Thứ Tư, 03/08/2022, 17:31 (GMT+7)
.

Nỗ lực thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, triển khai tích cực 3 Chương trình mục tiêu quốc gia

Chiều 3-8, tại Trụ sở Chính phủ, tiếp tục phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 trực tuyến với các địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp về tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

a
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp về tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, vừa qua, Chính phủ tiếp tục thúc đẩy 6 tổ công tác họp với các bộ, ngành, địa phương tìm hiểu nguyên nhân để thúc đẩy tốt hơn tình hình giải ngân vốn đầu tư công. Đây là những vấn đề hết sức quan trọng, nhưng tại sao vấn đề quan trọng này lại chậm chạp, chưa thực sự chuyển biến mạnh, là bệnh trầm kha của nhiều năm nay?

Trên cơ sở thực tiễn đã chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát vừa qua của các tổ công tác đã đưa ra đánh giá, nhận định, chúng ta cần mổ xẻ xem nguyên nhân vì sao một lượng lớn tiền đầu tư công triển khai phục hồi và phát triển kinh tế lại chậm được giải ngân. Cùng với đó, chúng ta đã thay đổi 3 Chương trình mục tiêu quốc gia thành 1 chương trình lớn với 3 nội dung, trong quá trình tổ chức thực hiện, quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, quá trình đánh giá, sơ kết thời gian vừa qua, tại sao vấn đề này vẫn triển khai chậm?

Thủ tướng đề nghị cần tìm rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, đâu là vấn đề thuộc về thể chế, thể chế này thuộc về ai, thuộc về Chính phủ thì Chính phủ phải làm, thuộc về các bộ thì các bộ phải làm. Nếu thuộc thẩm quyền cấp cao hơn thì chúng ta phải báo cáo Trung ương, Bộ Chính trị; nếu cần chỉnh sửa các điều luật, các Nghị quyết của Quốc hội thì phải báo cáo Quốc hội. Các đồng chí phải suy nghĩ vấn đề này vì đây là vấn đề mang tính quốc tế; đầu tư công tạo không gian phát triển mới, việc làm, tạo tăng trưởng tốt hơn, nhất là trong thực hiện chính sách tài khóa.

Thủ tướng cũng đặc biệt nhấn mạnh cần thực hiện chính sách tài khóa hài hòa, hợp lý, kết hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ để đương đầu với khó khăn. Thực hiện chính sách tiền tệ phải thận trọng, chắc chắn, linh hoạt; chính sách tài khóa phải mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả; cũng cần nghiên cứu cắt giảm các loại thuế, phí, lệ phí. Thúc đẩy đầu tư công, tăng thu, giảm chi, giảm nợ công, giảm nợ Chính phủ… là những vấn đề phải bàn sâu.

a
Toàn cảnh phiên họp.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu thẳng thắn, nhìn thẳng vào công việc. Các Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố là những người nắm rõ nhất việc này, nắm giữ các nguồn lực mà nhìn thấy ách tắc thì chắc chắn phải sốt ruột, lo lắng, trăn trở trừ những người vô cảm. Những vấn đề chúng ta đang lo lắng, suy nghĩ, nhưng tại sao tình hình chưa được cải thiện. Chúng ta cũng cần xem xét trách nhiệm của người đứng đầu. Trong một số giải pháp đã nêu, những đơn vị, cơ quan nào không giải ngân thì ngoài kiểm điểm ra thì phải điều chuyển vốn đầu tư công cho các địa phương, đơn vị làm tốt hơn. Việc này cũng cần đánh giá đã thực sự làm tốt chưa.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo, thực hiện tốt việc này. Sau buổi họp phải có chỉ đạo, kết luận sát sao để tạo ra chuyển biến tích cực bởi trong lúc có tiền mà không tiêu được thì phải suy nghĩ trách nhiệm. Chúng ta phải chỉ ra được vấn đề, tự mình điều chỉnh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng phải nắm bắt việc này, phải xem đây là trách nhiệm của mình bởi có nguồn lực mà không triển khai được thì nguyên nhân tại sao, phải nêu rõ vướng mắc ở đâu. Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương làm tốt thì cũng cần chia sẻ kinh nghiệm tổ chức quản lý từ khâu xây dựng dự án, phân bổ nguồn vốn đến việc tổ chức thực hiện, rút kinh nghiệm, kiểm tra, đôn đốc.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 được Quốc hội quyết định tại các Nghị quyết của Quốc hội là 542.105,895 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là 222.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 304.105,895 tỷ đồng, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2021 chuyển nguồn sang năm 2022 là 16.000 tỷ đồng. Xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều Nghị quyết, Công điện, văn bản chỉ đạo quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công: tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc, thành lập 6 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để kiểm tra, đôn đốc công tác thực hiện và giải ngân. Đến ngày 28/6/2022, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã giao chi tiết 485.924,036 tỷ đồng (không bao gồm vốn Chương trình mục tiêu quốc gia), đạt 93,8% số vốn Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm; còn 16 bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2022 với tổng số vốn 7.751,496 tỷ đồng (trong đó vốn trong nước là 7.327,094 tỷ đồng và vốn nước ngoài là 424,402 tỷ đồng); 8 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương với tổng số vốn là 24.430,363 tỷ đồng…

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 31/7 là 186.848,16 tỷ đồng, đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 đạt 36,71% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó có 1 cơ quan Trung ương và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 50%; có 41/51 bộ, cơ quan Trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (34,47%), trong đó có 17 bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao…

Theo nhandan.vn



 

.
.
.