Thứ Tư, 14/09/2022, 09:58 (GMT+7)
.

Chuyện về người đại đội trưởng trong trận đánh năm xưa

Cách đây 55 năm - ngày 15-9-1967 - trên sông Ba Rài, đoạn qua xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), đã diễn ra trận phòng ngự chống càn của bộ đội Tiểu đoàn 263. Đây là một trận đánh mang tính đột phá, góp phần làm phá sản chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông” của sư đoàn 9 Mỹ ở chiến trường tỉnh Mỹ Tho.

Ông Nguyễn Hoàng Kha kể lại trận đánh Ba Rài.
Ông Nguyễn Hoàng Kha kể lại trận đánh Ba Rài.

Hơn nửa thế kỷ qua, những người tham gia trận đánh ấy không còn nhiều. Trong số ít người còn sống mà chúng tôi được tiếp xúc là ông Nguyễn Hoàng Kha, tên gọi thân mật Tư Vọng, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 263, Quân khu 8 thời chống Mỹ, nay đã gần tuổi 90, hiện sống ở ấp Hội Lễ, xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Đại đội 2 do ông phụ trách là đơn vị phát pháo đầu tiên trong trận đánh tàu lịch sử năm ấy.

KÝ ỨC CỦA NGƯỜI TRONG CUỘC

Ông kể, lúc bấy giờ chúng tôi đóng quân ở khu vực rạch Bà Phò, xã Phú An. Khoảng 23 giờ thì nhận được điện họp khẩn của Ban Chỉ huy tiểu đoàn. Tôi bảo anh Sĩ ở lại, tôi sẽ đi họp. Ban Chỉ huy thông báo đã nhận được thông tin ngày mai địch sẽ càn vào vùng này, nhưng chưa biết cụ thể điểm nào, giờ nào.

Ban Chỉ huy xét thấy địa hình ở Bà Phò không tốt, lại sát chi khu Cái Bè của địch, nên không thể trụ lại, bèn bàn biện pháp rút quân tránh càn, hoặc về Cẩm Sơn, phía đông Ba Rài hoặc về ấp 7 xã Long Trung. Ý kiến của tôi: Nếu tránh địch càn thì rút về ấp 7, xã Long Trung; nếu về Cẩm Sơn là chống địch càn chứ không tránh địch càn được. Nhiều ý kiến cho rằng, về Long Trung, tiểu đoàn sẽ di chuyển không kịp, dễ bị địch tập kích giữa đường, nên quyết định rút về Cẩm Sơn - ở địa hình cũ đã đóng quân.

Đến khoảng 3 giờ ngày 15-9, tiểu đoàn vượt sông Ba Rài về đến ấp 4, xã Cẩm Sơn. Đại đội tôi đóng quân ngang khu vực thất Cao Đài. Vừa lội qua sông là anh em chuẩn bị sửa công sự cũ, ngụy trang. Tôi dặn anh em bố trí cự ly đội hình, 3 chốt đánh tàu chuẩn bị tư thế. Xạ thủ B40 phải cách mặt sông 100 m, còn B41 cách 150 m và ngụy trang phải thật khéo, chứ ống dòm của địch rất tốt, có thể nhìn xuyên đêm.

Khu Di tích lịch sử Chiến thắng Ba Rài.                                                          Ảnh: QUẾ NGÂN
Khu Di tích lịch sử Chiến thắng Ba Rài. Ảnh: QUẾ NGÂN

Anh em chưa kịp nấu cơm thì khoảng 6 giờ 20 phút tàu giặc vô tới. Tôi  lệnh cho các chốt đánh tàu chờ địch chạy ngang qua mới bắn, phải bảo đảm chính xác; đồng thời điện báo cho Ban Chỉ huy tiểu đoàn về việc tàu địch xuất hiện.

