Thượng tướng Cao Đăng Chiếm: Vị tướng tài ba của Nam bộ thành đồng
Thượng tướng Cao Đăng Chiếm (bí danh Cao Lê, Năm Quế, Năm Hưng, Hai Tý, Sáu Hoàng) sinh ngày 1-12-1921 tại xã Nhị Mỹ, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Trong suốt 65 năm tham gia hoạt động cách mạng và 61 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam trong những năm tháng đầy gian khổ, hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng chí luôn có mặt ở những nơi nơi ác liệt, khó khăn, phức tạp nhất ở chiến trường miền Nam; và dù ở cương vị, hoàn cảnh nào, đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
THAM GIA CHIẾM GIỮ “DINH THỐNG ĐỐC NAM KỲ”
Lúc còn nhỏ, đồng chí được gia đình cho đi học tiểu học và trung học ở Mỹ Tho; sau đó lên Sài Gòn học nghề về giao thông công chính và đi làm. Tiếp nối truyền thống yêu nước của gia đình, đồng chí sớm giác ngộ cách mạng: Năm 1943, tham gia phong trào chống thực dân Pháp xâm lược trong tổ chức Công hội đỏ ở TP. Sài Gòn - Chợ Lớn, do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1946 do đồng chí Nguyễn Văn Linh (sau này là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam) tổ chức kết nạp.
Tháng 8-1945, tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Sài Gòn - Chợ Lớn, được giao nhiệm vụ chiếm giữ và treo Quốc kỳ tại “Dinh Thống đốc Nam kỳ” (thường gọi là dinh Gia Long, nay là Bảo tàng Cách mạng TP. Hồ Chí Minh). Đồng chí Lê Thanh Vân (Sáu Ngọc, sau này là Cục trưởng Cục Tình báo của Bộ Công an, Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh) đã leo lên nóc dinh Gia Long tháo lá cờ của địch xuống, treo cờ đỏ sao vàng của cách mạng lên. Sau này họ là bạn chiến đấu thân thiết của nhau trong lực lượng Công an nhân dân.
Thượng tướng Cao Đăng Chiếm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đến thăm bà con ấp Bắc, xã Tân Phú, huyện Cai Lậy (nay thuộc TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). |
Ngày 25-8-1945, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Trong những ngày sục sôi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng đã quyết định thành lập các tổ chức an ninh, tiền thân của lực lượng Công an nhân dân để bảo vệ phong trào cách mạng và trực tiếp đấu tranh diệt ác trừ gian, đồng chí tham gia lực lượng Quốc gia Tự vệ cuộc Nam bộ ngay tại TP. Sài Gòn - Chợ Lớn.
Ngày 23-9-1945, chuyến tàu đầu tiên chở các cán bộ, chiến sĩ cách mạng bị địch giam ở Côn Đảo trở về đất liền, được Trung ương và Xứ ủy Nam bộ bố trí công tác, bổ sung vào đội ngũ cán bộ của Đảng cho Nam bộ để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ngay từ những ngày đầu chính quyền cách mạng còn non trẻ; trong số đó có các đồng chí: Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng...; sau này trở thành những nhà lãnh đạo cách mạng tài ba và nổi tiếng của Đảng và Nhà nước ta. Đồng chí Cao Đăng Chiếm đã gặp và làm việc với các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng trong những ngày sôi sục cách mạng ấy ở Nam bộ.
Tháng 2-1946, sau khi thống nhất các tổ chức Công an trong cả nước, Quốc gia Tự vệ cuộc được đổi tên Sở Công an Nam bộ. Lãnh đạo Xứ ủy Nam bộ giao nhiệm vụ cho đồng chí Cao Đăng Chiếm làm Phó Giám đốc Sở Công an Nam bộ. Cùng với đồng chí Phạm Hùng, đồng chí Cao Đăng Chiếm hăng hái đi hầu khắp các tỉnh Nam bộ để củng cố, xây dựng lực lượng cách mạng ở các cấp, đặc biệt là công tác Đảng và công tác Công an. Tháng 11-1951, đồng chí được đề cử làm Giám đốc Sở Công an Phân liên khu miền Đông. Cũng vào năm 1951, đồng chí được cử ra Việt Bắc báo cáo tình hình với Trung ương và nhận sự chỉ đạo mới về cuộc kháng chiến và đã vinh dự được gặp Bác Hồ...
