Hiệp hội đã từng bước đóng vai trò trung tâm trong kiến trúc an ninh khu vực, kết nối quan hệ hợp tác với các đối tác bên ngoài, thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như ASEAN+1, ASEAN+3, ARF, EAS, ADMM+.
Đặc biệt, Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác (TAC) cùng với Hiến chương ASEAN đã trở thành những văn kiện quan trọng, góp phần gìn giữ và hiện thực hóa những nguyên tắc nền tảng của khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, ASEAN cần tiếp tục chủ động, sáng tạo củng cố vai trò trung tâm, nâng cao giá trị chiến lược của Hiệp hội trong môi trường mới.
Toàn cảnh Tọa đàm tại điểm cầu Học viện Ngoại giao. (Ảnh: Quang Hòa) |
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu cũng đã nêu lên những đánh giá nhiều chiều cả về thành tựu và hạn chế của ASEAN như: Các nước ASEAN cần tiếp tục gắn kết ngay cả khi có khác biệt về lợi ích và quan điểm; Cần duy trì tăng trưởng kinh tế thịnh vượng cho Đông Nam Á, thúc đẩy hội nhập và hợp tác, thay vì cạnh tranh để củng cố vị thế một khối thống nhất của ASEAN trong nền kinh tế thế giới.
ASEAN cần chủ động hơn trong xây dựng luật chơi và sáng tạo hơn để tìm ra những cách tiếp cận mới về chủ nghĩa khu vực, duy trì các nguyên tắc, sự thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, cần có sự điều chỉnh phù hợp, chủ động thích ứng linh hoạt và can dự tích cực hơn với các đối tác bên ngoài.
Các nước thành viên cần điều hòa lợi ích quốc gia với lợi ích chung của khu vực để cùng ứng phó với nhiều thách thức trong một thế giới biến động ngày càng nhanh chóng, phức tạp.
Về định hướng phát triển của ASEAN, các đại biểu đã tập trung thảo luận và nhấn mạnh ba nhiệm vụ quan trọng của Hiệp hội trong thời gian tới.
Một là, cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện thành công Kế hoạch hành động Cộng đồng ASEAN đến năm 2025 và xây dựng Tầm nhìn cho giai đoạn sau 2025.
Hai là, cần gia tăng sự kết nối giữa người dân với các hoạt động của ASEAN do hầu hết người dân ASEAN hiện chưa có nhận thức đầy đủ về vai trò của ASEAN.
Ba là, nâng cao hiệu quả của các cơ chế, cơ quan trong ASEAN, củng cố niềm tin chiến lược trong khu vực và vị thế quốc tế của ASEAN.
Đại diện lãnh đạo và các học giả thuộc 10 Viện nghiên cứu thành viên Mạng lưới ASEAN – ISIS tham dự tọa đàm. (Ảnh: Quang Hòa) |
Các đại biểu cũng đã đề xuất, đối với Cộng đồng Chính trị - an ninh ASEAN, các nước thành viên cần xây dựng cách tiếp cận chung về các thách thức an ninh chủ yếu của khu vực và quốc tế, cụ thể là trong vấn đề Biển Đông, Mekong, Myanmar và khủng hoảng Ukraine.
Đối với Cộng đồng Kinh tế, ASEAN cần chủ động tận dụng các cơ hội để phát triển trong các lĩnh vực mới, nhất là thúc đẩy chuỗi cung ứng bền vững, hợp tác công nghệ và chuyển đổi số.
Trong Cộng đồng Văn hóa – xã hội, mặc dù đa dạng về nền tảng giá trị, các nước thành viên cần tăng cường xây dựng tư duy "vì cộng đồng", tinh thần “thuộc về ASEAN" nhằm thúc đẩy sự hiểu biết, tin tưởng lẫn nhau và bản sắc chung ASEAN.
Tọa đàm không chỉ là một sự kiện kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN mà còn là diễn đàn trao đổi thẳng thắn và thực chất về quá khứ, hiện tại và tương lai của ASEAN.
Các đại biểu đều nhất trí rằng thành tựu lớn nhất của ASEAN chính là tạo dựng được môi trường hòa bình, ổn định để thúc đẩy sự hòa hợp và thịnh vượng của khu vực.
Trong bối cảnh địa chính trị quốc tế và khu vực đang có những chuyển biến nhanh chóng và phức tạp, các thành viên ASEAN cần duy trì đoàn kết, thống nhất nội khối, làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác bên ngoài, củng cố vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ, đề cao chủ nghĩa đa phương và nâng cao hiệu quả của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.
Theo Baoquocte.vn