Được lệnh, các chốt đồng loạt nổ súng, một chiếc tàu rà mìn địch bị trúng đạn, lủi sang bờ phía tây; một số chiếc khác bị trúng đạn nhưng vẫn còn chạy được. Lúc này nước ròng và lục bình che kín hai bên sông, nên tàu giặc khó xoay trở. Địch lại bị tấn công bất ngờ nên tỏ ra lúng túng, bị ta bắn cháy khoảng 10 chiếc. Chúng bắn trả quyết liệt.

Sau đó một số chiếc tăng tốc vượt qua các tổ hỏa lực của ta. Đến khoảng 7 giờ, tàu địch rút khỏi địa hình, rồi hàng ngàn trái pháo địch nã vào trận địa của ta. Ngưng tiếng pháo thì máy bay địch gầm rú, trút bom xuống, cây cối đổ ngổn ngang không còn lối đi, xung quanh không còn thấy màu xanh… Trận đánh kéo dài đến 19 giờ thì chúng tôi được lệnh rút khỏi trận địa, hành quân sang xóm Tre, xã Long Tiên.

Về mức độ ác liệt của trận chiến, ông chỉ nói: Sau trận đánh, tôi không hiểu sao mình còn sống!

HÀNH TRANG CỦA NGƯỜI CHIẾN SĨ

Ông Tư Vọng tham gia cách mạng hồi trước Đồng Khởi năm 1960. Sau những ngày bị địch kìm kẹp làng quê Hội Sơn (tức xã Hội Xuân hiện nay), ông rời quê lên miệt Mộc Hóa, rồi gia nhập Tiểu đoàn 261. Ít lâu sau khóa học ở khu, ông chuyển về Tiểu đoàn 263, làm Đại đội trưởng lúc 25 tuổi.

Sau trận Ba Rài, ông nhiều lần bị thương nặng. Lần ông bị thương nặng nhất vào cuối năm 1967 tại ấp 2, xã Cẩm Sơn. Địch càn cả trung đoàn từ Phú An vô. Ông bám công sự dùng đại liên chống càn. Địch bò dưới giàn lúa cao tiếp cận sát đội hình của ta. Đánh nhau cả tiếng đồng hồ, mệt lả người. Đồng đội khuyên rút, nhưng ông quyết định chiến đấu đến cùng.

Địch phát hiện, dùng M72 bắn trúng công sự, đồng đội ông 1 người hy sinh, 1 người gãy chân.  Ông bị đất văng vào mắt, không thấy đường, khi quờ tay kéo đồng đội dậy mới phát hiện mình bị bắn bể đầu gối, đã được đồng đội đưa xuống xuồng đẩy về tuyến sau, bên ấp Xuân Điền. Hiện giờ, trong người ông còn 1 viên đạn M.16 bên hông, 1 mảnh pháo nhỏ trên đầu và hàng chục vết thương khắp người. Hồi đó, bác sĩ kêu mổ lấy đạn ra, nhưng cảm thấy nó “nằm im” nên không mổ, coi nó như “hành trang” của cuộc đời vậy.

Năm 1970, ông về xã nhà, Huyện ủy Cai Lậy cử anh Ba Khởi đến gặp, động viên ông làm bí thư xã. Lúc bấy giờ Hội Sơn là “xã trắng”, đảng viên rời địa bàn gần hết. Ông bám trong khu vườn cỏ cao lút đầu người cất chòi trụ lại tìm cách móc nối hoạt động.

Đồng chí Đại đội trưởng năm xưa giờ sống trong một căn nhà cấp 4 - là nhà tình nghĩa, được Nhà nước xây tặng. Chi xài lúc tuổi già của ông mỗi tháng gói gọn trong 5 triệu đồng tiền trợ cấp thương binh và bị nhiễm chất độc da cam. Hai công đất vườn thì không có huê lợi gì, trồng được một số mít nhưng bán không được; nay mới mua cây giống sầu riêng trồng lại, chủ yếu là để cho cô con gái duy nhất, chứ chưa chắc gì sầu riêng ra trái mà mình còn sống - ông tâm sự.

NGUYỄN NGỌC PHAN

.
.
.