NHÀ LÃNH ĐẠO, CHỈ HUY KIỆT XUẤT CỦA LỰC LƯỢNG AN NINH
Đầu năm 1955, theo quyết định của Đảng, Ban Địch tình Xứ ủy Nam bộ được thành lập, đồng chí Văn Viên làm Trưởng ban, các đồng chí Mai Chí Thọ, Cao Đăng Chiếm và Hoàng Minh Đạo làm Phó Trưởng ban. Năm 1960, Ban Bảo vệ an ninh Xứ ủy Nam bộ được thành lập, do đồng chí Phạm Thái Bường làm Trưởng ban, đồng chí Cao Đăng Chiếm làm Phó Trưởng ban. Từ tháng 1-1960 đến tháng 10-1961, đồng chí được giao nhiệm vụ xây dựng căn cứ địa cách mạng nhằm chuẩn bị cho chiến đấu vũ trang ở tỉnh Tây Ninh và phát động nổi dậy ở khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định…
Vào khoảng năm 1964, đồng chí được Trung ương tổ chức ra Hà Nội. Do yêu cầu của cách mạng, Trung ương Cục và Ban An ninh Trung ương Cục quyết định cử đồng chí kiêm nhiệm chức vụ Trưởng Ban An ninh Đặc khu Sài Gòn - Gia Định (T4), tham gia Đặc khu ủy cho đến năm 1966. Trong thời gian này, đồng chí đã lãnh đạo Ban An ninh T4 triển khai nhiều mặt công tác và tổ chức xây dựng lực lượng, cơ sở trong lòng địch. Lực lượng An ninh vũ trang cũng đã được thành lập…
Đồng chí Cao Đăng Chiếm đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, 2 Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huy chương Vì an ninh Tổ quốc, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước và bạn bè quốc tế trao tặng. |
Đến tháng 5-1966, đồng chí là Phó Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam và được Trung ương Cục chỉ định làm Tư lệnh Mặt trận tiền phương kiêm Chỉ huy trưởng bảo vệ căn cứ Trung ương Cục, là một trong những nhà lãnh đạo, chỉ huy kiệt xuất của lực lượng An ninh, có tầm nhìn toàn diện, lâu dài, có công lớn trong việc xây dựng, triển khai và trực tiếp chỉ đạo các hoạt động của lực lượng An ninh miền Nam, hình thành các mũi tiến công chiến lược, tổ chức lực lượng tình báo luồn sâu vào hàng ngũ địch nắm tình hình và tham mưu cho Đảng có đối sách kịp thời, làm thất bại nhiều âm mưu và hoạt động của tình báo Mỹ - ngụy, bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan, các lực lượng cách mạng và nhân dân…
Tháng 12-1974, đồng chí được Trung ương Cục miền Nam chỉ định làm Chỉ huy Phó Ban Chỉ huy tiền phương và là Thường vụ Đảng ủy Đặc khu Sài Gòn - Gia Định, chuẩn bị chiến dịch đánh vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Đồng chí chỉ huy các lực lượng An ninh phối hợp với quân chủ lực trong Chiến dịch Hồ Chí Minh tấn công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn - Gia Định và miền Nam.
Ngày 30-4-1975, đồng chí chỉ huy một cánh quân các cơ quan, ban, ngành Nội chính của Trung ương Cục từ chiến khu Tây Ninh với khoảng 2.000 cán bộ, chiến sĩ tiến vô Sài Gòn chiếm lĩnh, tiếp quản các cơ quan an ninh, cảnh sát, tình báo địch. Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định được thành lập. Thượng tướng Trần Văn Trà làm Chủ tịch, đồng chí Cao Đăng Chiếm được chỉ định làm Phó Chủ tịch Thường trực, phụ trách Nội chính.
Tháng 10-1976, đồng chí Cao Đăng Chiếm được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ và được bầu làm Ủy viên Đảng đoàn Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12-1976), đồng chí được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (tháng 3-1982), đồng chí được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986), đồng chí tiếp tục được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Từ năm 1986, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Thứ trưởng Thường trực Bộ Nội vụ và là Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương. Đồng chí là một trong những cán bộ lãnh đạo tích cực xây dựng lực lượng Công an nhân dân theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại. Đến năm 1989, đồng chí được Nhà nước phong hàm Thượng tướng An ninh nhân dân.
Năm 2007, do lâm bệnh nặng, đồng chí Cao Đăng Chiếm đã từ trần tại Bệnh viện 30-4 (Bộ Công an), hưởng thọ 87 tuổi. Năm 2010, đồng chí được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
HỮU TƯỜNG (tổng hợp)