Thứ Bảy, 06/08/2022, 12:00 (GMT+7)
.

Tuyệt đối không chủ quan trước dịch Covid-19, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine

Sáng 6-8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, chủ trì Phiên họp lần thứ 16 của Ban Chỉ đạo. Phiên họp truyền trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố.

a
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 phát biểu tại Phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta không bao giờ quên những ngày tháng vất vả, mất mát, hy sinh vì đại dịch Covid-19. Lúc đó, chúng ta chưa có kinh nghiệm về phòng, chống dịch, chưa có vaccine, chưa có thuốc chữa Covid-19, phải dùng các biện pháp hành chính, dẫn đến tê liệt mọi hoạt động xã hội. Vì vậy, phải tốn nhiều công sức, nguồn lực để phòng, chống dịch bằng biện pháp hành chính, lao đao vì biện pháp hành chính. Để từ đó, phải nâng cao nhận thức trong phòng, chống dịch.

a
(Ảnh: TRẦN HẢI)

Theo Thủ tướng, khi kiểm soát được dịch bệnh thì bắt đầu xuất hiện tư tưởng chủ quan, lơ là chống dịch, mà lại xuất phát từ các cơ quan phòng, chống dịch, có tâm lý say sưa với thắng lợi ban đầu. Bài học lịch sử cho thấy không được chủ quan.

Ngay khi đỉnh dịch ở Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản gửi các cơ quan liên quan. Chúng ta đã có phong trào tiêm vaccine tốt mới kiểm soát được tình hình. Năm ngoái nhờ có Nghị quyết 128/NQ-CP thì mới cải thiện tình hình, sau đó đạt độ bao phủ vaccine lớn mới kiểm soát được dịch bệnh, nhờ đó nhân dân mới được hưởng cái Tết an toàn.

a
(Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phải nhất quán trong tuyên truyền phòng, chống dịch, tiêm vaccine. Những bài học vẫn đang còn hiện hữu trước mắt. Theo Thủ tướng, có tình trạng lơ là cả trong công tác tuyên truyền, nhận thức, tổ chức thực hiện phòng, chống dịch. Chúng ta đã đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở với kinh nghiệm xương máu. Nếu không có độ bao phủ vaccine tốt thì Việt Nam không thể tổ chức thành công SEA Games 31.

Thủ tướng đánh giá, nhiều nơi đã làm tốt công tác tiêm chủng, nhưng nhiều nơi cũng làm chưa tốt; đồng thời nêu rõ, đến nay là tháng 8 mà nhiều địa phương vẫn chưa đạt kế hoạch tiêm chủng, kể cả đối với mũi tiêm thứ 2.

Thủ tướng nhấn mạnh cần quan tâm tiêm chủng cho các đối tượng tuyến đầu, người già, người có bệnh nền, những người làm dịch vụ, giao hàng…; cần đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, phải đánh giá miễn dịch cộng đồng trên toàn quốc.

Theo Thủ tướng, Bộ Y tế phải chỉ đạo các Sở Y tế; cấp ủy lãnh đạo, chính quyền phải tổ chức thực hiện; người dân phải vào cuộc. Bộ Y tế phải chủ động trong vấn đề này, quan trọng nhất là có đủ vaccine, không sợ thừa mà chỉ sợ thiếu; phải huy động mọi nguồn lực có thể. Công thức phòng, chống dịch đã có, trong đó vaccine là vũ khí quan trọng nhất; thuốc chữa bệnh Covid-19 đã sản xuất được; công nghệ phải tiếp tục đẩy mạnh; tiếp tục tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân. Công thức chống dịch của chúng ta đơn giản, dễ nhớ. Các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao các biện pháp phòng, chống dịch của Việt Nam. Vaccine đã có Nhà nước lo, do đó, dứt khoát là phải lo cho dân, tiêm vaccine phòng Covid-19 là miễn phí.

Thủ tướng nêu rõ, nếu không quyết liệt làm thì sẽ bị động, lúng túng. Điều này sẽ là không chấp nhận được khi chúng ta đã có kinh nghiệm.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận rõ tình hình thế giới. Trong điều kiện xuất hiện các loại dịch bệnh như sốt xuất huyết, bệnh đậu mùa khỉ…, không thể để “dịch chồng dịch”. Bởi quy mô nền kinh tế nước ta còn khiêm tốn, độ mở nền kinh tế cao, sức chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài còn có hạn, một biến động nhỏ bên ngoài có thể tác động lớn trong nước.

Thủ tướng yêu cầu phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; phải cùng nhau gánh vác, mỗi cấp, mỗi ngành đều phải lo toan, có trách nhiệm với công tác phòng, chống dịch; phòng bệnh hơn chữa bệnh. Ban Chỉ đạo cũng cần hoạt động tích cực hơn nữa, phải bàn các vấn đề ngoài việc tăng cường phòng, chống dịch; phải lo tăng cường y tế dự phòng và y tế cơ sở; tăng phụ cấp cho nhân viên y tế; cơ cấu lại nhân lực; tiếp tục kêu gọi cộng đồng quốc tế, doanh nghiệp ủng hộ công cuộc phòng, chống dịch. Bộ Y tế phải tham mưu Chính phủ vấn đề này.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh thực hiện công tác phòng, chống dịch có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.

Nhân dịp này, Thủ tướng biểu dương lực lượng Quân đội luôn nêu cao phẩm chất anh hùng, vì nhân dân phục vụ, không quản ngại gian khó, luôn đi đầu trong phòng, chống dịch.

Thủ tướng cũng yêu cầu phải thực hiện đồng bộ công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của nhân dân; phải suy nghĩ cách tuyên truyền bảo đảm hiệu quả hơn nữa.

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính đến ngày 4-8, Việt Nam đã triển khai tiêm được hơn 247 triệu liều vaccine phòng Covid-19, là quốc gia có số liều vaccine sử dụng và tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên thế giới (tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%); hiệu suất sử dụng vaccine cao (đạt 100%) và tốc độ tiêm nhanh (tháng cao điểm - tháng 10 và 11-2021 tiêm được 39-40 triệu liều/tháng); tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trên tổng dân số là 52%, cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới); tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Đức, Italia, Pháp...

Tiến độ tiêm chủng có xu hướng tăng trở lại trong thời gian gần đây. Trong nửa cuối tháng 7-2022, cả nước triển khai tiêm được hơn 7,7 triệu liều vaccine, tăng 34% so với nửa đầu tháng 7-2022. Việt Nam là nước triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 với quy mô rộng rãi, nhiều đối tượng, nhiều mũi tiêm và sử dụng đa dạng các loại vaccine. Các bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội và các địa phương đã rất nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận và đánh giá Việt Nam có chiến lược sử dụng vaccine phù hợp, hiệu quả với cam kết thực hiện của toàn hệ thống chính trị và người dân.
 

Theo nhandan.vn
 


 

.
.
.